Gặp những người ăn đất cuối cùng ở Lập Thạch

Thứ bảy, ngày 29/03/2014 08:45 AM (GMT+7)
Khó có thể tin rằng, cách đây vài chục năm về trước đặc sản của người dân ở thị trấn Lập Thạch (Vĩnh Phúc) lại là món "bánh đất" hay còn gọi là "bánh ngói".
Bình luận 0
Đó là loại bánh được chế biến từ đất đồi một trăm phần trăm. Người ta ăn đất một cách say mê, ngon miệng và có phần còn "nghiện". Đã từng tồn tại những phiên chợ "bánh ngói" nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Và cho đến hôm nay, tục ăn đất ấy đã không còn phổ biến như trước, nhưng những người "nghiện" ăn đất thì vẫn còn không ít… Rất có thể món đặc sản ấy đã cứu được nhiều người trong thời kỳ khốn khó xa xưa.

Những phiên chợ "bánh ngói" xa xưa

Có lẽ người gắn với thời kỳ đỉnh cao của tục ăn bánh ngói chính là vợ chồng anh Tạ Văn Bảng và chị Lê Thị Lan ở thôn Thống Nhất, thị trấn Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Cũng nhờ nghề chế biến "bánh ngói" mà hồi đó gia đình anh chị xây được nhà gạch hẳn hoi.

Chị Lan mau mắn kể: "Hồi đó vợ chồng tôi tìm ra được một gò đồi, đất rất ngon và độc quyền khai thác trong nhiều năm liền. Chúng tôi đào thành hang sâu và rộng, lấy đến phân nửa quả đồi. Mang thứ đất đặc biệt đó về chế biến thành "bánh ngói" cung cấp cho bà con trong cả một vùng. Ở chợ nhiều nhà bán "bánh ngói" lắm nhưng nhà tôi làm ngon nhất nên khách mua lúc nào cũng đông nhất".

img
Bà Khổng Thị Biện vẫn làm “bánh ngói” bán cho khách.

Khi được hỏi về bí quyết chế biến bánh đất như thế nào để vừa thơm vừa bùi thì anh Bảng hồ hởi khoe: "Nói thật, nếu cô chú hỏi câu này vài chục năm về trước thì không bao giờ vợ chồng tôi nói đâu. Dù gì đấy cũng là bí quyết gia truyền mà, nói ra người khác biết thì còn cạnh tranh làm sao được nữa.

Trước tiên là công đoạn chọn đất. Phải chọn loại đất nào chỉ có một màu như vàng, xanh, hay trắng tinh, chứ cái loại đất mà có nhiều màu lẫn lộn thì ăn sẽ chẳng ra gì đâu. Sau đó gọt thành từng miếng rồi đặt lên phên tre. Ở dưới đốt bằng lá sim, lá chè cay hoặc lá mua. Tiếng là đốt nhưng không cháy thành ngọn lửa vì toàn lá tươi mà. Sau đó sẽ lấy thúng chụp lại để giữ khói. Khói ám vào đất càng nhiều thì bánh càng dậy mùi thơm. Nói không phải khoe chứ, hồi đó tôi mà đốt "bánh" bà nào đi qua cũng chảy nước miếng".

Chị Lan cười khúc khích thêm lời: "Nhiều lúc các bà các cô đi qua, thấy thế lại xin dăm bảy cục để ăn. Có người tham còn dắt đầy cạp quần làm mình cũng xót. Hì hục chế biến mãi mới được, cơ mà họ xin chẳng lẽ lại không cho? Hồi đó món "bánh ngói" nhà tôi nổi tiếng lắm, khắp các chợ Thạch Trục, Vân Trục, Đồng Quế, Xuân Lôi… đều lấy hàng của nhà tôi về bán.

Hai thằng con trai tôi cứ quẩy ra chợ bán, nhoàng một cái là hết hàng. Người ta mua rồi cắn ăn răng rắc tại chỗ nghe vui tai lắm. Hôm nào tôi bận, nửa đêm mới bắc được bếp nướng nhiều người còn ngủ lại nhà tôi luôn để lấy hàng mai kịp bán. Đất nhà tôi ăn bùi như ăn gan lợn vậy nên có thể ăn một lúc cả rổ".

