Nhà nhà mổ lợnHuyện Mường Tè có 5 xã có người Hà Nhì sinh sống, trong đó chủ yếu là ở các xã Ka Lăng, Thu Lũm và Mù Cả. Năm nay, theo chân Chủ tịch UBND huyện Đào Xuân Khánh, chúng tôi đến xã Ka Lăng, nơi có đông người Hà Nhì sinh sống nhất huyện, để chúc tết. Đây cũng là thời điểm vừa thu hoạch mùa màng xong, người Hà Nhì tổ chức ăn tết để mừng cho vụ mùa bội thu trong năm, đồng thời cầu khấn tổ tiên phù hộ cho năm mới mọi điều may mắn, tốt lành.
Các bà, các chị gói bánh để cúng tổ tiên.
Xã Ka Lăng có 11 bản, với 100% là người Hà Nhì. Đi đến bản nào cũng thấy không khí đón tết rất rộn ràng. Người Hà Nhì thường ăn tết trong 5 ngày. “Ngày tết đầu tiên được tính từ ngày Thìn (tức là ngày con rồng) của tháng 10 âm lịch. Ngày Thìn theo quan niệm của người Hà Nhì tượng trưng cho sự phồn thịnh, giàu sang. Giờ đẹp nhất của ngày tết được tính từ tiếng gà gáy” - ông Pờ Pó Chừ - Chủ tịch UBND xã Ka Lăng giải thích.
Năm nay, bản Tả Phu, bản mới tách ra từ bản Ka Lăng thu hoạch được rất ít. Nhưng không vì thế mà không khí tết trong bản bớt vui. “Bản có 17 hộ thì có 11 hộ nghèo, nhưng nhà nào cũng có lợn để mổ. Cứ nhà có giúp cho nhà không có một ít để đón tết vui vẻ, đầm ấm” - ông Sừng Lòng Tà- Trưởng bản Tả Phu cho biết.
Thường là sau khi thịt lợn xong, những người già trong gia đình sẽ cùng nhau xem gan lợn để dự báo xem mùa màng năm sau sẽ như thế nào, gia đình có được suôn sẻ, cũng như chăn nuôi có được hay không. Ông Sừng Lòng Tà giải thích: “Đây là phong tục đã có từ thời tổ tiên. Năm nay miếng gan lợn rất bằng phẳng, suôn sẻ, không bị méo mó, sứt mẻ gì. Đó là điềm báo cho năm tiếp theo mùa màng sẽ được bội thu hơn năm ngoái”.
Mâm cỗ cúng của người Hà Nhì gồm có thịt lợn, gà, rượu, bánh chưng, bánh giầy. Trong bài cúng ngày tết năm mới, người dân luôn cầu mong 3 điều ước lớn nhất: Cầu mong cho mùa màng tươi tốt; gia đình khoẻ mạnh và chăn nuôi phát triển.
Mong 1 năm mới bội thu
Ông Đào Xuân Khánh – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Để bà con ăn tết đầm ấm, hằng năm huyện đã hỗ trợ mỗi bản của người Hà Nhì 5 triệu đồng và trao các suất quà hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
|
Người Hà Nhì không phân biệt tổ tiên nội ngoại. Trong bài cúng của người
Hà Nhì cũng đề cao cả hai dòng họ. Sau khi cúng tổ tiên, ông Sừng Lòng
Tà mang mâm cỗ ra ngoài cúng trời đất và các dụng cụ sản xuất để cầu cho
mùa màng tốt tươi. Cúng xong, mọi người trong gia đình quây quần bên
nhau, mâm cỗ được dọn ra.
Sau bữa cơm tụ họp gia đình, mọi người lựa chọn bộ trang phục truyền thống dân tộc đẹp nhất để đi hát, đi chúc tết từ bản nọ sang bản kia.
Trong suốt những ngày tết, người dân Hà Nhì cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ. Kéo co, đẩy gậy là môn thi của người lớn, còn trẻ nhỏ thì chơi cù. Buổi tối, mọi người trong bản tụ tập tham gia điệu múa xoè truyền thống của người Hà Nhì. Bên ánh lửa bập bùng, những điệu xoè, điệu múa hòa quyện với tiếng cồng, tiếng nhạc rộn ràng báo hiệu một năm mới đã tới.
San Nguyễn (San Nguyễn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.