Ước tính 9,6% dân số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 17 ở Việt Nam đang phải làm việc kiếm sống. Đây là một trong những kết quả chính từ cuộc nghiên cứu Điều tra Quốc gia về lao động trẻ em được công bố tại Hà Nội ngày 14.3.
Kết quả điều tra (tính tỷ lệ theo cỡ mẫu) cho thấy Việt Nam hiện có hơn 18 triệu trẻ em, trong đó có khoảng gần 3 triệu trẻ em (chiếm 15,5%) tham gia hoạt động kinh tế. Đáng chú ý, có 1,7 triệu trẻ em (chiếm 62%) là lao động chính kiếm sống cho gia đình.
Số liệu điều tra này cũng cho thấy, khoảng 1/3 số lao động trẻ em (khoảng 600.000) thường xuyên phải làm việc từ 42 giờ trở lên và có 1,3 triệu lao động trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề thuộc nhóm nghề bị cấm.
Đáng chú ý, tỷ lệ trẻ em không đi học trong số trẻ em phải làm việc để kiếm sống từ 41% đã tăng lên gần 55% ở nhóm lao động trẻ em, đặc biệt với nhóm lao động trẻ em phải làm việc trên 42 giờ/1 ngày thì tỷ lệ không đi học tăng ở mức cao nhất với 96%. Phần lớn trong số lao động trẻ em này đều sinh sống ở khu vực nông thôn, làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và là lao động hộ gia đình không có lương.
TS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Tỷ lệ trẻ em ở khu vực nông thôn phải lao động kiếm sống nhiều hơn (tỷ lệ là 18%, so với 7,5% trẻ em thành thị phải lao động kiếm sống) chính vì vậy các biện pháp phòng ngừa lao động ở trẻ em cần hướng vào đối tượng chính là các hộ gia đình ở khu vực nông thôn”.
Bình luận về số liệu trên, ông Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Các số liệu trong điều tra rất cụ thể, cỡ lớn, có tính bao quát cao. Tuy nhiên vì điều tra trong mẫu hộ gia đình nên chưa có những số liệu về số trẻ em làm ở các khu công nghiệp tập trung hoặc lao động trẻ em đi lang thang. Chính vì vậy, không thể kết luận về số trẻ em phải lao động trong những môi trường tồi tệ được”.
Ông Gyorgy Sziraczki – Giám đốc Tổ chức Lao động thế giới (ILO) nhấn mạnh: “Thời gian tới Việt Nam cần có giải pháp mạnh tay để giảm thiểu số lao động trẻ em ở nhóm từ 5-11 tuổi. Bởi lao động quá sớm sẽ lấy đi tuổi thơ, tiềm năng và phẩm chất của những đứa trẻ, gây ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của các em”.
Báo cáo của ILO cũng cho biết, hiện trên thế giới có khoảng 168 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 5-17 tuổi phải lao động kiếm sống, chiếm khoảng 10,6% dân số trẻ em. Tỷ lệ này là 9,3% tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Minh Nguyệt (Minh Nguyệt )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.