Gia Lai: Vì sao thiên hạ lắm người trồng cà phê lỗ liểng xiểng mà bà nông dân này vẫn lời cả tỷ đồng?
Gia Lai: Vì sao thiên hạ lắm người trồng cà phê lỗ liểng xiểng mà bà nông dân này vẫn lời cả tỷ đồng?
Trần Hiền
Thứ tư, ngày 23/09/2020 06:35 AM (GMT+7)
Xuất thân từ một người nông dân chân lấm tay bùn, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn mạnh dạn sử dụng 5ha đất để trồng cà phê, làm cà phê sạch quản lý chặt ở tất cả các khâu. Trong khi nhiều nông dân trồng cà phê thua lỗ liểng xiểng thì chị Xuân vẫn lãi tiền tỷ.
CLIP: Quá trình làm cà phê sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai).
Liều lĩnh đổ 2 tỷ đồng làm cà phê sạch
Chỉ cần về đến thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hỏi người phụ nữ chân đất Nguyễn Thị Thanh Xuân (trú tại thị trấn Ia Ly) bỏ 5ha đất để làm cà phê sạch không ai là không biết đến. Tuổi thơ của chị cũng gắn với cây cà phê, vì thế chị Xuân hiểu rất rõ về loại cây chủ lực này.
Sau khi lập gia đình, gia đình nhỏ của chị cũng gắn bó với cây cà phê. Cá nhân chị từng bị cũng như đã chứng kiến cảnh người dân trồng cà phê canh tác vất vả, nhưng đến mùa thu hoạch chủ yếu bán nhân xanh và thường bị thương lái ép giá.
Bên cạnh đó, vấn nạn cà phê tẩm hóa chất, cà phê pha trộn đang tràn lan trên thị trường. Từ đó, đã thôi thúc vợ chồng chị Xuân phải làm một điều gì đó để lấy lại giá trị cho dòng cà phê Việt. Ngoài ra, chị còn muốn người dân nhận thức được tầm quan trọng của cà phê sạch trên thị trường.
Dẫn chúng tôi thăm quan 5ha cà phê được trồng và chăm sóc theo phương pháp bán hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu, chị Xuân kể lại: "Trước đây, bố mẹ mình trồng cà phê bán tươi và nhân xô nhưng luôn bị thương lái ép giá. Bản thân mình cũng đã từng bị ép giá, thêm việc mất mùa, chất lượng cà phê kém nữa...".
Theo chị Xuân, chính vì những lý do trên đã thôi thúc 2 vợ chồng liều lĩnh đi theo con đường làm cà phê sạch, sạch từ khâu trồng trọt, thu hái, chế biến và đóng gói. Ngay sau khi lên ý tưởng, hai vợ chồng bắt đầu vay ngân hàng từ mấy trăm triệu, giờ đã lên đến 2 tỷ đồng rồi.
Theo chị Xuân, muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu đầu vào phải tốt, cà phê ngon trước hết phải sạch. Cũng bởi vậy nên khi 5ha đất của chị sử dụng canh tác cà phê sạch mất rất nhiều chi phí, đặc biệt là công làm cỏ, thu hái…
"Ngày trước khi có ý tưởng làm cà phê sạch và cho ra thành phẩm cà phê bột, mình vấp phải sự phản đối của rất nhiều người. Đặc biệt là việc vay tiền ngân hàng để đổ vào cà phê thành phẩm trong khi chỉ ở huyện nhỏ. Để có được cơ ngơi khang trang và thương hiệu cà phê như hiện nay, vợ chồng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách...", chị Xuân cho hay.
Theo chị Xuân, khó khăn lớn nhất khi đi theo con đường làm cà phê sạch chính là phải cạnh tranh với các dòng "cà phê bẩn", giá thành thấp, chạy theo lợi nhận mà chấp nhận bán cho người tiêu dùng. Cũng là cà phê nhưng người mua để kinh doanh sẽ lựa chọn những dòng cà phê bẩn giá rẻ như vậy những người làm cà phê sạch như chị sẽ bị lép vế, lỗ nặng.
Tuy nhiên, khi đã thấy tận mắt cách làm của chị Xuân khá nhiều khách hàng đã tin tưởng.
Chú trọng chất lượng, nâng tầm thương hiệu
Theo đó, với 5ha cà phê chị bắt đầu canh tác theo phương pháp 4C. Chị Xuân quan niệm khi xây dựng thương hiệu cà phê nguyên chất phải hướng đến chất lượng là quan trọng nhất. Chính vì thế, từ quá trình chăm sóc, cải tạo đất gia đình chị không lạm dụng hóa chất.
Bên cạnh đó, việc kết hợp tuân thủ quy trình sử dụng phân bón vi sinh, NPK, bã cà phê lên men…đã mang lại kết quả tích cực cho vườn cà phê của chị ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng cà phê vượt trội.
Chia sẻ với chúng tôi về việc thu hái, chế biến hạt cà phê, chị Xuân tỉ mỉ hướng dẫn: "Đến mùa thu hái, chỉ hái quả chín không hái quả xanh. Trong vòng 24h phải đem sơ chế, loại bỏ quả khô, quả một nhân, cho vào máy bóc vỏ thịt chỉ lấy nhân đưa ra phơi trên lưới hoặc giàn phơi, đạt độ ẩm mới đưa vào kho bảo quản...".
Theo chị Xuân, để cho ra sản phẩm đạt chất lượng, khâu chế biến cực kỳ quan trọng. Chị sử dụng phương pháp chế biến bán ướt, yêu cầu bắt buộc là thu hái quả chín tươi với tỷ lệ từ 85% trở lên. Bằng phương pháp này, các loại quả khô, hư sẽ nổi lên trên mặt nước, các loại quả xanh, chín sẽ do máy tự sàng lọc, như vậy sẽ giữ được hương vị tươi mới, đồng nhất, đầy đặn của cà phê...
Mỗi năm vườn cà phê 5ha của anh chị đạt 20 tấn trong đó có 17 tấn dùng để chế biến, rang xay, đóng gói đưa ra thị trường còn 3 tấn còn lại bán nhân xô. Hiện vườn cà phê của chị Xuân đã canh tác được hơn 10 năm. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của gia đình xuất ra thị trường 7 tạ cà phê bột, có mức giá từ 150.000 – 300.000 đồng/kg tùy loại.
"Cũng nhờ mạnh dạn đi theo con đường làm cà phê sạch mà thu nhập của gia đình đã cải thiện đáng kể từ 100 triệu đồng/năm lên hơn 2 tỷ đồng/năm. Sau khi trừ chi phí công cán, phân bón, chi phí rang xay đóng gói hiện gia đình thu về khoảng 1 tỷ/năm", chị Xuân vui mừng nói.
Hiện gia đình chị Xuân đã có hai cơ sở ở TP.Pleiku (Gia Lai) và Đà Nẵng, thời gian tới hai vợ chồng sẽ mở rộng thêm. Sản phẩm cà phê hạt rang xay của của chị Xuân đã đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh 2019.
Với những nỗ lực trong lao động sản xuất, vừa qua, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2020 dự kiến được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10/2020 tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.