Giá cà phê Tây Nguyên chỉ còn 42.000 đồng/kg
Trên thị trường cà phê thế giới ngày 25.4, giá cà phê trên hai sàn ICE tiếp tục giảm sâu. Trong đó, giá robusta vẫn tiếp tục lao dốc, mất thêm 3% sau phiên giảm mạnh nhất 6 năm vào cuối tuần trước và hiện đang ở đáy 7 tháng rưỡi.
Theo đó, trên sàn ICE Europe - London, giá cà phê robusta kéo dài chuỗi giảm phiên thứ 4, kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 56 USD, xuống còn 1.906 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 54 USD, còn 1.936 USD/tấn, các mức giảm rất mạnh. Khối lượng giao dịch cũng rất cao, trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê arabica cũng có phiên thứ 4 sụt giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 5 giảm thêm 0,35 cent, xuống 129,5 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 7 giảm thêm 1 cent, còn 131,9 cent/lb, khối lượng giao dịch khá cao.
Kéo theo đà giảm của giá thế giới, giá cà phê Tây Nguyên cũng bị điều chỉnh giảm tới 1.000 đồng/kg trong sáng 25.4, sau khi tăng nhẹ 100 – 200 đồng/kg trong ngày đầu tuần. Hiện tại, giá cà phê Tây Nguyên giao dịch trong khoảng 42.000 – 42.600 đồng/kg.
Tại cảng TP.HCM giá cà phê robusta theo giá FOB phiên 25.4 đã giảm thêm 41 USD, chốt ở mức 1.836 USD/tấn.
Bảng tham khảo giá cà phê nguyên liệu trong nước ngày 25.4. Nguồn: giacaphe.com
Giới thương nhân cho rằng, thị trường cà phê liên tục mất giá trong thời gian gần đây vốn dĩ là do làn sóng bán thanh lý arabica, khiến giá rớt khỏi ngưỡng hỗ trợ. “Sàn London bị bán tháo theo sàn New York vì các quỹ đầu tư đang dần từ bỏ cà phê. Họ cũng cho biết, còn rất nhiều robusta trên thị trường nguồn cung vật chất, trong khi các nhà rang xay dường như đã có đủ nguyên liệu dẫn đến thị trường không có áp lực mua vào.
“Thị trường đang trong trạng thái khá yên ắng. Người mua không muốn mua vì sợ giá sẽ xuống sâu hơn sẽ bị thiệt hại, còn người bán lại đang lỗ quá nhiều. Hơn nữa, nguồn cung tại các nước nhập khẩu cà phê hiện cũng đang rất dồi dào” - ông Jack Scoville, Phó Chủ tịch tập đoàn Price Futures Group (Mỹ) nhận định.
Nông dân Gia Lai thu hoạch cà phê. Ảnh: Internet
Hồ tiêu giảm giá tới mức lo ngại
Thị trường hồ tiêu đang phải đối mặt với một chu kỳ giảm giá ngày càng lớn, khi Việt Nam - nước chiếm tới một nửa sản lượng hồ tiêu thế giới bắt đầu "bung" hàng ra thị trường.
Trên thị trường hồ tiêu, giá tiêu đen giao ngay trên sàn Kochi (Ấn Độ) tiếp tục giảm sâu trong phiên 24.4 vì các kho trữ và doanh nghiệp bán lẻ giảm mua trong khi nhu cầu tiêu thụ của nước ngoài cũng suy yếu. Giá tiêu đen chốt phiên hôm qua theo đó giảm 5 rupee xuống còn 610 – 680 rupee/kg.
Trước những thông tin đó, giá thu mua hồ tiêu tại phần lớn các vựa tiêu chủ chốt ở Việt Nam đều giảm thêm 2.000 – 3.000 đồng xuống còn 94.000 – 95.000 đồng/kg trong sáng 25.4. Riêng giá hồ tiêu tại Đồng Nai lại tăng 2.000 đồng lên 97.000 đồng/kg.
Mức giá này đã giảm khoảng 40 - 50% so với mức giá "đỉnh cao" mà hồ tiêu Việt Nam lập được từ cách đây 2 năm. Đối với loại tiêu đen đạt chuẩn chất lượng FAQ, giá hiện tại chỉ vào khoảng 4.800 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 8.000 – 9.000 USD/tấn của năm 2015.
Bảng giá mua bán hồ tiêu tại một số địa phương trên cả nước. Nguồn: tintaynguyen.vn
Mặc dù các thương nhân thế giới cũng như các quốc gia trồng nhiều hồ tiêu đều nghe ngóng tình hình hồ tiêu của Việt Nam, nhưng thực tế các thương nhân Ấn Độ mới là người điều khiển giá hồ tiêu thế giới. Sàn giao dịch kỳ hạn thế giới Kochi đóng trên đất Ấn cũng là một lợi thế của họ.
Một thông tin đáng chú ý đối với ngành hồ tiêu Việt Nam là mới đây, nông dân và giới thương lái Ấn Độ đã kêu gọi Chính phủ của họ áp giá sàn nhập khẩu đối với mặt hàng này của Việt Nam với mức 6.000 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Thương mại Tiêu và Gia vi Ấn Độ (IPSTA), người trồng tiêu và giới thương lái Ấn Độ đang rất lo ngại về khả năng tiêu đen Việt Nam khi nhập khẩu vào nước này có thể bị khai man hoặc không có hóa đơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng mà giá trong nước vẫn ở mức cao. Việc nhập khống và nhập lậu có thể ảnh hưởng rất lớn đến người trồng tiêu Ấn Độ vốn đang thất thu trong vụ mùa trước vì thời tiết bất lợi.
Giá hồ tiêu nguyên liệu trong nước đang giảm mạnh trước thông tin giới thương lái Ấn Độ kêu gọi Chính phủ nước này áp giá sàn với mặt hàng tiêu của Việt Nam. Ảnh minh họa
“Sản lượng tiêu của Việt Nam trong năm 2017 ước đạt 200.000 tấn và các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán với mức giá khá thấp, dù họ không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào trên thị trường thế giới vào thời điểm hiện tại” - ông Kishor Shamji, Chủ tịch IPSTA nói.
Vì thuế nhập khẩu tiêu Việt Nam đã tăng lên 54% nên rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ đang cố tìm cách mang mặt hàng này về nước. “Lợi dụng thời điểm giá tiêu nội địa tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu Ấn Độ đã chấp nhận khai man hóa đơn mua hàng, gây tổn thất lớn cho doanh thu của chính phủ cũng như lợi ích của người trồng tiêu trong nước” - IPSTA viết trong đơn kiến nghị.
Ngoài ra, ông Shamji cho hay tiêu Việt Nam cũng có thể thâm nhập vào thị trường Ấn Độ thông qua Sri Lanka.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.