Thử thách độc mộc
Không biết từ bao giờ người dân quanh hồ Ba Bể đã sử dụng thuyền độc mộc là phương tiện đi lại trên hồ và họ có cả một cuộc đua thuyền độc mộc vào tháng 10 âm lịch hàng năm. Thuyền độc mộc trước kia thường được làm bằng một thân cây gỗ đinh nguyên khối, nay do gỗ hiếm, rừng đã đóng cửa nên bà con chế thuyền bằng sắt nhưng vẫn giữ lại dáng của con thuyền xưa. Việc dùng con thuyền độc mộc để di chuyển đúng là một thử thách như kiểu “bài học vỡ lòng” đối với những ngư phủ nơi này.
Ngư phủ đánh bắt cá trên hồ Ba Bể. (Ảnh: G.T)
Đánh cá trên hồ Ba Bể được hơn 10 năm, anh Hứa Văn Thiện (34 tuổi, ở bản Pắc Ngòi, xã Nam Mẫu) là một một ngư phủ thuộc từng ngóc ngách trên mặt hồ. Anh mời tôi ngồi sang chiếc thuyền đánh cá dài 4m, rộng 50cm và sâu khoảng 40cm, rồi kể: “Từ bé tôi đã được làm quen với thuyền độc mộc rồi, lúc đó toàn là thuyền gỗ thôi, chưa có thuyền sắt như bây giờ. Thực ra chèo thuyền để đi lại trên hồ thì cũng không khó lắm, chỉ cần biết đứng thăng bằng và chèo từ từ là đi được thôi, nhưng để ngồi thuyền đi đánh cá được thì phải tập nhiều đấy”.
Các ngư phủ đánh giá, đi thuyền độc mộc trên hồ Ba Bể, ngại nhất là lúc đi gỡ lưới buổi đêm mà gặp phải cơn dông mùa hè. Bình thường thì hồ lặng như gương, nhưng khi gió to, sóng vỗ ì oạp, nước tràn vào thuyền, phải dùng mái chèo tát nước ra khỏi thuyền, ai không cứng tay chèo thì không lướt được thuyền đi nữa, chỉ còn cách tìm một nơi nào đó trên hồ mà lao thuyền vào trú may ra mới an toàn.
Không cần bắt nhiều cá
Có lẽ những người ngư phủ ở hồ Ba Bể chẳng giống ai, từ lâu họ vẫn bảo nhau chỉ đánh bắt bằng phương pháp truyền thống là thả lưới bắt cá, đặt lờ đơm tôm, còn những kiểu đánh bắt tận diệt như kích điện, ném mìn đã bị họ tẩy chay bằng những luật tục. Với họ, không cần đánh bắt nhiều cá quá ở hồ vì họ nghĩ: “Còn phải để dành cho thiên nhiên và cả con cháu mình nữa”.
Quan điểm
Tép ở hồ hôm nay mình không bắt thì mai sẽ bắt được, không đi đâu mà vội cả, mình sinh con cũng phải để tôm tép sinh sôi chứ, thế nó mới nuôi được con mình, đời mình bắt hết thì con mình còn gì để mà ăn nữa.
Anh Hoàng Văn Hòa ngồi trước ngôi nhà trên đường vào thác Đầu Đẳng (thôn Bản Cám, xã Nam Mẫu) đang tỉ mẩn đan chiếc lờ để đi bắt tép, nói với tôi: “Sức mình làm được hàng chục cái lờ nhưng chỉ làm 5 cái thôi. Cứ tối chọn những chỗ nước chảy từ khe suối ra để đặt lờ, vì cái giống tép thường bơi xuôi dòng nước, sáng ra mình đi đổ về. Mùa hè nước chảy, tép đi nhiều thì cũng được 4kg tép mỗi đêm, mùa đông nước cạn ít hơn thì cũng được khoảng hơn 1kg. Đem về nhặt sạch, đồ lên cho con tép được thơm và có màu đỏ tươi đẹp mắt, nếu bán tươi thì 100.000 đồng/kg, còn bán khô 250.000 đồng/kg. Cứ đều đều thì cũng được vài trăm nghìn mỗi tối, làm như thế là đủ rồi”.
Anh Hòa bảo, tép ở hồ hôm nay mình không bắt thì mai sẽ bắt được, không đi đâu mà vội cả, mình sinh con cái cũng phải để tôm tép sinh sôi chứ, thế nó mới nuôi được con mình. Đời mình bắt hết thì con mình còn gì để mà ăn nữa. Hơn nữa làm tép ở đây cũng chỉ để phục vụ bán cho khách tham quan thôi, khách không đông nên cũng chẳng cần nhiều tép quá, không bán được nó hỏng thì phí cả công bắt và phí cả của trời ban tặng cho dân mình.
Bữa theo chân ngư phủ Hứa Văn Thiện đánh cá trên hồ, anh kể: “Trước khi buông lưới bao giờ tôi cũng đi trinh sát nguồn cá, thấy chỗ nào tăm cá nổi lên thì buông lưới. Những khi trời mưa, cá vật đẻ thì không bao giờ tôi thả lưới ở những chỗ cá đang đẻ”. Những ngư phủ ở đây không ai bảo ai, nhưng đều có một nguyên tắc là cấm dùng kích điện, hay dùng thuốc nổ để đánh cá. Trước kia cũng có người làm ăn liều như thế, cũng đã bị kiểm lâm xử lý rồi, bà con đánh cá trên hồ cũng bảo nhau tẩy chay kiểu làm ăn tận diệt này và yêu cầu thương lái buôn cá không mua hàng của những người đánh cá bằng điện hay thuốc nổ nữa.
Một đêm đánh cá của anh Thiện có khi chỉ được vài chục nghìn đồng, nhưng có hôm cũng được cả triệu đồng. Cá hồ bao giờ cũng được các thương lái gom từ 6 giờ sáng để đưa tới những nhà hàng đặc sản ở Bắc Kạn nếu là cá mè, cá chép, thì cũng khoảng 100.000 đồng/kg, còn hôm nào vớ được cá đặc sản như cá nheo, cá lăng, cá ngạnh thì lên đến vài trăm nghìn mỗi cân. Riêng với anh Thiện, hôm nào đánh cá ở hồ được trên 10kg là hôm sau anh nghỉ, “không phải vì lười không làm, nhưng bắt cá ở hồ nhiều quá cũng không tốt, cứ bắt từ từ sẽ được bền và lâu dài hơn” - anh Thiện nói.
Bài 1: Mênh mang hồ Ba Bể
>> “Ăn theo” Ba Bể ngọt lành (kỳ cuối)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.