Độc đáo phong tục Tết ở vùng "phên dậu"

Chủ nhật, ngày 02/02/2014 11:08 AM (GMT+7)
Mỗi dịp Xuân về, đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng vùng cao lại náo nức trang hoàng nhà cửa, bàn thờ tổ tiên theo phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc mình.
Bình luận 0
Sáng mồng Một, đàn ông phải dậy nấu cơm

Lào Cai có 25 dân tộc chung sống trên mảnh đất địa đầu biên giới phía Bắc. Với người Mông ở Si Ma Cai (Lào Cai), ngày thường, nấu cơm là nhiệm vụ của đàn bà con gái, nhưng sáng mồng Một Tết, đàn ông phải dậy nấu cơm và làm mọi việc.

Cái lý của người Mông, nói như nghệ nhân Hoàng Chúng: “Khi đẻ ra một đứa con trai, mình mang cái rau rốn chôn ngay vào cột nhà, nếu con gái thì mình mang rau rốn chôn vào cột giường. Nên con trai là trụ của gia đình. Vì thế, tất cả mọi việc trong gia đình, người con trai phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm”.

Người Mông kiêng không ăn các loại rau vào ngày mồng Một với suy nghĩ ngày đầu năm đã ăn rau thì coi như cả năm đấy mình chỉ có rau mà ăn thôi, không giàu sang được. Tết đến, cũng không được thổi lửa, huýt sáo. Làm thế có khác nào “gọi” gió bão về, năm ấy sẽ gió lớn, hoa màu đổ gãy hết. Sáng sớm mồng Một Tết, ai dậy thì cứ âm thầm mà dậy, không được gọi nhau, vì nếu mà gọi nhau, sâu bọ nghe thấy sẽ đồng loạt “nhỏm dậy” phá hoại ngô, lúa.

img
Thiếu nữ dân tộc Mông

Giao thừa hứng nước đầu nguồn


Từ những ngày cuối năm, người Xa Phó đã lo chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên. Các bà, các cô tất bật gói bánh chưng (bánh gói dài), buộc ba lạt cân đều nhau. Có hai loại bánh chưng, loại trắng có nhân đỗ và loại bánh tro được làm từ than bột của cây núc-nác (bánh màu tro đen). Khi luộc, bánh được buộc từng cặp trông rất đẹp mắt. Mâm cỗ tất niên của người Phù Lá thịnh soạn nhất.

Lễ vật dâng cúng tổ tiên gồm thủ lợn và tất cả các bộ phận nội tạng, 12 bát gạo ngon, 12 món ăn chín tượng trưng cho một năm đủ 12 tháng. Sau khi chủ nhà khấn mời hương hồn những người quá cố, trời đất, các thánh thần, cả nhà quây quần ăn chung mâm. Đón giao thừa, mọi người đều phải rửa chân từ đầu gối trở xuống bằng nước thơm nấu từ 12 thứ lá thơm.

Bước sang năm mới, mỗi nhà một người đi đến đầu nguồn hứng nước về. Khi hứng nước, họ lầm rầm khấn cầu mưa thuận gió hòa và cắm những nén nhang chung quanh. Nước tinh khiết mang về đung sôi lên, rồi đặt trên ban thờ để sáng mồng Một mọi người cùng uống với ý niệm làm cho con người trong sạch, thanh tao và dồi dào sức lực.

img
Lễ rước dâu của người Dao Đỏ (Lào Cai)

Ba ngày Tết sáng đèn dầu


Người Dao Đỏ có Tết nhảy thật độc đáo, cũng là biểu hiện tính cộng đồng cao. Tết nhảy thường diễn ra trước ngày Ba mươi. Vào lễ, đồng bào dựng một ban thờ nơi cao ráo, sắm đủ lễ vật rồi khấn Bàn Vương, các thánh thần, tổ tiên. Sau cúng khấn là nhảy múa gồm tuần tự: Múa cầu an – cầu mưa thuận gió hòa, trời đất, thánh thần phù hộ độ trì; múa ra binh vào tướng – tức múa chiến đấu chống xâm lược, ác bá; cuối cùng là múa rùa - tái hiện cảnh săn bắt, hái lượm thời tiền sử.

Những ngày Tết đầu năm mới thường thì người già dạy con cháu thổi kèn, phụ nữ có tuổi truyền dạy cho con cháu gái hát dân ca và thêu thùa. Riêng người Dao Tuyển ở huyện Bảo Thắng ngày Tết chỉ gói bánh chưng tro. Bánh được ngâm nhuộm bằng nước lọc tro lúa nếp hoặc tro thân quả núc-nác. Đêm Tất niên, đàn ông thắp hương khấn mời tổ tiên và cầu thánh thần cho mưa thuận gió hòa. Những ngày Tết trên bàn thờ phải có đèn dầu luôn thắp sáng.

Đầu năm đọc gia phả họ tộc


Tết Nguyên đán người Hà Nhì (xã Ý Tý, Lào Cai) còn có tên gọi là Tết Có Nhẹ Chà. Là người dân tộc Hà Nhì, Bí thư Đảng ủy xã Ý Tý Ly Giờ Có cho biết: Lợn được mổ ăn Tết nhưng trước khi cắt thủ lợn, người mổ phải dập đầu từ một đến hai, bốn lần tùy theo cân nặng của từng con lợn, để cầu mong lứa lợn năm sau sẽ nhiều hơn, to hơn năm cũ. Nếu là lợn đực thì treo pín lợn trước nhà để báo cho mọi người biết. Gan lợn thì được xem để biết vận hạn của cả nhà trong năm tới.

Ngày Tết, họ hàng tập trung ở nhà trai trưởng làm lễ cúng bái, nhưng không có hương khói nghi ngút. Ban thờ không thể thiếu thịt lợn, bánh cha-lê (bánh trôi), ngoài ra cũng không thể thiếu rượu, gạo và lá chè tươi.

Mâm cúng sáng ngày thứ nhất đặt lên bàn thờ tổ tiên ngoài bát nước chè, bánh dày, bánh trôi, rượu, gừng, gói muối ớt, còn phải có thêm thịt lợn, các loại hoa quả, các sản vật trồng trong vườn nhà, mỗi thứ một ít. Ngày đầu năm mới, cả dòng họ tụ tập lại nghe người già kể tộc phả của mình, có dòng họ nhớ được về xưa tới 40 đời.
Nhân dân (Theo Nhân dân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem