Điều trị Covid-19 bằng huyết tương, tế bào gốc như thế nào?

Diệu Linh Thứ ba, ngày 21/09/2021 06:14 AM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bình luận 0

Hai phương pháp điều trị mà GS Nguyễn Thanh Liêm kiến nghị bao gồm: Truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người vừa khỏi Covid-19 cho các bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng và truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp.

Lấy huyết tương từ người khỏi Covid-19 không dễ

Về hai phương pháp này, một bác sĩ chuyên điều trị các bệnh nhân Covid-19 cho biết, biện pháp truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng không dễ dàng thực hiện.

Vị bác sĩ này phân tích, kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2 từ huyết tương của người đã khỏi Covid-19 chỉ tồn tại trong vài tháng là hết. Do đó, việc lấy huyết tương chỉ có thể thực hiện ngay khi bệnh nhân khỏi bệnh. Nhưng việc vận động người vừa khỏi bệnh hiến huyết tương cũng không dễ dàng.

Điều trị Covid-19 bằng huyết tương, tế bào gốc như thế nào?  - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM. Ảnh BYT

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp ở 1 số địa phương, hàng nghìn người nhập viện mỗi ngày, hàng nghìn bệnh nhân nặng đang yêu cầu cầu cứu hồi sức, lực lượng y tế căng mình ra thu dung, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Ngoài ra, họ còn phải làm các nhiệm vụ như lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vaccine Covid-19.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến hết ngày 20/9, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.521 ca.

Trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.473 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 854 ca; Thở máy không xâm lấn: 399 ca; Thở máy xâm lấn: 766 ca; ECMO: 29 ca.

Các ca bệnh nặng tập trung chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam.

Bộ Y tế cũng đã phải huy động hơn 17.000 nhân viên y tế từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung để vào Nam hỗ trợ chống dịch.

Hiện lực lượng y tế đang quá tải, mỗi người đều phải làm việc gấp 5-10 lần công việc so với khi không có dịch.

Trong khi việc vận động người khỏi Covid-19 hiến huyết tương, lấy huyết tương, xét nghiệm xem huyết tương có kháng thể hay không... sẽ cần không ít nhân lực y tế. Để ứng dụng được phương pháp này cũng cần phải tính toán rất chặt chẽ, cụ thể, điều động thiết bị, nhân lực...

"Hơn 80% người nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ tự khỏi, chỉ có 20% bệnh nhân có triệu chứng và có khoảng 5% trong số đó là chuyển nặng. 

Do đó, nếu hạn chế được số người mắc, tiêm vaccine để giảm nguy cơ bệnh nặng để giảm bớt số bệnh nhân nặng thì các bác sĩ có thể tập trung điều trị bệnh nhân tốt hơn. Từ đó, số ca tử vong chắc chắn sẽ giảm", vị bác sĩ này phân tích.

Truyền tế bào gốc cho bệnh nhân Covid-19 giá không rẻ

Còn đối với phương pháp truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân Covid-19 có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine, vị bác sĩ này cho biết, phương pháp này khá đắt đỏ trong khi hiệu quả điều trị của một số nghiên cứu trên thế giới cũng chưa rõ ràng.

Được biết, giá ghép tế bào gốc điều trị một số bệnh ở Việt Nam giao động từ vài trăm đến hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể như theo Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hiện nay, chi phí ghép tế bào gốc (sau khi đã trừ chi phí được hưởng bảo hiểm y tế) của kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân là khoảng 100-200 triệu đồng;

Ghép tế bào gốc đồng loài phù hợp HLA (từ nguồn máu dây rốn hoặc tế bào gốc máu ngoại vi/tuỷ xương của anh chị em ruột) khoảng 400 – 600 triệu đồng;

Ghép tế bào gốc nửa hoà hợp (ghép haplotype – từ nguồn tế bào gốc của bố/mẹ hoặc anh chị em ruột nửa hoà hợp): Khoảng 600 -700 triệu đồng;

Ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng khoảng 600-800 triệu;

Ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng khoảng 1 tỷ – 1,2 tỷ đồng.

"Trong điều kiện bệnh nhân Covid-19 nhiều, nhập viện dồn dập như hiện nay thì chúng ta phải lựa chọn biện pháp điều trị đơn giản, hiệu quả, giá rẻ dành cho đám đông. 

Đó phải là một kỹ thuật mà hàng ngàn bác sĩ đều có thể thực hiện được để khẩn trương điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân. 

Các biện pháp đắt tiền và phức tạp đôi khi không kịp với diễn biến của bệnh Covid-19 như hiện nay", bác sĩ này cho biết.

Một chuyên gia y tế khác lại cho rằng việc truyền huyết tương và truyền tế bào gốc là khả thi. Theo ông, việc vận động người vừa khỏi Covid-19 hiến huyết tương không khó. 

