Gần một thế kỷ của bánh chưng, bánh mật Hòa Ninh

Thứ bảy, ngày 15/02/2014 12:03 PM (GMT+7)
Chưa được xếp vào danh sách các nghề truyền thống, thế nhưng nghề làm bánh chưng, bánh mật đã có ở Hòa Ninh (Quảng Hòa, Quảng Trạch) cách đây gần một nửa thế kỷ.
Bình luận 0
Vượt lên trên bao nỗi lo toan cơm áo hằng ngày, những người làm bánh chưng, bánh mật nơi đây vẫn chung thủy với nghề cho dù hiệu quả kinh tế mang lại vẫn chưa cao.

Hòa Ninh đất chật, người đông, điều kiện tự nhiên thuận lợi mà thiên nhiên mang lại cho con người không nhiều. Bởi vậy, tính cần cù, ham học hỏi cũng như đam mê vượt qua đói nghèo đã làm cho người dân ở đây cần mẫn ngày đêm học và bám nghề.

Ngày hôm nay, nếu ai có dịp tới Hòa Ninh sẽ vẫn bắt gặp hình ảnh những người thợ rèn, thợ đúc bên các ống bệ đỏ lửa; những nghệ nhân chạm khắc gỗ với bàn tay tài hoa của mình đã và đang mang sản phẩm nghề mộc làm ra để giới thiệu với nhiều vùng miền trong cả nước; và cả những người thợ dẻo dai, tỉ mẩn làm nên những chiếc bánh đa mà khi nói ra ai cũng nhớ tới nó như một đặc sản của vùng quê Hòa Ninh.
Bà Trần Thị Dung đang chuẩn bị lá để gói bánh.
Bà Trần Thị Dung đang chuẩn bị lá để gói bánh.

Chúng tôi gặp bà Trần Thị Dung, (50 tuổi) đang ngồi làm sạch lá chuối để gói bánh. Được biết, bà học nghề từ mẹ là bà Nguyễn Thị Bích Liên. Cách đây gần 50 năm, bà Liên nổi tiếng với việc làm một lúc nhiều thứ bánh: bánh chưng, bánh mật, bánh cốm, bánh sắn, bánh bột lọc, rồi cả kẹo mè xửng, kẹo xoắn (ở quê hay gọi là kẹo cày), kẹo mặt trăng... v.v.

Bà Dung cho biết sở dĩ, nghề làm bánh chưng, bánh mật còn lý do để trụ vững cho tới nay ở Hòa Ninh là bởi lẽ đây là hai thứ bánh không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền, dịp cưới hỏi, những ngày cúng giỗ của người dân... Riêng bánh mật là thứ bánh đặc trưng mà rất nhiều người mua để làm quà và bây giờ nó đã trở thành sản phẩm thân quen của những người đi xa trở về muốn có để làm quà quê biếu người thân, bè bạn.

Để làm ra những chiếc bánh chưng, bánh mật người thợ đã phải trải qua nhiều công đoạn. Cả hai loại bánh đều được gói bằng lá chuối. Riêng bánh chưng, muốn có chiếc bánh ngon thì phải chọn loại nếp ngon nhất. Nhân bánh chưng được làm từ đậu xanh, thịt heo, hành, tiêu.

Lá chuối phải được lau thật sạch và sắp ngay ngắn ở trong rổ. Phải xoay trở thật nhanh để khi nhân bánh đã được làm mịn và nhuyễn thì bắt tay vào gói bánh luôn kẻo để lâu nhân sẽ bị chua, làm giảm chất lượng bánh. Khi gói xong, những chiếc bánh loại nhỏ sẽ được nấu trong khoảng 4 giờ đồng hồ còn loại bánh lớn hơn phải nấu trong vòng 10 đến 12 giờ.

Muốn có những chiếc bánh mật thật dẻo, ngon cũng như khi ăn bóc lá cho dễ thì người làm bánh phải trộn một ít gạo lòn vào trong nếp. Quan trọng hơn hết là phải xay bột nước rồi mới ép khô chứ không nên xay bột khô trực tiếp, vì như thế khi làm lên, chiếc bánh sẽ rời rạc và không có độ kết dính giữa lớp ngoài với nhân bánh được làm từ đậu xanh, gừng và đường. Bánh mật được nấu trong khoảng thời gian 30 phút đến 1 giờ đồng hồ tùy theo từng loại to nhỏ khác nhau.

Hiện tại ở Hòa Ninh có gần 10 hộ gia đình vẫn duy trì nghề làm bánh chưng, bánh mật. Hằng ngày, nếu hộ nào làm nhiều thì tiêu thụ hết từ 30 đến 40kg nếp, còn người ít hơn họ sử dụng khoảng 10kg.

Hình ảnh tôi ấn tượng nhất là khi bà cụ Liên đã ngoài 90 tuổi, với cái lưng còng rạp xuống nhưng vẫn chuốt lá, chuẩn bị nếp, làm nhân... để làm bánh. Mong rằng bánh chưng, bánh mật sẽ còn sống mãi với làng quê Hòa Ninh.
Báo Quảng Bình (Theo Báo Quảng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem