Đây là tiến sĩ khai khoa của một làng khoa bảng ở Thanh Hóa, cả xã có tới 12 người đỗ đại khoa
Đây là tiến sĩ khai khoa của một làng khoa bảng ở Thanh Hóa, cả xã có tới 12 người đỗ đại khoa Nho học
Thứ hai, ngày 27/11/2023 05:26 AM (GMT+7)
Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) bao đời nay vẫn được biết đến là vùng quê hiếu học. Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến, Hoằng Lộc có đến 12 người đỗ đại khoa. Trong đó, tiến sĩ Nguyễn Nhân Lễ được biết đến là người “khai khoa” - đỗ đại khoa đầu tiên ở vùng đất học.
Theo con đường làng rợp bóng mát cây xanh, tôi tìm đến Di tích lịch sử văn hóa từ đường dòng họ Nguyễn Hầu (vẫn thường gọi là nhà thờ Nguyễn Hầu) ở thôn Đồng Thịnh, xã Hoằng Lộc (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
Không to lớn, bề thế, di tích khiêm nhường trong không gian làng quê truyền thống vừa yên bình, gần gũi vừa cổ kính, uy nghiêm.
Lý giải về tên gọi của di tích, bác Nguyễn Xuân Cống - hậu duệ của tiến sĩ Nguyễn Nhân Lễ, cũng đồng thời là người có trách nhiệm quản lý di tích, chia sẻ: “Di tích Từ đường dòng họ Nguyễn Hầu là nơi thờ cụ Nguyễn Nhân Lễ và Nguyễn Thanh - hai vị đỗ tiến sĩ, cùng các vị tiền nhân.
Theo truyền lại, sau khi đỗ đạt làm quan trong triều đình, các cụ được vua ban cho tước Hầu, vì thế mà hàng trăm năm qua, nơi đây vẫn chỉ có duy nhất tên gọi từ đường dòng họ Nguyễn Hầu”.
Theo sử liệu và văn bản lưu truyền tại địa phương, Hoằng Lộc thuở xa xưa có tên là Kẻ Vụt, sau đó là trang Đường Bột - tên gọi này đã xuất hiện trong thần phả ghi lại về vị Thần hoàng làng Nguyễn Tuyên, tức tướng Nguyễn Tuyên đã có công giúp vua Lý đánh đuổi giặc ngoại xâm. Về sau lại được chia thành Bột Thượng và Bột Hạ, còn gọi là Lưỡng Bột...
Di tích lịch sử văn hóa từ đường dòng họ Nguyễn Hầu mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn tại xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ở Hoằng Lộc, việc học hành được quan tâm, chú trọng từ sớm. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ 15, dưới triều vua Lê Thánh tông, vùng đất Hoằng Lộc mới có người đỗ đại khoa là tiến sĩ Nguyễn Nhân Lễ - người “khai khoa” cho truyền thống khoa bảng trên quê hương hiếu học.
Ngưỡng mộ trước sự đỗ đạt của ông, người Hoằng Lộc đến nay còn lưu truyền câu ca: “Lưỡng Bột khai khoa đệ nhất kỳ/ Nhị thập nhất tuế, tiến sĩ bi”, được hiểu là “Mở đầu đại khoa hai làng Bột/ Hăm mốt tuổi bia tiến sĩ ghi”.
Nguyễn Nhân Lễ sinh năm 1461 trong gia đình có truyền thống Nho học. Bấy giờ, đất nước dưới sự trị vì của vua Lê Thánh tông cũng là thời kỳ mà việc thi cử được đề cao nhằm tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa: “Việc học hành thi cử dưới thời Lê Thánh tông bắt đầu đi vào quy củ, nền nếp với 3 năm Nhà nước tổ chức một khoa thi Hội. Năm trước tổ chức thi Hương ở các trấn, năm sau tổ chức thi Hội ở kinh đô. Những người đỗ kỳ thi Hội được tham dự kỳ thi Đình để phân thứ hạng cao thấp... người nào trúng được 4 kỳ là tiến sĩ...