"Nếu chúng ta vận động khéo, tuyên truyền tốt thì rất có khả năng thành công. Vì việc hiến huyết tương đơn giản hơn hiến hồng cầu, ít ảnh hưởng đến sức khỏe hơn. Cần phải sớm áp dụng phương pháp này cho bệnh nhân Covid-19 để ngăn chặn nguy cơ bệnh nặng và tử vong", vị chuyên gia này cho biết.

Theo chuyên gia này, truyền huyết tương và truyền tế bào gốc và hai "vũ khí" dùng ở 2 giai đoạn điều trị bệnh nhân Covid-19 khác nhau. Việc truyền huyết tương là ở giai đoạn đầu, nhiễm Covid-19 là phải truyền ngay.

"Tất nhiên không phải truyền huyết tương cho tất cả mà truyền cho những người có nguy cơ bị nặng như người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính, bị bệnh nền như béo phì, đái tháo đường... Lúc đấy mục đích chủ yếu là duyệt virus, ngăn chặn bệnh trở nặng ở các bệnh nhân nguy cơ.

Điều trị Covid-19 bằng huyết tương, tế bào gốc như thế nào?  - Ảnh 4.

Hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 nặng đang phải điều trị tích cực. Bệnh nhân tại Trung tâm Hồi sức tích cực tại TP.HCM do Bệnh viện Việt Đức phụ trách. Ảnh BVCC

Còn giai đoạn sau, khi bệnh nhân đã suy hô hấp và có cơn bão Cytokine thì sẽ truyền tế bào gốc", chuyên gia này nói.

Tuy nhiên, vị này thừa nhận, phương pháp truyền tế bào gốc không rẻ và dù Việt Nam làm chủ được kỹ thuật này nhưng cũng chỉ 1 số cơ sở y tế đặc thù sản xuất được tế bào gốc.

Trước đó, ngày 20/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu kiến nghị 2 phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương để có phương án tổ chức thực hiện cho phù hợp.

Để góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân Covid-19, GS Liêm đã đề xuất 2 phương pháp điều trị mới mà thế giới đã áp dụng thành công.

Thứ nhất, truyền huyết tương có chứa kháng thể chống virus SARS-CoV-2 của những người mắc bệnh đã hồi phục cho các bệnh nhân có nguy cơ chuyển nặng. Đây là phương pháp không mới, đã được áp dụng cho nhiều vụ dịch trên thế giới.

GS Liêm phân tích, trong đại dịch Covid-19, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng phương pháp này và góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Nghiên cứu gần đây rất đáng chú ý của Libster và cộng sự đăng trên tạp chí y học có uy tín New England Journal of Medicine cho thấy, truyền plasma của người bệnh đã hồi phục làm giảm tỷ lệ bệnh nhân bị suy hô hấp và làm giảm tỷ lệ tử vong.

Hai điểm cần nhấn mạnh trong nghiên cứu này là họ đã truyền huyết tương cho bệnh nhân rất sớm trong vòng 72 giờ từ khi có triệu chứng và chỉ truyền huyết tương có hiệu giá kháng thể chống lại virus cao. Mặc dù đối tượng truyền là những người từ 65 tuổi trở lên, có bệnh nền, nhưng không có bệnh nhân nào có tác dụng phụ nghiêm trọng.

"Thu huyết tương từ người cho tặng về nguyên tắc giống như thu nhận máu từ những người hiến máu. Phương pháp dễ thực hiện, chi phí thấp, Bộ Y tế nên chỉ đạo Bệnh viện Huyết học TPHCM và Viện Huyết học truyền máu Trung ương lập sớm ngân hàng huyết tương có kháng thể chống virus để sử dụng cho người bệnh có nguy cơ cao", GS Liêm kiến nghị.

Còn về phương pháp truyền tế bào gốc trung mô từ dây rốn sớm cho các bệnh nhân có biểu hiện suy hô hấp để ngăn chặn cơn bão Cytokine - nguyên nhân tử vong hàng đầu ở bệnh nhân suy hô hấp, GS Liêm cho biết, phương pháp này đã được sử dụng cho suy hô hấp do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đối với các bệnh nhân Covid-19, một số nghiên cứu cho thấy, truyền tế bào gốc có thể làm tăng tỷ lệ sống gấp 2,5 lần so với nhóm không truyền.

Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô với số lượng lớn, nếu được nghiên cứu triển khai sẽ là một phương pháp hứa hẹn góp phần giảm thấp tỷ lệ tử vong.

"Hai phương pháp điều trị bệnh nhân Covid-19 này là khả thi. Một phương pháp thông dụng, 1 phương pháp thì Việt Nam đã làm chủ được. Còn hạn chế về số lượng thì chúng ta có thể tìm giải pháp sau", vị chuyên gia nhận định.

Mời các bạn xem video điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Hồi sức TP.HCM: 

Áp lực của các bác sĩ ở nơi đây thật sự quá lớn. Nguồn BYT


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem