Dự báo, cảnh báo môi trường cần sớm hơn

Đình Thắng (thực hiện) Chủ nhật, ngày 15/05/2016 06:46 AM (GMT+7)
Thời gian qua, cá biển và cá nuôi ven biển chết hàng loạt tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế. Đến nay, nguyên nhân cụ thể vẫn chưa được công bố. Các cơ quan chức năng và dư luận đều chung nhận định là chính yếu tố môi trường do con người tạo ra đã gây nên thảm họa này.
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề trên, phóng viên NTNN đã phỏng vấn ông Trần Thế Mưu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NNPTNT).

Về hiện tượng hải sản chết la liệt đã xảy ra ở các tỉnh ven biển miền Trung  và cá lồng nuôi trên sông Bưởi (Thanh Hóa) chết hàng loạt, nhiều ý kiến cho rằng môi trường sống cho  thủy hải sản đang xuống cấp đến mức báo động. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

img

Cá nuôi lồng trên sông Bưởi  (Thanh Hóa) chết hàng loạt do nguồn nước sông ô nhiễm. ảnh:  H.Đ

- Đúng là các loài vật nuôi dưới nước đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề môi trường trong nước. Môi trường tốt thì các loài vật nuôi dưới nước sống và phát triển bình thường, môi trường xấu thì các loài này sẽ chết, đây là vấn đề môi trường. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã cử một số cán bộ nghiên cứu về môi trường bệnh đi với đoàn của Tổng cục Thủy sản vào Thanh Hóa kiểm tra đánh giá tìm hiểu nguyên nhân cá chết trên sông Bưởi. Cách đây cả tháng, Viện chúng tôi lúc nào cũng có đoàn cán bộ vào các tỉnh miền Trung nơi có cá biển chết để phối hợp thu thập mẫu, phân tích mẫu để đánh giá xem đến thời đểm này vấn đề sản xuất nuôi trồng có ổn không. Đánh giá ban đầu là đang có những vấn đề xấu về môi trường cho thủy hải sản.

Trước đây đã từng có hiện tượng cá biển, cá sông chết ồ ạt trong thời gian dài và diễn ra trên diện rộng như lúc này không?

- Những năm trước cũng rải rác một vài nơi xảy ra hiện tượng cá chết như vậy, nhưng nguyên nhân là do thời tiết hoặc dịch bệnh. Tuy nhiên diễn ra dồn dập, quy mô lớn và nhanh như thế này thì chưa từng xảy ra.

"Dù đã có không ít cơ quan làm về vấn đề về quản lý môi trường, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được thực tế. Tôi cho rằng chắc chắn cần phải sắp xếp lại, phân công lại, kiện toàn lại công tác quản lý, phân công rõ trách hơn nữa trách nhiệm từ trung ương đến địa phương, vấn đề nâng cao vai trò trách nhiệm của các bên liên quan”.

Ông Trần Thế Mưu

Sự việc đó đã nói lên rất nhiều điều trong công tác quản lý môi trường biển, môi trường sông?

- Đúng như vậy, tôi nhìn thấy được một số vấn đề sau. Thứ nhất là thiếu công tác dự báo dự đoán trước, nếu công tác quan trắc, cảnh báo, dự báo được làm tốt thì người ta sẽ biết trước và có những biện pháp đối phó, ứng xử phù hợp. Tôi thấy việc đánh giá phân tích đều diễn ra sau khi hiện tượng đã rồi như vậy sẽ rất khó khăn cho vấn đề sản xuất. Có thể nói, công tác dự báo, quản lý giám sát môi trường chưa đáp ứng được với nhu cầu sản xuất.

Vậy theo ông công tác quan trắc, dự báo dự đoán cũng như công tác quản lý giám sát của các cơ quan liên quan cần phải có những thay đổi như thế nào để đáp ứng được nhu cầu?

- Tôi nghĩ đầu tiên phải có tổ chức cơ quan chuyên trách về vấn đề này. Mặt khác các cơ quan chuyên trách này phải có những thiết bị quan trắc cảnh báo hiện đại hỗ trợ, chứ không thể nhìn bằng mắt thường được. Phải có phân vùng khu vực và phân công cụ thể thì mới giải quyết được, chứ bây giờ chúng ta không thể chạy theo để xử lý những hậu quả đã rồi được, như hôm nay ở Thanh Hóa, ngày mai ở Đồng Nai, ngày kia lại ở một địa phương khác và cứ chạy theo vậy thì e là không ổn, như thế thì không biết bao nhiêu tổ chức xử lý cho đủ được.

Trước tình trạng cá biển, sông chết hàng loạt chưa tìm ra nguyên nhân, ngư dân rất lo lắng, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 có những tư vấn cụ thể gì cho người dân thưa ông?

- Khi có những hiện tượng như thế, chúng tôi sẽ đi điều tra đánh giá tìm hiểu nguyên nhân tại đâu và đưa ra giải pháp, tư vấn cho các địa phương, người nuôi. Nếu do dịch bệnh thì chúng tôi sẽ đưa ra những phương án phòng trị bệnh, hướng dẫn cho người nuôi khôi phục sản xuất, nếu do môi trường xấu thì chúng tôi cũng tư vấn cho người nuôi biết được thời điểm phòng tránh.

Với trường hợp nuôi trồng sản xuất trên bờ (như nuôi tôm, cá) khi lấy nước các hộ nuôi đều phải lắng lọc và xử lý trước khi đưa vào ao nuôi, thay đổi môi trường từ từ. Đối với khu vực khai thác đánh bắt ngoài biển, hiện nay Bộ NNPTNT cũng giao cho tổ chuyên gia thực hiện thu mẫu theo mặt cắt 4 tỉnh đó để đánh giá môi trường ở đó. Sau khi có kết quả đánh giá tại thời điểm hiện tại thì mới đưa ra khuyến cáo cho sản xuất được như sẽ khai thác ở đâu, nơi nào khai thác an toàn. Tất cả các khuyến cáo đều phụ thuộc vào cơ sở khoa học mà mình phân tích đánh giá điều tra. Đoàn công tác của Bộ NNPTNT đang làm việc đó./.

Xin cảm ơn ông!

Hà Tĩnh đồng loạt mở 25 điểm bán hải sản an toàn

Sáng 12.5, tại tỉnh Hà Tĩnh đã đồng loạt mở 25 điểm bán hải sản an toàn cho người dân. Ghi nhận của NTNN tại các điểm bán trên địa bàn TP.Hà Tĩnh, mặc dù các loại hải sản đưa về bán tại đây được dán tem, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cơ quan nhà nước xác nhận, tuy nhiên lượng người đến mua vẫn chưa nhiều.

Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết: “Sở Công Thương phối hợp với Sở NNPTNT, Sở Y tế, UBND TP.Hà Tĩnh khai trương 25 điểm bán hải sản an toàn, riêng TP.Hà Tĩnh có 7 điểm. Trong thời gian tới sẽ có khoảng 150 điểm kinh doanh hải sản an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh”. Cũng theo ông Dũng, hải sản được giám sát chất lượng hết sức chặt chẽ, được Sở NNPTNT dán tem trên từng sản phẩm, Sở Y tế lấy mẫu kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn khi đó mới bán ra thị trường.

Hữu Anh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem