Nông dân Tây Nguyên làm cỏ trong vườn cà phê. Ảnh: Internet
Giá cà phê thiết lập "đáy" mới
Trên thị trường cà phê, giá cà phê robusta phiên 25.4 tiếp tục giảm xuống đáy mới trong khi giá cà phê arabica nhanh chóng thoát khỏi làn sóng bán tháo.
Cụ thể, giá robusta kỳ hạn giao dịch trên sàn ICE London giảm 20 – 22 USD/tấn, trong đó giá giao tháng 5.2017 về ngưỡng 1.800 USD/tấn vì áp lực bán thanh lý trên thị trường. Như vậy, robusta đã lao dốc trong 5 phiên liên tiếp với giá giao tháng 7 giảm tới 12,5%. Đây cũng là đợt giảm mạnh nhất của robusta kể từ năm 2011. Ngược lại trên sàn ICE New York, giá arabica bất ngờ tăng nhẹ khoảng 0,3 – 0,4% trong phiên hôm qua sau 4 phiên lao dốc liên tiếp xuống đáy 10 tháng rưỡi.
Xu hướng giảm giá của thế giới đã làm giá cà phê Tây Nguyên bị điều chỉnh giảm thêm 400 đồng trong sáng 26.4, theo đó giá giao dịch dao động trong khoảng 41.600 – 42.200 đồng/kg. Giá cà phê FOB giao tại cảng TP.Hồ Chí Minh cũng giảm còn 1.816 USD/tấn, với mức trừ lùi 100 USD cho mỗi tấn.
Các thương nhân dự đoán xuất khẩu cà phê của Việt Nam tháng 4.2017 sẽ giảm xuống mức 100.000 – 130.000 tấn. Thị trường cà phê Việt Nam giao dịch khá trầm lắng vì nguồn cung đang dần cạn kiệt. Nhu cầu tiêu thụ cà phê Việt Nam cũng khá yếu bởi thị trường thế giới đang hướng vào nơi có nguồn cung dồi dào hơn là Indonesia và Brazil.
Giá cà phê Tây Nguyên tham khảo ngày 26.4. Nguồn: giacaphe.com
Giới giao dịch cho hay, các quỹ đầu tư tiếp tục thanh lý các vị thế dài hạn đối với cà phê khi các chỉ số kỹ thuật ngày càng cho thấy xu hướng giảm. “Các chỉ số đều cho thấy triển vọng bi quan của thị trường cà phê sau khi giá xuống dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày giao dịch gần nhất” - chuyên gia phân tích Geordie Wilkes của Công ty tài chính Sucden Financial cho biết.
Tập đoàn giao dịch cà phê I&M Smith (Nam Phi) nhận định, thị trường đang “quay lưng” lại với cà phê khi thị trường đánh giá thấp khả năng thâm hụt nguồn cung trong ngắn hạn và trung hạn. Nói cách khác, thị trường hiện không còn rủi ro nào liên quan đến việc nguồn cung bị thắt chặt trong thời gian tới.
Trên thị trường nguồn cung vật chất, nhiều tín hiệu cho thấy Honduras sẽ bội thu vụ cà phê năm nay, trong khi hoạt đông sản xuất cà phê tại Brazil cũng dần sôi động trở lại. Tương tự, theo Hiệp hội cà phê nhân của Mỹ (GCA), lượng cà phê lưu kho của nước này trong tháng 3.2017 lên mức cao nhất kể từ năm 2001 và đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp. Đến cuối tháng 3.2017, tồn trữ cà phê tại đây tăng 279.093 bao lên 6,7 triệu bao.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), ước tính sản lượng toàn cầu niên vụ 2016/17 sẽ tăng lên 151,6 triệu bao, tăng năm thứ 2 liên tiếp. “Chính điều này đã khiến giới đầu cơ và các quỹ bi quan về giá cà phê, từ đó kích hoạt làn sóng bán tháo mạnh trên cả hai sàn” - I&M Smith cho biết. Đối với arabica, áp lực bán tháo dịu bớt khi thị trường bước vào đợt điều chỉnh giá sau đợt giảm hơn 9% trước đó.
“Thời kỳ tăng giá của robusta có thể đã kết thúc. Giá cà phê giảm vì cả yếu tố cơ bản trên thị trường và yếu tố kỹ thuật. Dự trữ cà phê của các doanh nghiệp tại Việt Nam và Indonesia hiện còn rất nhiều” - ông Carlos Mera Arzeno, chuyên gia phân tích hàng hóa tại ngân hàng Rabobank nhận định.
Giá hồ tiêu có nơi chỉ đạt 92.000 đồng/kg
Ngày hôm qua, giá hồ tiêu Việt Nam tiếp tục giảm thêm 1.000 - 2.000 đồng/kg, về giao dịch trong khoảng 92.000 - 95.000 đồng/kg trong sáng ngày 26.4. Cụ thể, giá hồ tiêu tại Ea H'leo (Đăk Lăk) và Chư Sê (Gia Lai) chỉ còn 92.000 đồng/kg; tại Đăk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng ở mức 93.000 đồng/kg. Hôm 25.4, giá hồ tiêu tại Đồng Nai còn ở mức 97.000 đồng/kg thì hôm qua đã giảm xuống còn 95.000 đồng/kg.
Tại Việt Nam, thị trường tiêu không sôi động mặc dù vụ thu hoạch gần như đã hoàn tất. Giá hạt tiêu xuất khẩu tại Tp.HCM cũng giảm xuống do nhu cầu ở nước ngoài hạn chế.
Bảng giá hồ tiêu tham khảo tại một số vùng nguyên liệu trong nước. Nguồn: tintaynguyen
Giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ cũng giảm 600 rupee xuống chốt phiên hôm qua ở 56.100 rupee/tạ (đối với hàng chưa chọn lọc) và 59.100 rupee/tạ (đối với hàng đã chọn lọc). Giá xuất khẩu tiêu của Ấn Độ hiện là 9.225 USD/tấn khi xuất sang châu Âu và 9.475 USD/tấn khi xuất sang Mỹ.
Nông dân huyện Cư Jút (Đăk Nông) kiểm tra vườn hồ tiêu. Ảnh: SGGP
Theo thông tin từ Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 3.2017 ước đạt 27 nghìn tấn, với giá trị đạt 164 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 49 nghìn tấn và 317 triệu USD, tăng 12,9% về khối lượng nhưng giảm 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2017 đạt 6.924 USD/tấn, giảm 22,2% so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017 là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Đức và Ấn Độ với 38% thị phần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.