Chính sách tuyển dụng quan lại của Nhà nước, chính sách trọng học của Lê Thánh tông đã tạo điều kiện thuận lợi cho các môn đồ Khổng giáo thi thố tài năng trong việc trị quốc, an dân. Nhiều tài năng xuất chúng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục và ngoại giao được đào luyện dưới thời Lê Thánh tông”.
Nhờ thông minh, lại chăm chỉ đèn sách, trong kỳ thi khoa Tân Sửu (năm 1481) Nguyễn Nhân Lễ đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Theo sử liệu, ở khoa thi này triều đình nhà Lê lấy đỗ 40 người, chia làm 3 giáp (Đệ nhất giáp; Đệ nhị giáp; Đệ tam giáp) và tên Nguyễn Nhân Lễ xếp thứ 19.
Từ đường dòng họ Nguyễn Hầu là nơi thờ 2 vị đại khoa Nguyễn Nhân Lễ và Nguyễn Thanh cùng các vị tiền nhân ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Sau khi thi đỗ tiến sĩ, Nguyễn Nhân Lễ được triều đình nhà Lê bổ nhiệm làm quan. Trải qua hơn 40 năm quan trường với nhiều cương vị, từ Tri huyện đến Hiến sát sứ, có tài liệu viết rằng, ông làm đến chức Hữu Thị lang.
Trong đó, thời vua Lê Thánh tông và Lê Hiến tông đất nước thịnh vượng, trong ngoài thái bình, nhưng đến thời vua Lê Uy Mục, triều đình nhà Lê rơi vào rối loạn, phân chia thành nhiều phe phái, từ đó dẫn đến đất nước loạn lạc, cuộc sống người dân lầm than.
Cuộc đời làm quan trải qua nhiều cương vị, lại chứng kiến sự thay đổi của thời cuộc, biến động chính trị. Tuy nhiên, dù ở cương vị nào, Nguyễn Nhân Lễ vẫn giữ phẩm cách của viên quan thanh liêm, thương yêu dân chúng và đau đáu về vận mệnh đất nước. Năm 1522, ông đột ngột qua đời khi đang còn làm quan.
Đánh giá về sự nghiệp làm quan của Nguyễn Nhân Lễ thời bấy giờ, theo sách Danh nhân văn hóa Hoằng Hóa: “Đóng góp của Nguyễn Nhân Lễ chủ yếu trên lĩnh vực chính trị. Tuy đảm nhiệm chức quan không cao, hoạn lộ ít hanh thông nhưng trong thời gian xuất chính, Nguyễn Nhân Lễ chủ yếu làm quan ở các địa phương, gắn bó mật thiết với quần chúng Nhân dân và có những đóng góp nhất định với các địa phương khi tại nhiệm”.
Kể từ tiến sĩ khai khoa Nguyễn Nhân Lễ đến kỳ thi Nho học cuối cùng, Hoằng Lộc có lịch sử khoa cử 438 năm với 12 người đỗ đại khoa, đề danh bảng vàng, trong đó có 7 người tên tuổi được lưu danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Đáng nói, sau Nguyễn Nhân Lễ, cháu ông là tiến sĩ Nguyễn Thanh cũng chính là người thứ 2 ở Hoằng Lộc đỗ đại khoa.
Thắp nén tâm hương tưởng nhớ tiền nhân, ông Nguyễn Xuân Cống tự hào: “Trong lịch sử, dòng họ Nguyễn Hầu có nhiều người theo nghiệp chữ nghĩa, học hành, thi cử đỗ đạt. Tiếp nối truyền thống tiên tổ, ngày nay cháu con trong dòng họ cũng quyết tâm theo đuổi việc học hành. Tiêu biểu có cháu Nguyễn Xuân Ưng đã giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2019...
Các cụ xưa làm quan vốn thanh liêm, nên tài sản để lại cho hậu thế là tiếng thơm muôn đời. Hàng năm, vào ngày 14 tháng 8 (âm lịch) con cháu trong dòng họ Nguyễn Hầu từ khắp mọi nơi lại tề tựu về di tích để cùng nhau dâng hương tưởng nhớ tiền nhân. Và đây cũng là dịp để “thắp lửa” khuyến khích việc học hành trong thế hệ trẻ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.