"Bánh ngói" được bày bán giống như người ta bày bán kẹo vừng, kẹo lạc trong mỗi phiên chợ quê. Những khúc "bánh ngói" được bày trong một cái mẹt nho nhỏ vàng suộm màu khói, phía dưới là một cái thúng. Chả riêng gì Lập Thạch mà khắp một vùng mênh mông sông nước từ Vĩnh Tường, giáp Việt Trì lên tới Phong Châu (Phú Thọ) đều bán loại bánh đặc biệt này.

img
Bà Nguyễn Thị Lạc người đã từng được mời tham dự trong 1 hội thảo khoa học về tục ăn đất.

Gần nhà anh Bảng là nhà của bà Nguyễn Thị Lạc - người đã từng được mời xuống Hà Nội trong một Hội thảo khoa học nghiên cứu về tục ăn đất. Bà Lạc giờ không còn nữa, tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Văn Long, con rể của bà.

Kể về người mẹ vợ của mình, anh Long không giấu được niềm tự hào: "Lúc còn sống, cụ nhà tôi làm "bánh ngói" ngon lắm, ngon nổi tiếng cả vùng. Chính tôi là người thường xuyên lên đồi tìm đất ngon mang về cho cụ nướng rồi mang ra chợ bán. Chỉ đến khi cụ mất cách đây vài năm thì gia đình tôi mới không làm cái nghề đó nữa".

Cụ Lạc làm "bánh ngói" ngon nhưng đồng thời cũng là một tín đồ nghiện ăn đất. Chị Hoa, gái cụ kể lại rằng: "Bình thường cụ đã nghiện nhưng mỗi lần mang thai cụ lại nghiện gấp nhiều lần. Có những đêm trong nhà hết "bánh ngói" cụ cứ ngồi tròng trọc không tài nào ngủ được. Bố tôi thấy thế lại mắng bảo là, của ngon vật lạ không nghiện lại cứ đi nghiện cái thứ vớ vẩn. Ăn nhiều vào cho nó hỏng hết ruột gan phèo phổi ra".

Và những người "ăn đất" cuối cùng


Nếu đến thị trấn Lập Thạch, Vĩnh Phúc cách đó vài chục năm chắc chắn bạn sẽ được chứng kiến những phiên chợ "bánh ngói" nhộn nhịp người mua kẻ bán. Còn hôm nay, khi chúng tôi đặt chân tới nơi này những người nghiện ăn "bánh ngói" cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

Họ đều là những người đã bước vào cái ngưỡng "gần đất xa trời". Dù không còn đói khổ, thiếu thốn như xưa nhưng "bánh ngói" với họ vẫn là một đặc sản, một thứ bánh gắn liền với quãng đời tuổi thơ và tuổi trẻ. Ăn nhiều thành nghiện, mà đã nghiện thì khó có thể cai.

img

Hai trong số những người còn lại vẫn giữ cho mình một thói quen ăn "bánh ngói" ở Lập Thạch là vợ chồng ông Khổng Văn Loa và bà Khổng Thị Biện. Cả hai ông bà đều đã bước qua cái tuổi tám mươi.

Thật may mắn, khi chúng tôi đến cũng là lúc bà Biện đang lui cui chuẩn bị nướng mẻ đất mới. Bà Biện lấy chiếc dao con sắc nhọn sắt từng mảng đất to thành những miếng đất nhỏ cho vừa miếng. Xong đâu đó bà mang đống lá sim đã hái sẵn từ trên đồi đặt lên chiếc kiếng bếp.

Khói tỏa lên, chui qua một cái phên đan mắt cáo, bên trên xếp những miếng đất đều chằn chặn y như thể người ta đang nướng thịt vậy. Có điều đặc biệt là, khói lá sim tươi ấy không được thoải mái bay lên trời mà được bịt lại trong một chiếc thúng. Thứ khói đặc quánh ấy sẽ được om lại để quện vào từng miếng đất nướng. Như thế món "bánh ngói" mới đậm mùi, ăn sẽ rất thơm và bùi.

Bà Biện, tay nướng đất, miệng kể cho chúng tôi nghe về sở thích ăn đất từ xa xưa của mình: "Bà biết ăn đất từ khi còn là trẻ con. Lúc ấy cả làng, cả xã cả ông bà, bố mẹ đều ăn nên bà cũng ăn. Ăn nhiều thành quen, rồi nghiện lúc nào không biết. Nghiện nặng nhất là lúc mang thai ấy. Tám đứa con của bà đứa nào lúc mang thai mà cũng ăn rất nhiều đất. Thế mà có sao đâu, đẻ ra đều khỏe mạnh hết cả mà".

Chả cứ gì bà Biện nghiện đất, mà ngay bản thân ông Khoa, chồng bà cũng có sở thích giống vợ. Ngay đến bây giờ trong nhà ông bà không lúc nào là không có món bánh đất. Với ông bà, cái sự nghiện ăn bánh đất ấy nó giống như những người già khác nghiện ăn trầu vậy. Ngày nào không có thì thấy nó nhạt mồm nhạt miệng lắm, như thể thiếu một cái gì đó.

Bà Biện khoe cách đây vài hôm vừa nhờ người con trai lên quả đồi sau nhà đào đất cho vào mấy bao tải mang về để bà nướng dần. Trong gian bếp vách thấp lè tè nhà bà lúc nào cũng có đất dự trữ. "Không phải chỉ làm cho nhà mình ăn đâu mà người ta vẫn đến đặt mua mang về đấy. Có cả những khách từ tận thành phố Hồ Chí Minh cũng ra mua đấy. Có người thì ở Đà Nẵng. Họ bảo họ không nghiện nhưng nghe người ta kể về món ăn đặc biệt này nên tò mò muốn ăn thử xem sao" - bà Biện chia sẻ.
img
Công đoạn chế biến "bánh ngói".

Ngồi cạnh vợ, ông Khoa lên tiếng: "Cách đây vài hôm có một người phụ nữ cũng ở tỉnh Vĩnh Phúc, ở huyện nào thì tôi quên mất rồi, họ đến nhà tôi hỏi mua "bánh ngói". Chị ấy bảo, mẹ chị ấy ốm sắp chết. Trước khi chết bà ấy không mong muốn gì, chỉ ao ước được thưởng thức lại món "bánh ngói" mà thời tuổi trẻ đã từng ăn. Thế là chị ấy lặn lội vào đây mua cho mẹ đấy. Vợ chồng tôi nghe thế thấy xúc động lắm. Chúng tôi đòi biếu nhưng chị ấy không đồng ý".

Chả phải thời xưa mà ngay cả lúc này, nhiều người phụ nữ trẻ ở Lập Thạch khi mang bầu cũng thèm món "bánh ngói" này điên đảo. Tất nhiên, vì họ trẻ và lại không có kinh nghiệm gì trong việc chế biến này nên nếu lên cơn "nghén" đất họ lại tìm đến nhà bà Biện để mua một mẻ về ăn dần. Chính người cháu dâu của bà Biện là chị Nguyễn Thị Khuyên, quê ở Hòa Bình, lúc mới lấy chồng về Lập Thạch, thấy cả gia đình nhà chồng ăn đất ngon như người ta ăn bánh chị Khuyên thấy rùng mình.

Sau mọi người khuyến khích và bản thân cũng thấy tò mò nên chị ăn thử. "Ăn lần thứ nhất thì muốn nôn lắm vì cái vị ngai ngái. Lần thứ hai thấy ổn hơn và chỉ đến lần thứ ba thì tôi đã bắt đầu cảm nhận được vị bùi bùi của đất và thơm thơm của lá sim. Đến nay thì nghiện thật rồi. Hồi mang thai cu Hưng tôi ăn suốt. Thế nên bây giờ thằng bé cũng ăn bánh đất như ăn kẹo vậy".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Việt, nguyên giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho biết:


"Đã có nhiều nhà khoa học đề cập tới vấn đề ăn đất của con người trên dải đất Việt Nam. Chúng tôi đã lấy rất nhiều mẫu đất gửi đến các viện nghiên cứu đề nghị dám định các khoáng chất có trong nó. Kèm theo đó là giám định về sức khỏe, tố chất cơ thể của những người ăn đất đó xem cơ thể họ thiếu thứ gì mà lại thích thú với việc ăn đất nhưng hiện vẫn chưa có kết quả chính thức nào".

CAND (Theo CAND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem