Đồng USD mạnh làm rung chuyển các nền kinh tế Mỹ Latinh

Hồng Hạnh (TTXVN/Vietnam+) Thứ ba, ngày 26/07/2022 06:52 AM (GMT+7)
Đồng USD mạnh lên bất thường đã khiến nhiều đồng nội tệ ở Mỹ Latinh mất giá, gây ra những hậu quả tất yếu đối với nền tài chính công và đời sống kinh tế của các nước trong khu vực.
Bình luận 0
Đồng USD mạnh làm rung chuyển các nền kinh tế Mỹ Latinh - Ảnh 1.

Nhân viên kiểm đồng USD tại ngân hàng. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong những tuần gần đây, đồng USD mạnh lên bất thường đã khiến nhiều đồng nội tệ ở Mỹ Latinh mất giá, gây ra những hậu quả tất yếu đối với nền tài chính công và đời sống kinh tế của các nước trong khu vực.

Nguyên nhân là do nhiều sản phẩm trong giỏ hàng thiết yếu của các hộ gia đình được nhập khẩu và thanh toán bằng USD, cũng như các tài nguyên quan trọng như nhiên liệu và nguyên liệu thô.

Theo các nhà phân tích tài chính, tăng trưởng không kiểm soát trên toàn cầu do quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch nhanh hơn dự kiến sẽ kéo theo hiện tượng lạm phát.

Trước lãi suất tốt hơn và nguy cơ suy thoái, các dòng vốn quốc tế quan ngại rủi ro hơn và có xu hướng chảy về các nền kinh tế vững chắc hơn, dẫn đến đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi bị mất giá.

Bên cạnh đó, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất, lần gần đây nhất nâng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm vào ngày 16/6, đã khiến các đồng tiền khác mất giá so với USD.

Tại Argentina, đồng USD mạnh làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy quá trình suy yếu của đồng peso, hậu quả của tỷ lệ lạm phát lên tới 64%, thiếu hụt ngoại hối, nỗi lo đồng tiền mất giá, thâm hụt tài khóa và bất ổn chính trị.

Quốc gia này đã phải siết chặt kiểm soát hối đoái để cho phép nhập và xuất USD theo tỷ giá chính thức, “thổi bùng” lên tỷ giá hối đoái song song trên thị trường chứng khoán và chợ đen. Nỗi lo trượt giá và sự suy yếu của đồng peso Argentina phản ánh qua khoảng cách hơn 147% giữa tỷ giá chính thức và thị trường tự do.

Chuông báo động cũng gióng lên ở Chile vào gày 14/7, khi đồng USD tăng kỷ lục lên 1.051 peso, buộc Ngân hàng Trung ương phải đưa ra biện pháp can thiệp chưa từng có trong lịch sử là bơm 25.000 USD vào thị trường cho đến tháng 9.

Theo nhà kinh tế Francisco Castañeda, thuộc đại học Universidad Mayor, trước đó peso Chile là một trong những đồng tiền mất giá nhất thế giới, mặc dù nước này có nền kinh tế tương đối ổn định và “khỏe mạnh”. Đồng USD đã tăng tới 20%, song nhờ Ngân hàng Trung ương can thiệp đã giảm xuống còn 12%.

Trong khi đó, ở Colombia đồng USD đã đạt mức kỷ lục 4.625 peso vào ngày 12/7. Từ ngày 7/8 tới quốc gia này sẽ nằm dưới sự điều hành của Tổng thống cánh tả đầu tiên trong lịch sử, song các nhà phân tích thị trường cho rằng tình hình chính trị không mấy ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá hối đoái. Từ đầu năm đến nay đồng peso Colombia đã trượt giá 10,5% theo tỷ giá chính thức.

Nhà kinh tế trưởng thuộc đơn vị nghiên cứu của ngân hàng BBVA Alejandro Reyes cho rằng tình hình hiện tại ở Chile và Colombia là do hai nước này phụ thuộc đáng kể vào nguyên liệu thô. Ngành công nghiệp dầu khí đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Colombia, trong khi đồng là sản phẩm xuất khẩu chính của Chile. Điều này khiến các đồng nội tệ trở nên vô cùng nhạy cảm trong thời điểm hiện tại.

Ở 2 nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, tình hình lại trở nên khác biệt. Trong khi đồng peso Mexico vẫn tương đối ổn định, tại Brazil đồng USD đã giảm 2,43% từ đầu năm đến hết ngày 20/7. Tuy nhiên, đồng bạc xanh đã mạnh dần lên ở Brazil kể từ tháng 5, mặc dù tác động của xu hướng này không đáng kể như ở một số quốc gia lân cận.

Các chuyên gia dự báo đồng USD sẽ tiếp tục mạnh lên ở Brazil và các nền kinh tế mới nổi khác do kỳ vọng lãi suất và lạm phát ở Mỹ gia tăng.

Đồng USD mạnh làm rung chuyển các nền kinh tế Mỹ Latinh - Ảnh 2.

Khách hàng mua sắm tại một chợ ở Sao Paulo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại một nền kinh tế “đôla hóa” như Ecuador, đồng USD mạnh gây nhiều lo ngại hơn là niềm vui. Mặc dù các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn, song doanh số bán hàng trong nước vốn phụ thuộc vào sức mua ở một quốc gia đang chìm trong khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá khiến hàng hóa xuất khẩu của Ecuador khó cạnh tranh hơn ở các thị trường đích, nơi các đồng nội tệ đang mất giá.

Chủ tịch Liên đoàn Xuất khẩu Ecuador (Fedexpor) Felipe Ribadeneira đã bày tỏ mối lo ngại trước những khó khăn chưa từng thấy trong hai thập kỷ qua.

Đồng USD mạnh không ảnh hưởng đến xuất khẩu của El Salvador, mà trên thực tế vẫn tiếp tục tăng bất chấp lạm phát. Tương tự, Panama - vốn sử dụng USD làm đồng tiền chính thức kể từ khi độc lập, cũng hưởng lợi khi đồng bạc xanh tăng giá, vì có nền kinh tế dịch vụ và chủ yếu nhập khẩu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo một số ngành, chẳng hạn như các nhà xuất khẩu sang các nước khác ngoài Mỹ, có thể bị ảnh hưởng.

Cuba là trường hợp đặc biệt khi đồng USD không tăng giá đáng kể, song euro đã duy trì đà tăng liên tục kể từ giữa tháng 6/2022, sau khi Ngân hàng Trung ương Cuba (BCC) ra chỉ thị yêu cầu các cơ quan ngoại giao nước ngoài không được phép quy đổi phí dịch vụ thu theo hóa đơn bằng tiền peso Cuba (CUP) sang loại tiền tệ khác.

Vài ngày sau đó, một số lãnh sự quán xác nhận sẽ tính phí bằng đồng euro. Nhiều người Cuba chọn trung chuyển qua các nước Trung Mỹ để di cư sang Mỹ, khiến nhu cầu euro tăng mạnh.

Đồng USD mạnh lên cũng làm khó chính nước Mỹ. Năm ngoái thâm hụt thương mại của nền kinh tế số một thế giới đã tăng 27%, và xu hướng này có thể tiếp tục gia tăng nếu đồng bạc xanh vẫn mạnh so với euro. Nói rộng ra, hàng hóa và dịch vụ của châu Âu hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng Mỹ, trong khi các nhà sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn nhiều trên thị trường quốc tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến sản xuất máy móc, xe cộ hoặc công nghiệp hóa chất, những lĩnh vực xuất khẩu chính của Mỹ sang châu Âu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem