G20 khai mạc, những vấn đề nào sẽ là trọng tâm?

Lê Phương (Reuters) Thứ ba, ngày 15/11/2022 10:41 AM (GMT+7)
Hôm 15/11, các nhà lãnh đạo của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) đã bắt đầu các cuộc đàm phán tại đảo Bali, trong đó tập trung vào những biện pháp giúp phục hồi kinh tế toàn cầu bất chấp những rạn nứt sâu sắc do chiến sự Ukraine .
Bình luận 0
G20 khai mạc, những vấn đề nào sẽ là trọng tâm? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) bắt tay Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 ở Nusa Dua, Bali, Indonesia, ngày 15 tháng 11 năm 2022. Ảnh: Reuters

G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số.

Một dấu hiệu tích cực trước thềm hội nghị thượng đỉnh là cuộc gặp song phương kéo dài ba giờ giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai nhà lãnh đạo cam kết liên lạc thường xuyên hơn bất chấp một số quan điểm khác biệt.

Cuộc gặp hôm 14/11 là lần đầu tiên hai người gặp mặt trực tiếp kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống. Các cuộc đàm phán dường như báo hiệu sự cải thiện trong quan hệ giữa hai siêu cường sau các căng thẳng trong những tháng gần đây.

Trong bối cảnh chiến sự Ukraine và lạm phát toàn cầu gia tăng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi các nhà lãnh đạo của các quốc gia giàu nhất thế giới đoàn kết, ít nhất là về vấn đề kinh tế.

"Chúng tôi hy vọng hội nghị thượng đỉnh G20 có thể mang lại những mối quan hệ đối tác cụ thể, từ đó giúp thế giới phục hồi kinh tế", ông Widodo nói sau cuộc gặp song phương với ông Biden.

Tổng thống Indonesia cũng yêu cầu Ủy ban châu Âu và khối G7 cam kết "hỗ trợ linh hoạt" giúp hội nghị thượng đỉnh có thể đạt được kết quả cụ thể.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã khiến một số nhà lãnh đạo phương Tây kêu gọi tẩy chay hội nghị thượng đỉnh và yêu cầu rút lại lời mời Tổng thống Vladimir Putin. Mặc dù vậy, Indonesia đã phản đối và từ chối rút lại lời mời Tổng thống Putin.

Phía Nga cho biết ông Putin quá bận rộn để tham dự hội nghị thượng đỉnh, thay vào đó Ngoại trưởng Sergei Lavrov sẽ đại diện. Hôm 14/11, ông Lavrov bác bỏ thông tin của một hãng thông tấn rằng ông đã được đưa đến bệnh viện ở Bali vì bệnh tim.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến sẽ phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh thông qua hình thức trực tuyến hôm 15/11.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết một thông cáo chung của G20, vốn cần phải được sự nhất trí của tất cả các bên, dường như khó xảy ra, thay vào đó Indonesia dự kiến sẽ thúc đẩy một tuyên bố của các nhà lãnh đạo.

Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Jose Rizal cho biết: "Chiến sự và căng thẳng địa chính trị gia tăng đồng nghĩa với việc mối quan tâm giữa các thành viên G20 ngày càng được mở rộng".

Vấn đề Ukraine

Hôm 15/11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông sẽ kêu gọi G20 phối hợp hành động để giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế và chi phí sinh hoạt gia tăng sau chiến dịch của Nga.

Các quan chức Mỹ tuyên bố Tổng thống Biden cũng quyết tâm bảo vệ Ukraine.

"G20 chắc chắn sẽ làm rõ việc cuộc xung đột đang tàn phá người dân ở khắp mọi nơi và gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu", một quan chức giấu tên nói về quan điểm của Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh vào ngày 10/11. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng thân thiết trong những năm gần đây, cả hai tái khẳng định quan hệ đối tác chỉ vài ngày trước khi chiến dịch của Nga bắt đầu. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cẩn thận không cung cấp bất kỳ hỗ trợ vật chất trực tiếp nào có thể kích hoạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

Ông Biden và ông Tập "nhấn mạnh phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine" trong cuộc gặp mặt, theo một tuyên bố của Nhà Trắng. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết ông Tập đã nói với ông Biden rằng không thể sử dụng vũ khí hạt nhân và không thể tiến hành chiến tranh hạt nhân. 

Vào cuối ngày 14/11, Tổng thống Zelensky đã hoan nghênh "những tuyên bố quan trọng" được đưa ra trước thềm G20, bao gồm cả việc không chấp nhận các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phương Tây đã cáo buộc Nga đưa ra những tuyên bố về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ khi chiến sự bắt đầu. Đáp lại, Nga cáo buộc phương Tây có những lời lẽ "khiêu khích" về hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo G20 sẽ lên án bất kỳ động thái sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân nào, theo một dự thảo ban đầu của tuyên bố G20 mà Reuters có được.

"Chúng ta nên cố gắng sử dụng cuộc họp G20 để thuyết phục tất cả các đối tác gây thêm áp lực lên Nga", Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trong một cuộc họp báo, đồng thời chỉ trích Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh, nhiều nhà lãnh đạo sẽ có các cuộc hội đàm song phương, trong đó dự kiến có một số cuộc gặp với ông Tập, người mới có chuyến thăm nước ngoài lần thứ hai kể từ khi đại dịch bắt đầu. Theo đó, ông Tập sẽ hội đàm với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem