Tốt nhất chỉ nên ăn thịt nướng 1 lần/tuần với số lượng vừa phải khoảng 100g thịt/lần
PGS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, thịt nướng là món ăn ngon giàu chất đạm. Tuy nhiên, khi thịt nướng ở nhiệt độ cao, sẽ có tác nhân gây bệnh.
Theo PGS Nguyễn Thị Lâm một số người có những bệnh sau nên tránh xa với thịt nướng.
Người bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa
Chất đạm trong thịt nướng sẽ khiến cho người bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa khó tiêu hơn. Nếu đang bị đầy bụng, rối loạn tiêu hóa ăn thịt nướng sẽ có cảm giác ậm ạch khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Người bị đau dạ dày
Những người có tiền sử bệnh đau dạ dày không nên ăn thịt nướng vì thịt nướng khó tiêu.
Người mắc bệnh tim mạch
Khi nướng thịt ở nhiệt độ cao, các chất béo trở thành chất không tốt cho tim mạch. Người ăn nhiều thịt nướng và ăn thường xuyên có thể dẫn tới mỡ máu cao.
Một số chất sinh ra khi nướng kết hợp với khói và chất đạm có thể là nguyên nhân tác động xấu dẫn tới một số bệnh tim mạch.
Người mắc bệnh xương khớp
Thịt nướng có nhiều nguồn dinh dưỡng, chứa nhiều protein, sắt, kẽm….Nhưng ăn nhiều sẽ bị thừa đạm, đau khớp, sưng tấy….
Người bị mỡ máu
Do có thành phần đạm cao nên người bị bệnh mỡ máu không nên ăn nhiều thịt nướng. Người mỡ máu ăn thịt nướng sẽ có hại, bởi trong thịt chứa một lượng lớn chất béo bão hòa.
Người bị sỏi thận
Người bị sỏi thận nên hạn chế các loại thịt nướng. Đây là thực phẩm rất giàu protein, khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi.
Ăn bao nhiêu là vừa?
PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm, thịt nướng là món ăn rất ngon miệng nhưng chỉ nên ăn từ 1-2 lần/tuần, không nên ăn hàng ngày. Tốt nhất chỉ nên ăn 1 lần/tuần với số lượng vừa phải khoảng 100g thịt/lần.
Cách nướng thịt để giảm độc tố
PGS.TS.Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo chỉ nướng thịt trên than hồng khi đã hết khói, nướng thịt nhanh ở nhiệt độ vừa phải, không nên nướng ở nhiệt độ quá cao. Khi ăn thịt nướng nên ăn kèm với các loại rau xanh để tăng cường các chất chống oxy hóa giảm được những nhược điểm do thịt nướng gây ra.
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đưa ra những khuyến cáo khi nướng thịt như sau:
-Tẩm ướp thịt trước khi nướng sẽ làm giảm lượng mỡ chảy xuống, tăng độ an toàn cho đồ nướng.
- Dùng thịt nạc, loại bỏ mỡ, bỏ da (đối với gia cầm): Để hạn chế tối đa mỡ rơi xuống ngọn lửa khi nướng (sinh ra PAHs). Hạn chế dùng thịt có nhiều mỡ như sườn, xúc xích, lạp sườn (cũng là thực phẩm chứa béo no không tốt cho sức khoẻ).
- Không ăn phần thức ăn nướng bị cháy sạm đen, kể cả rau: Bởi vì chất HAs chỉ hình thành khi nướng thịt, cá, gia cầm, hải sản nhưng PAHs thì có thể xuất hiện ở phần cháy đen của bất kỳ loại thực phẩm nào.
- Làm thực phẩm ráo nước (hoặc bất kỳ chất dịch nào) trước khi để lên nướng: Bọc cá trong giấy nhôm rồi nướng để giữ thực phẩm được ẩm, ngăn ngừa tích tụ chất độc hại từ khói. Có thể thêm một ít rau thơm, tỏi, vài lát chanh, ít rượu trắng cho thơm ngon. Giữ thực phẩm trong tủ lạnh hoặc thùng đá, riêng biệt thức ăn sống và chín cho đến khi nướng.
- Nên nướng ở nhiệt độ thấp hoặc vừa phải để hạn chế khói.
- Thường xuyên trở qua lại các món nướng để giúp thịt chín đều, tránh cháy sém một phía.
- Hạn chế thời gian nướng bằng cách thái thực phẩm nhỏ và mỏng.
- Chất lượng của vỉ nướng cũng có vai trò quan trọng. Nên chọn những loại vỉ nướng làm bằng gốm chịu nhiệt cao và thép không rỉ. Tuyệt đối không nên dùng loại vỉ nhôm vì sự phản ứng giữa axit và nhôm trong khi nướng sẽ tạo ra những chất độc hại.
Mùa lạnh có những thực phẩm cấm kỵ, nếu càng ăn càng dễ cơ thể nhiễm lạnh và suy giảm sức đề kháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.