Đứt hàng, giá nguyên liệu tăng, doanh nghiệp bún, phở lo sốt vó

Quốc Hải Thứ ba, ngày 08/08/2023 16:19 PM (GMT+7)
Nguồn gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ nhiều năm qua để làm bún, phở... đang bị đứt hàng khi nước này cấm xuất khẩu, khiến nhiều nhà sản xuất trong nước đang phải loay hoay tìm nguồn thay thế.
Bình luận 0

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, vài năm trở lại đây, phần lớn diện tích trồng lúa tại ĐBSCL được chuyển sang trồng lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu nên nguồn cung của phân khúc gạo để sản xuất bún, bánh, phở… bị thiếu hụt, không đủ để đáp ứng tiêu thụ nội địa.

Trong khi đó, việc nhập khẩu gạo từ Ấn Độ lại tăng vọt vì giá rẻ nhờ được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% từ Ấn Độ theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Từ nguồn nguyên liệu giá rẻ này, các nhà sản xuất trong nước sẽ tận dụng để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

Doanh nghiệp bún, phở… lo lắng vì giá gạo tăng - Ảnh 1.

Sản xuất bún sạch tại Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính. Ảnh: Quốc Hải

Đứt nguồn cung gạo từ Ấn Độ, ngành sản xuất bún, phở… lao đao?

Mới đây, Ấn Độ chính thức ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo. Sau đó thêm 2 nước là Nga và UAE cũng ban hành lệnh cấm tương tự. Tình hình cung ứng gạo để phục vụ phân khúc sản xuất bún, bánh, phở… càng thêm khan hiếm hơn.

"Tranh nhau mua nguyên liệu để tích trữ sản xuất" là nhận định của một doanh nghiệp (DN) sản xuất bún tại TP Thủ Đức. Theo người này, trước đây DN của bà mua gạo 504 cũ (chà từ lúa trữ 1 năm trở lên) ở khu vực ĐBSCL để sản xuất bún, nhưng hiện tại giá gạo đang tăng cao, trong nước chưa đến vụ thu hoạch nên tạm thời đang thiếu hụt, DN bà tìm khắp nơi mà không có.

"Gạo 504 có đặc điểm hạt gạo dài, trắng ngà, ít tấm. Nếu dùng để làm bánh, bột hoặc bún phải là loại gạo được chà từ lúa trữ 1 năm trở lên. Còn gạo 504 mới xay có đặc tính nở xốp và mềm cơm hơn nên không phù hợp để sản xuất", người này nói.

Bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính, cũng cho biết, giá gạo mà DN bà dùng để sản xuất bún sạch cứ tăng dần, tăng dần thời gian gần đây.

Từ mức giá 9.800 - 10.000 đồng/kg, hiện giá gạo này đã tăng lên 15.500 - 16.000 đồng/kg. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của DN nói riêng, của ngành sản xuất thực phẩm bún, phở… nói chung.

Doanh nghiệp bún, phở… lo lắng vì giá gạo tăng - Ảnh 2.

Giá gạo tăng khiến các DN sản xuất bún, phở trong nước lo lắng. Ảnh: Quốc Hải

"Nguyễn Bính xác định được xu thế giá nguyên vật liệu tăng nên cũng trữ được một ít gạo để sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay giá nguyên liệu tăng mà chúng tôi chưa thể tăng được giá bún và có thể sang đến tháng 9 mới tăng giá được, rất khó khăn", bà Bính nói.

Từ kinh nghiệm là DN đầu tiên công nghiệp hóa ngành sản xuất bún ở Việt Nam, bà Bính cho hay, làm bún sạch bình thường thì khi trải qua 15 công đoạn sản xuất, 1kg gạo chỉ cho ra 1,6-1,7kg bún, nhưng với bún bẩn thì 1kg gạo có thể cho ra tới 3,5-3,7kg bún.

"Hiện nay xăng tăng giá thêm khoảng 2.000/lít, gạo tăng giá khoảng 60%, nhưng khi Nguyễn Bính thông báo tăng giá thêm khoảng 3.000 đồng/kg bún thì khách hàng không chịu. Trong tình hình này nếu Nhà nước không điều tiết được thì chúng tôi chắc chỉ cầm cự hỗ trợ được khách hàng trong 1 tháng nữa thôi. Trong khi đó, bún bẩn thì trước đây chỉ 6.000 đồng/kg này đã tăng lên 9.500 -10.000 đồng/kg, đã tăng thêm 3.500 - 4.000 đồng/kg", bà Bính nói thêm.

Ông Nguyễn Đức Nhật Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Cà Mèn (chuyên sản xuất bánh canh tươi) cho biết, các sản phẩm của Cà Mèn sử dụng nguyên liệu từ gạo là chính, trước tình hình giá gạo biến động hiện nay đã tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất.

"Chúng tôi đang đàm phán với các đối tác cung cấp nguyên liệu, giữ giá thêm một thời gian nữa để bình ổn sản phẩm ra thị trường", ông Thuận nói.

Cơ hội hay thách thức?

Ở góc độ DN lâu năm trong nghề làm bún sạch, bà Nguyễn Thị Bính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính cho hay, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo cũng là một cơ hội dành cho người nông dân trồng lúa khi có khả năng được hưởng lợi từ giá lúa tăng cao.

"Thực tế, gạo Ấn Độ nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu là gạo khô dùng để sản xuất bún, bánh, phở… và loại gạo này trồng được ở các vùng đất ngập mặn, khô cằn. Nếu tình hình này kéo dài thì nhiều khả năng giá loại gạo này sẽ tăng lên xấp xỉ với giá gạo dẻo, gạo thực phẩm nên đây cũng là cơ hội cho người nông dân", bà Bính nhận định.

Tuy nhiên, ở góc độ sản xuất, theo bà Bính, nếu tình hình nhập khẩu gạo không được cải thiện, giá gạo nội địa tiếp tục tăng cao thì sẽ gây khó khăn cho các DN sản xuất, tạo điều kiện cho bún bẩn phát triển.

"Người tiêu dùng chỉ nhìn sợi bún thôi, đâu biết bún nào là sạch, bún nào là bẩn. Bún sạch thì phải trải qua 15 công đoạn sản xuất, ủ gạo đúng tiêu chuẩn nên 1kg gạo chỉ ra được 1,6-1,7kg bún, trong khi bún bẩn thì có khi chỉ ủ gạo 2 tiếng rồi làm bún, khi đó nếu không có hóa chất thì sao bún ra được sợi? Hơn nữa, làm bún thì cũng phải tùy loại gạo, bây giờ nhiều cơ sở làm bún bằng nhiều loại gạo, tấm họ làm cũng được, thử hỏi không có "đồ chơi" trong đó thì sao bún thành hình và đẹp mắt như thế", bà Bính chia sẻ thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem