Từ ngàn xưa, ông cha ta rất có ý thức trong việc chọn lựa món ăn, đặc biệt là bữa ăn trong ngày giỗ, ngày Tết và tiệc tùng. Do vậy mà nhiều gia đình đã chọn những món ăn vừa ngon, bổ vừa mang tính biểu trưng của nghệ thuật ẩm thực truyền thống và hiện đại, chẳng hạn như canh chua cá ba sa nấu bằng nước dừa tươi, gà ác hầm thuốc bắc, gà hấp lá chúc, chuột nướng muối ớt... Gần đây, nhiều bà nội trợ và nhiều đầu bếp khéo tay đã biến tấu món gà quay thành món “gà dồn lá chanh quay lu”, chỉ mới nghe qua cái tên cũng đã thấy hấp dẫn rồi.
Món gà dồn lá chanh quay lu hay nướng lu thật ra chỉ là biến tấu của món gà quay, gà đút lò cộng thêm với hương liệu gia truyền là lá chanh. Cách làm món này tuy đơn giản nhưng cũng không kém phần tinh tế và cầu kỳ. Trước hết phải chọn cho được một con gà trống hoặc mái tơ, mà phải là gà nuôi thả mới chất lượng. Sau đó đem làm thịt, nhổ lông, rút xương, bỏ ruột, vệ sinh thật sạch, chỉ giữ lại bộ đồ lòng gà như gan, mề, tim. Treo gà lên cho ráo nước trước khi tẩm ướp gia vị như đường, muối, bột ngọt, tiêu, hành, tỏi. Tóm lại mỗi đầu bếp có bí quyết riêng, dấu ấn riêng. Sau đó dùng lá chanh non dồn vào bụng gà trước khi cho vào lu quay.
Gà dồn lá chanh quay lu.
Trong văn hóa ẩm thực, người miền Bắc có câu “Con gà cục tác lá chanh. Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” cho nên gà luộc bao giờ cũng kèm theo lá chanh, còn người miền Nam ăn gà xé phay bao giờ cũng kèm thêm rau răm. Ngày nay, nhờ có sự giao thoa văn hóa từ các vùng miền và các dân tộc, nên nhiều món ăn đã được phổ biến rộng rãi trên cả nước. Chính những chiếc lá chanh đó không những thích hợp với khí hậu và thời tiết của từng miền mà còn vừa ngon vừa bổ, đảm bảo được tính cân bằng âm dương.
Món gà dồn lá chanh cũng không hẳn đơn thuần là vấn đề ăn uống mà còn là văn hóa, nó mang dấu ấn thời khẩn hoang và ngày càng có sức lan tỏa mạnh, càng cuốn hút nhiều tay sành điệu nghệ thuật ẩm thực, đặc biệt là các nhà hàng, quán ăn đã tích cực khai thác và nâng nó lên thành đặc sản vượt hẳn nhiều món nướng khác.
Món này khoái khẩu nhất là phối hợp với cơm nếp chiên hoặc bánh bao, kèm thêm các món rau vị thuốc như rau răm, húng nhủi và tía tô, toàn là hương vị Việt. Nước chấm đặc trưng là muối tiêu chanh hoặc tàu vị yểu, tạo nên nhiều cung bậc chua - cay - mặn - ngọt khiến người ăn nhấm nháp mãi mà vẫn cảm thấy chưa no. Tất cả các thứ rau cải, nước chấm đều nói lên sự công phu, tỉ mỉ và tính thẩm mỹ của người đầu bếp.
Gà quay lu tuy là món ăn dân dã nhưng sao mỗi lần thưởng thức nó lại hấp dẫn đến lạ lùng. Nó ngon từ cái ngọt tự nhiên của thịt, từ vị beo béo, giòn giòn của lớp da và từ mùi thơm của chiếc lá, đặc biệt là ngon từ bàn tay cần cù, tỉ mỉ của người thợ nấu. Tất cả những cái ngon đó hòa quyện vào nhau khiến cho người ăn cảm thấy ngây ngất và sảng khoái. Nếu có thêm một vài ly rượu cay nồng, càng giúp cho buổi tiệc thêm phần hứng thú.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.