Ê kíp tiếp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng livestream có bị coi là đồng phạm?

Quang Minh Thứ sáu, ngày 25/03/2022 10:44 AM (GMT+7)
Theo luật sư, trong vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của đội ngũ tư vấn, hỗ trợ bà Hằng để tham gia livestream trên mạng xã hội, xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ việc bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam), luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay: Bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên livestream chửi bới, bôi xấu nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và cho rằng họ ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt năm 2020 như: nghệ sĩ Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành…

Tuy nhiên sau đó vào cuộc điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận các nghệ sĩ, ca sĩ không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự.

Bởi vậy, trong vụ việc này, ngoài việc bắt bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của đội ngũ tư vấn, hỗ trợ bà Hằng để tham gia livestream trên mạng xã hội.

Vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng: Những ai có thể sẽ bị coi là đồng phạm? - Ảnh 1.

Bà Phương Hằng đã tạo ra một "hot trend" thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dùng mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình.

Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những yếu tố cấu thành tội đồng phạm khi xác định rõ vai trò cá thể của từng cá nhân trong khi thực hiện, đó là người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức, người cổ vũ… Vì vậy, nếu như có đủ căn cứ, những người này có thể sẽ bị khởi tố, điều tra, truy tố xét xử chung cùng tội danh với người cầm đầu. Tuy nhiên, mức án phạt có thể sẽ thấp hơn người chủ mưu. 

Trường hợp có căn cứ, những người được coi là đồng phạm sẽ bị xử lý về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Với hành vi này, mức phạt thấp nhất là 6 tháng tù, cao nhất là 7 năm tù.

Ngoài ra, theo luật sư Tùng, công an cũng sẽ xem xét hành vi của bà Hằng có dấu hiệu tội vu khống hay không. Nếu có đủ cơ sở, bà Hằng sẽ tiếp tục bị khởi tố điều tra bổ sung về những dấu hiệu tội này. Hoặc chuyển sang tội danh làm nhục người khác, xúc phạm bôi nhọ danh dự, uy tín, tổ chức cá nhân.

"Những người cùng giúp sức bà Hằng trong các cuộc livestream mà có dấu hiệu cấu thành tội phạm có tổ chức thì họ sẽ bị triệu tập lên để xác minh. Khi có đầy đủ căn cứ, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự giống như bà Hằng. Đây cũng là một bài học cho những người thường xuyên lên mạng có những phát ngôn thiếu chuẩn mực, thậm chí là bôi nhọ, vu khống người khác", luật sư Tùng chia sẻ.

Vụ bắt bà Nguyễn Phương Hằng: Những ai có thể sẽ bị coi là đồng phạm? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Đồng quan điểm, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận thì sẽ xâm phạm đến các quyền hợp pháp khác của công dân.

Trong các buổi livestream trên mạng xã hội trong khoảng hai năm qua nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng đã đưa ra rất nhiều thông tin bất ngờ, đã thực hiện hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội để tố cáo rất nhiều người về hành vi ăn chặn từ thiện, về lối sống thiếu chuẩn mực, về các hành vi vi phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, nhiều thông tin đã được xác định là không có thật, có tính chất xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác nên việc cơ quan điều tra khởi tố nữ doanh nhân này về tội danh trên là có cơ sở. 

Theo luật sư Cường, vụ án trên không chỉ do bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện mà đằng sau đó còn cả một đội ngũ tư vấn, hỗ trợ để tham gia cùng trên mạng xã hội. Bởi vậy, ngoài việc xử lý với bà Nguyễn Phương Hằng thì cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của các đồng phạm khác.

Cụ thể, cơ quan điều tra sẽ làm rõ từng buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội, hoạt động thu thập thông tin trái phép, đưa tiền trái phép; những ngôn ngữ, hành động mà nhóm người này đã thực hiện trên mạng xã hội suốt thời gian qua; đánh giá những hệ lụy đã gây ra đối với xã hội, với nhà nước, với các tổ chức cá nhân để làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án.

Như vậy, rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối với nhiều bị can và nhiều tội danh khác nhau, trong đó tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" chỉ là khởi đầu của vụ việc.

"Về nguyên tắc thì mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý, hành vi vi phạm đến đâu phải xử lý đến đó. Người nào vi phạm và xúi giục, kích động người khác cùng thực hiện hành vi vi phạm thì sẽ được xác định là người chủ mưu, cầm đầu. Những người có cùng ý chí thực hiện hành vi tội phạm sẽ được xác định là đồng phạm. Vụ án này cần phải điều tra, xử lý toàn diện, đầy đủ, nghiêm túc, đúng pháp luật thì mới đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội", luật sư Cường nói.

Như Dân Việt đã thông tin, tối 24/3, Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015. Viện kiểm sát nhân cùng cấp đã phê chuẩn quyết định này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem