Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có công nghệ được Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đang sử dụng

Thế Anh Thứ tư, ngày 07/08/2024 11:07 AM (GMT+7)
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, hệ thống toa tàu của dự án này được sản xuất theo công nghệ hiện đại nhất của Pháp và các nước châu Âu hiện nay.
Bình luận 0

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có tần suất 10 phút một chuyến

Thông tin về kế hoạch vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, ông Nguyễn Cao Minh, Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, toàn bộ đoạn trên cao từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy dài 8,5 km đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử.

Cùng với đó, công tác nghiệm thu cũng đã hoàn tất để chuẩn bị vận hành từ sáng ngày 8/8, đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Hàng ngày, thời gian chạy tàu Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu từ 5h30 đến 22h, tần suất 10 phút một chuyến tại tất cả nhà ga trên cao.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có công nghệ được Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đang sử dụng- Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội.

"Trong 15 ngày vận hành miễn phí, người dân sẽ được tiếp cận tuyến đường sắt đô thị mới, có thể hình dung lộ trình sinh hoạt của bản thân", ông Minh cho hay.

Đối với công nghệ chạy tàu Nhổn - ga Hà Nội, ông Gilles Machelon, Giám đốc Liên doanh dự án (Alstom - Thalès - Colas Rail) cho biết, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Điểm nổi bật của đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội là việc tiêu hao nhiên liệu, các toa tàu tiêu thụ chỉ bằng 1/3 so với xe buýt và 1/4 so với xe ô tô cá nhân.

Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vận hành 10 đoàn tàu liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.

Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.

Đường sắt Nhổn - ga Hà Nội có công nghệ được Nhật Bản, Singapore, Thái Lan đang sử dụng- Ảnh 2.

Đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội.

Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội có công nghệ hiện đại

Theo ông Gilles Machelon, vỏ tàu được làm bằng hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao, được chế tạo tại Pháp. Mỗi toa tàu ở cả hai tuyến đều có chiều dài trung bình 20m, chiều cao và chiều rộng lần lượt là 3,69m và 2,7m. Có 8 cửa trong đó 4 cửa ra vào ở mỗi bên thân toa, độ rộng cửa hơn 1,4m.

Trên tàu có đủ điều hòa, loa phát thanh, hệ thống camera quan sát, tay nắm đứng bằng đai cao su mềm và nhiều trang bị khác. Bên trong có chỗ dành riêng cho xe lăn, chỗ cho người cao tuổi. Các hàng ghế được làm bằng chất liệu composite, tăng sự thoải mái cho hành khách trong quá trình di chuyển và tránh được cảm giác lạnh vào mùa đông.

Do có thiết kế ga ngầm nên đường sắt Nhổn – ga Hà Nội được trang bị đèn LED tự động điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp khi đi vào đoạn ngầm. Mỗi đoàn tàu có khả năng chở từ 944 – 1.124 người. Vận tốc tối đa đạt 80km/h, vận tốc khai thác trung bình là 35km/h.

Cùng với 10 đoàn tàu, Alstom còn cung cấp hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu dựa trên thông tin (CBTC) cho đường sắt Nhổn – ga Hà Nội. Đây là công nghệ hiện đại đang được áp dụng rộng rãi ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan...

Hệ thống này dựa vào truyền thông không dây, truyền thông tin hai chiều theo thời gian thực về vị trí, tốc độ đoàn tàu, khoảng cách giữa các đoàn tàu ... để điều khiển chạy tàu; Cho phép đoàn tàu thực hiện đóng đường di động giúp thu hẹp giãn cách giữa các đoàn tàu, nâng cao tần suất chạy tàu nhưng vẫn đảm bảo an toàn.

Dựa trên các thông tin tín hiệu thu, phát tự động, trung tâm chỉ huy sẽ tự động ra lệnh cho đoàn vận hành ở tốc độ tối đa và tối thiểu. Trên khoang lái tàu tự động hiển thị các thông tin để lái tàu biết, khi cần tăng tốc và giảm tốc. Hệ thống cũng tự động khống chế tốc độ của tàu.

Bên cạnh đó, hệ thống hãm của tàu được trang bị tính năng hãm tái sinh để giảm tiêu thụ năng lượng và giúp giảm chi phí bảo trì.

Khu ga Depot bảo dưỡng các toa tàu tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội hoàn toàn độc lập trên cơ sở các trang thiết bị được cung ứng từ châu Âu. Cùng đó, đường sắt Nhổn - ga Hà Nội được trang bị công nghệ rửa tàu tự động của Pháp, quá trình làm sạch toàn bộ tàu chỉ diễn ra trong 3 phút.

Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội hoàn thiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Cầu Giấy. Theo đó, dọc tuyến có 36 tuyến buýt đang hoạt động kết nối.

Trong đó, có 33 tuyến trợ giá gồm: Tuyến số 05, 07, 09A, 09B, 13, 16, 20A, 20B, 24, 26, 27, 28, 29, 32, 34, 38, 39, 49, 51, 55A, 55B, 57, 90, 92, 105, 117, 146, 161, 162, 163, E05, 56A, 96 và 3 tuyến không trợ giá: Tuyến số 70A, 70B, 70C.

Dọc tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách là Cầu Giấy và Nhổn. Bên cạnh đó, có 32 điểm dừng xe buýt (chiều Cầu Giấy - Nhổn: 16 điểm dừng; chiều Nhổn - Cầu Giấy: 16 điểm dừng).

Đáng chú ý, hiện tại 8 ga tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50m, khá thuận tiện cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem