Đời sống giáo viên ổn định thì mới mong có "học thật, thi thật"
Đời sống giáo viên ổn định thì mới mong có "học thật, thi thật"
Chủ nhật, ngày 23/05/2021 06:24 AM (GMT+7)
Muốn có dạy thật - học thật thì phải nâng cao địa vị người giáo viên cả về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Vấn đề "học thật, thi thật" hiện vẫn đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội
Đời sống và vị thế của giáo viên hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khiến họ cảm thấy lăn tăn, chưa thực sự toàn tâm toàn ý vào việc dạy học. Trong khi đó, việc dạy và học là hai mặt của một vấn đề đi liền với nhau.
Muốn học sinh "học thật" thì giáo viên phải "dạy thật", nghĩa là giảng dạy bằng tri thức, năng lực và tâm huyết của chính mình. Đa số giáo viên hiện nay có đủ những phẩm chất để thực hiện sứ mệnh giáo dục của mình nhưng có nhiều cản trở khiến họ không thể dạy thật.
Áp lực "vật chất" khiến phát sinh nhiều tiêu cực
Cơ chế thị trường, cuộc sống mưu sinh, đồng lương ít ỏi của giáo viên đã buộc các thầy giáo, cô giáo phải tăng thêm thu nhập bằng cách dạy thêm. Hiện tượng "dạy thêm - học thêm" phát triển tràn lan, khiến cho việc "dạy giả - học giả" lấn át "dạy thật - học thật".
Tình trạng giáo viên trên lớp chỉ dạy cho đủ thời lượng chương trình, không truyền đạt hết kiến thức; còn đâu là tự mở các lớp dạy thêm ở nhà hoặc gia sư để kiếm thêm không còn xa lạ.
Cô P.T.Q. - một giáo viên tiểu học chia sẻ: "Nói thật với đồng lương giáo viên chỉ dạy ở trường thôi thì bèo bọt lắm, chúng tôi phải dạy thêm thì mới có đủ tiền để trang trải cuộc sống".
Với các thầy, cô giáo, xét đơn thuần thầy cô là người truyền thụ kiến thức cho các thế hệ học trò, là những viên chức trong ngành giáo dục, thầy cô cũng phải mưu sinh để sống chứ không thể trông cậy vào đồng lương ít ỏi.
Bên cạnh đó, cũng do đời sống chưa được đảm bảo mà nhiều giáo viên đã không thể tránh được những cạm bẫy "tiêu cực" trong giáo dục.
Đơn cử như việc, nhận tiền "biếu xén" của phụ huynh để nâng điểm, giúp đỡ cho con em họ. Trong những năm gần đây, rất nhiều những sự việc giáo viên nhận tiền "đút lót" đã bị phanh phui, thậm chí là bị tố cáo gây phẫn nộ trong xã hội.
Giáo viên mời phụ huynh đến tận nhà để nói chuyện riêng, mục đích cũng chỉ là để nếu phụ huynh biết ý, hiểu chuyện thì con em họ sẽ có được kết quả tốt.
Có một trường đại học nọ, giảng viên còn công khai thu cái gọi là "lệ phí" chống trượt để thi đầu ra cho sinh viên. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đạo đức nghề nghiệp của chính họ mà còn làm cho sinh viên không coi việc "học thật và thi thật" ra gì nữa.
Cái vòng luẩn quẩn "cơm - áo - gạo - tiền" đã làm một số "nhà giáo kính mến" biến chất, không còn giữ được mình.
Áp lực tinh thần "tứ phía"
Áp lực về vật chất đã đành, nhiều giáo viên có năng lực muốn "dạy thật" nhưng cũng khó.
Lâu nay, quan điểm "Sách giáo khoa là pháp lệnh" đã biến giáo viên thành người đi tuyên truyền cho những cuốn sách giáo khoa do người khác viết, để bắt học sinh học thuộc lòng những trang sách vô hồn.
"Giáo viên không được tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục" (Theo Điều 31 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định hành vi ứng xử, trang phục của giáo viên, nhân viên). Như vậy là sách giáo khoa đã viết cái gì thì phải dạy cái đó. Nếu giáo viên dạy thiếu, dạy sót nội dung sách giáo khoa sẽ bị đánh giá tùy tiện cắt xén nội dung dạy học, giáo dục.
Thực tế không ít giáo viên đã bị "sờ gáy" khi dám sáng tạo, nhẹ thì nhắc nhở, còn nặng thì sẽ bị đánh giá chuyên môn yếu.
Bởi vậy mà họ vẫn buộc phải chọn sách giáo khoa, rồi dạy theo sự chỉ đạo kiểu hành chính của cấp trên.
Song song với đó, chuyện thi đua thành tích cũng khiến các giáo viên gặp nhiều áp lực trong quá trình dạy học. Đơn giản như việc nếu trong lớp có học sinh không thể lên lớp, giáo viên sẽ bị hạ thi đua.
Cô L.N.A - giáo viên một trường cấp 3 ở Hà Nam bộc bạch: "Nhiều lúc cũng khổ tâm lắm. Cho điểm học sinh để tất cả cùng lên lớp thì tôi sẽ được tuyên dương, nhưng lương tâm tôi cắn rứt lắm. Tuy nhiên nếu không làm vậy trường sẽ mất thi đua, còn tôi bị khiển trách, áp lực lắm".
Bản thân thầy cô không chỉ chịu áp lực thành tích từ các bậc cha mẹ học sinh, từ nhà trường và cả xã hội.
Còn nhớ, sự việc phụ huynh lao thẳng vào lớp cầm mũ bảo hiểm đánh giáo viên tới mức phải nhập viện từng làm xôn xao ngành giáo dục. Hành vi này đã xâm phạm danh dự, nhân phẩm sức khỏe của giáo viên khiến họ giờ đây cảm thấy lo lắng và áp lực mỗi khi lên lớp.
Thử hỏi nếu lúc nào cũng trong trạng thái như vậy thì làm sao có thể toàn tâm toàn ý truyền đạt kiến thức cho các em.
Cần thay đổi chính sách để giáo viên yên tâm "dạy thật"
Chia sẻ với PV Dân Trí, cô Trần Anh Đào - giáo viên Trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (Nam Định) cho rằng, để có một nền giáo dục có chất lượng "thật", trước tiên Nhà nước cần có sự thay đổi trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể đối với giáo viên.
Muốn có dạy thật - học thật thì phải nâng cao địa vị người giáo viên cả về vật chất lẫn tinh thần để họ yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Đồng thời xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp trong giáo dục, đảm bảo cho giáo viên quyền tự do học thuật cao nhất trong phạm vi chương trình học đã quy định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.