Dư âm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu thế giới: Tạo cuộc sống no ấm, an toàn

Đình Thắng (thực hiện) Thứ tư, ngày 16/12/2015 13:40 PM (GMT+7)
“Đó sẽ là 1 trong 3 tác động của Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu ở Paris (Pháp - COP 21) sau khi 196 quốc gia đạt được thỏa thuận lịch sử nhằm ngăn chặn tình trạng ấm nóng toàn cầu” – GS- TS Mai Trọng Nhuận trao đổi với NTNN ngày 15.12. Ông Nhuận là thành viên của đoàn Việt Nam tham dự COP 21.
Bình luận 0

Nói về COP 21, GS- TS Mai Trọng Nhuận đánh giá: “Đây là một hội nghị lịch sử với đại diện của 196 quốc gia, diễn ra rất căng thẳng, khẩn trương. Đến phút cuối tất cả đều nghĩ rằng các thỏa thuận đưa ra sẽ không thể đạt được, vậy nhưng  kết quả vượt trên kỳ vọng. Nhiều người tham dự hội nghị này rất xúc động, cảm xúc vỡ òa ra khi thỏa thuận mong đợi từ rất lâu đã được tất cả các nước thông qua”.

Thỏa thuận đạt được tại  COP 21 sẽ có tác động như thế nào đối với thế giới nói chúng và với Việt Nam nói riêng?

img

Thay đổi cách thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún là một yêu cầu bức thiết để Việt Nam thực hiện các thỏa thuận COP 21. Ảnh:   L.H.T

-Thực hiện được thỏa thuận Paris sẽ tạo ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên các bon thấp, chống chịu cao. Tạo ra nhận thức, thói quen  mới, đó là lối sống, sản xuất, kinh doanh, khoa học công nghệ, việc làm, văn hóa các bon thấp, chống chịu cao. Chắc chắn tới đây thế giới sẽ tạo ra các thủ lĩnh, các tài năng, tập đoàn lớn về các bon thấp thay cho các bon đen (dầu mỏ, than đá).

Tác động thứ hai là thúc đẩy và phát triển thể chế chính sách cũng như vấn đề tài chính, nhân lực, mô hình phát triển, cũng như về liên kết toàn cầu, khu vực hay quốc gia về các bon thấp và về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH). Thể chế chính sách bắt buộc phải thay đổi, ví dụ ngày xưa chúng ta dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, phát triển nhiệt điện bằng than, bây giờ việc sử dụng các nguồn nguyên nhiên liệu này không được khuyến khích nữa hoặc là phải trả phí phát thải các bon cao. Thế giới khuyến khích sử dụng các năng lượng các bon thấp như mặt trời, gió… vì vậy thể chế chính sách sẽ mở đường cho những hình thức này phát triển.

Tác động thứ ba đó là con người sẽ có cuộc sống thịnh vượng và an toàn hơn. Ngày xưa chúng ta chỉ nghĩ đến phát triển thịnh vượng mà không nghĩ đến an toàn bị đe dọa từ thảm họa BĐKH, như thế sự thịnh vượng sẽ không bền vững. Người ta tính trước nếu nhiệt độ trái đất giảm được 1,5 độ C thì thảm họa từ BĐKH có thể ngăn chặn được, con người vừa được thịnh vượng vừa được an toàn hơn, hạnh phúc hơn.

Với riêng Việt Nam, nước chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thỏa thuận của COP 21 sẽ có những ý nghĩa tích cực thế nào, thưa ông?

-Đối với Việt Nam cũng có đủ 3 cơ hội như nói trên, bởi Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh chung của thế giới. Tuy nhiên, Thỏa thuận Paris cũng có nhiều thách thức- trước hết là  thách thức nằm trong cả 3 cơ hội nói trên, bởi Việt Nam đang từ một nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, phát triển than đá và nhiệt điện, chuyển sang nền kinh tế các bon thấp, phải thay đổi từ công nghệ, cách thức quản lý, thói quen…

Đối với Việt Nam còn có thêm thách thức lớn ở yêu cầu rất cao của cuộc chuyển đổi trong bối cảnh nguồn lực còn thấp, khả năng khoa học công nghệ yếu, trình độ, năng lực kinh tế hạn chế, thể chế chính sách còn chưa hoàn thiện. Chúng ta cần phải nỗ lực rất lớn thì mới có thể thay đổi được. Bên cạnh đó, thói quen sản xuất kinh doanh nhỏ, nông nghiệp mạnh mún cũng là một thách thức không hề nhỏ của chúng ta khi xây dựng xã hội các bon thấp chống chịu cao.

Với những thách thức như ông nói, liệu Việt Nam có thể thực hiện đúng như thỏa thuận COP 21 được không và điều quan trong nhất để mình thực hiện thành công là gì thưa ông?

- Về mặt pháp lý chúng ta phải thực hiện được bởi vì 196 nước, trong đó có Việt Nam đã đồng ý với thỏa thuận rồi. Quan trọng hơn nữa, là một trong những nước chịu tổn thương nhất về BĐKH như Việt Nam thì chúng ta càng phải có quyết tâm cao hơn thực hiện đúng thỏa thuận.

Muốn làm được như thế thì chúng ta phải thay đổi tư duy về nhận thức, cụ thể là phát triển các bon thấp và chống chịu cao là yếu tố tất yếu để giữ cho cuộc sống, đất nước con người Việt Nam được phồn vinh bền vững, tránh được  thảm họa từ BĐKH, là cơ hội để phát triển đất nước nhanh hơn mạnh hơn, tránh được bẫy thu nhập trung bình khi tài nguyên cạn kiệt, và coi ứng phó BĐKH là hoạt động chính để đầu tư hiệu quả theo sản phẩm và kết quả cụ thể, có giám sát, đánh giá, kiểm toán.

  GS - TS Mai Trọng Nhuận nguyên là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.  Ông là chuyên gia về quản trị đại học; là nhà khoa học đầu ngành, có uy tín cao trong giới khoa học trong và ngoài nước về khoa học trái đất, môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Hiện ông là Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư vấn chính sách cho Ủy ban Quốc gia về BĐKH, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Thứ hai, phải chuyển nhận thức nói trên thành hành động. Hành động đầu tiên là thay đổi, điều chỉnh thể chế chính sách trong đó có cả phương hướng chiến lược phát triển theo định hướng các bon thấp, chống chịu cao.

Thể chế chính sách đấy phải tạo nên điều kiện, môi trường để huy động nguồn lực, phát triển nghiên cứu chuyển giao tri thức các bon thấp, chống chịu cao.

Thứ ba, cần xây dựng và thực hiện mô hình phát triển kinh tế, mô hình ngành, đô thị, làng bền vững các bon thấp, chống chịu cao. Thứ tư, triển khai quyết liệt với tầm nhìn dài hạn các giải pháp mà thỏa thuận Paris đã nêu, đó là phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng lực...

Các nước phát triển cam kết  dành 100 tỷ USD mỗi năm giúp các nước đang phát triển ứng phó BĐKH. Việt Nam cần sử dụng nguồn hỗ trợ này thế nào, theo giáo sư?

- Chúng ta cần sử dụng nguồn hỗ trợ này theo cơ chế đầu tư, có giám sát kiểm tra quá trình thực hiện và phải có kết quả chứ không phải theo cơ chế viện trợ. Thứ hai, nên ưu tiên những dự án tích hợp vừa giảm thiểu phát thải vừa nâng cao khả năng thích ứng như phát triển rừng ngập mặn đồng thời tạo sinh kế cho người dân, điều này rất cần thiết.

Xin cảm ơn giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem