Nơi thủy quân của nhà Lý luyện tập ngày đêm để đánh tan quân xâm lược nhà Tống là ở sông Hồng
Vùng đất bãi sông Hồng này là nơi diễn tập của thủy quân nhà Lý, đánh tan hàng chục vạn quân nhà Tống
Bình Minh - Quang Minh
Thứ hai, ngày 20/12/2021 06:15 AM (GMT+7)
Xã Hồng Vân, huyện Thường Tín là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng, thuộc vùng ven đô Hà Nội. Làng Xâm Xuyên được xem là nơi hành trú của thủy quân nhà Lý, dưới tài ba chỉ huy của Lý Thường Kiệt, Linh Lang Đại Vương, hàng chục vạn quân xâm lược nhà Tống đã bị đánh bại...
CLIP: Giới thiệu về đình Xâm Xuyên và đình Xâm Thị, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Làng Xâm Xuyên được xem là nơi hành trú của thủy quân nhà Lý đánh tan hàng chục vạn quân xâm lược nhà Tống. Thực hiện: Bình Minh
Xã Hồng Vân còn được biết đến khi có 16 di tích, công trình tín ngưỡng, trong đó, đình làng Xâm Xuyên được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và đình, đền Xâm Thị được xếp hạng di tích cấp thành phố.
Đình Xâm Xuyên - nơi ghi dấu cuộc chiến đánh tan hàng chục vạn quân Tống
Giới thiệu với chúng tôi về lịch sử của đình Xâm Xuyên, ông Nguyễn Ngọc Thực (người trông coi đình) cho biết, theo thần phả của làng thì đình làng thờ Đức Linh Lang Đại Vương-con trai vua Lý Thánh Tông, ngài đã cùng Lý Thường Kiệt đánh tan mấy chục vạn quân xâm lược nhà Tống.
Làng Xâm Xuyên là nơi lực lượng thủy quân của nhà Lý lưu trú, luyện tập đến nay vẫn còn các điền tích lưu lại như: Cánh đồng lạch hành là nơi hành trú của thủy quân, cánh đồng dải cờ tương truyền là nơi cắm cờ, cánh đồng tháp bút là nơi Linh Lang đã đứng coi thủy quân luyện tập, miếu cây đa và miếu thần súng là nơi thờ thần vũ khí, đền lộ thiên có từ thời Lý.
Đình Xâm Xuyên được xây dựng trên thế đất rất đẹp, cao ráo và quang đãng. Trước cửa đình là một cái hồ rộng lớn, thường thả sen mùa hè hương thơm ngào ngạt.
Cửa đình có một cái giếng trong mát, có hai dãy cây lưu niên trồng lâu năm, thôn xóm bao bọc phía sau và bên tả của Đình. Bên hữu và phía trước Đình là không gian rộng mênh mông, nhìn thấy đê sông Hồng chạy dài, uốn quanh những làng mạc phía trước.
Đình Xâm Xuyên do dân làng đứng ra xây dựng, hiện tại công trình kiến trúc thuộc thời Nguyễn. Đình có quy mô to lớn kiểu chữ Nhị bao gồm tòa đại bái, thiệu hương, hâu cung và hai bên tả hữu mạc.
Theo trình tự hệ thống từ ngoài vào, sau giếng đình ở phía trước của đình có hệ thống tường xây công phu, cuốn cổng phụ đắp vẽ và xoi kẻ phủ đầy rêu phong của thời gian. Trên bức tường đó nổi bật cao vút là hai cột trụ vuông vức, đắm nổi hình hoa lá và rồng phượng. Giữa hai cột đó là lối chính diện vào Đình.
Ông Thực cho biết, đình làng Xâm Xuyên là tên thường gọi trong nhân dân, tên ngôi đình là tên của làng. Từ thời Hậu Lê về trước, làng Xâm Xuyên có tên gọi là Liễu Xuyên, cuối thời Lê mới đổi thành Xâm Xuyên.
Theo truyền thuyết, đình Xâm Xuyên cổ xưa chỉ là một miếu nhỏ, thờ lộ thiên. Làng cách sông Hồng chỉ vài trăm mét. Khúc sông này xưa kia là bên lở. Dăm bảy chục năm sau khi xây dựng lại, đình được chuyển vào trong làng. Đình làng cổ được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XI thời nhà Lý.
Qua sân gạch rộng là tới tòa đại bái của đình. Tòa đại bái đình Xâm Xuyên có quy mô khá to lớn với chiều dài 19,5m; chiều rộng 7,9m. Đại bái gồm 5 gian 2 dĩ. Gỗ xây đại bái đều là gỗ tứ thiết đinh, lim, sến, táu, 24 cột gỗ lim có chu vi trung bình là 1,3m.
Riêng hàng cột bên tả và hữu sát đầu đốc đình có ngắn và nhỏ hơn, phải xây tôn lên hơn 1m điều đó chứng tỏ đình đã trải qua nhiều lần trùng tu. Các vì kèo kết cấu theo lối chồng rường, một lối kiến trúc phổ biến của thời Nguyễn.
Trong Đại bái có 8 bức cuốn, 4 đầu dư đều chạm trổ rất công phu. 4 bức cuốn chính ở gian giữa, nghệ nhân xưa đã xử dụng đề tài tứ linh: long, ly, quy, phượng để điêu khắc, chạm trổ.
Ở những bức cuốn này trình độ nghệ thuật, sự tính toán cân đối hài hòa, sự bố cục khéo léo được thể hiện trên những nét đục chạm mô tả 4 con vật thiêng (theo quan điểm nho giáo) nhưng không bức nào trùng lặp nhau.
Tất cả những bức này đều được chạm lông, chạm bóng rất tinh xảo, nhất là 4 đầu dư. Có thể nói đây là một sự tập trung công sức tài hoa và trí tuệ rất công phu. Ở các chi tiết kiến trúc khác như: Xà nách, kẻ, bẩy, người xem đều bắt gặp những họa tiết trang trí Rồng phượng hoặc lá Ngô đồng mềm mại tạo cho nội thất công trình vẻ nguy nga, lộng lẫy.
Sau tòa đại bái là tòa hậu cung. Hậu cung đình Xâm Xuyên dài 8m50 rộng 4m80 bao gồm 3 giam tập trung cho việc thờ tự, làm lễ.
Nghệ thuật kiến trúc thiên về bền chắc, bào trơn. Trên lợp ngói ri cổ để tạo ra không khí trang nghiêm. Trong hậu cung ở giữa làm sàn, trên đóng trần sơn son vẽ rồng mây và chính giữa có đặt khán thờ, bài vị, hương hoa cùng hoành phi câu đối ca ngợi chiến công của đức Linh Lang Đại Vương-con trai vua Lý Thánh Tông.
Hai gian bên là ban thờ nhỏ thờ thần thổ địa và để những đồ thờ, những vật của đình trong những ngày lễ hội dùng đến. Chính 2 gian này, xưa kia lợi dụng chốn thâm nghiêm, kín đáo, cán bộ, du kích đã dùng hoạt động, làm cơ sở hội họp nhiều khi địch đi qua mà không ngờ tới.
Độc đáo lễ hội Đình - Đền Xâm Thị
Theo thần phả đình Xâm Thị do Đại các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn năm 1572 và Lễ Bộ Thượng thư Tuấn Doãn biên soạn lại năm 1626 thì đình Xâm Thị thờ Nhị Vị Đại Vương: Nhập Nội Cảm Ứng Kiến Quốc Hưng Cơ Đại Vương và Linh Quốc Hiển Ứng Đại Vương.
Đây là các vị đại vương vốn là tiên thánh được giáng thế, giúp vua Hùng đánh đuổi quân Thục. Sau khi thắng trận, hai ngài đã hóa tại vùng đất Xâm Thị để trở về thủy cung.
Đình Xâm Thị đã được 17 đạo sắc phong, ban mỹ tự của các triều đại kể từ thời Trần Nhân Tông đến nay. Thân thế và sự nghiệp cụ thể của nhị vị đại vương này vẫn được lưu giữ ở ngôi đình này.
Theo các tài liệu cổ thì vùng đất Xâm Thị hiện nay thuộc Tổng Xâm Thị (nếu gọi đúng thì là tổng Thâm Thị), phủ Thượng Phúc, thành Đông Quan ngày xưa.
Thời đó Tổng Xâm Thị có 6 làng. Trong đó làng Xâm Thị nằm ở trung tâm; phía đông là làng Xâm Khố (nay thuộc đất Hưng Yên ở bên kia sông Hồng, phía bắc là Xâm Dương, phía tây là Xâm Động, phía nam là Xâm Hồ và Xâm Xuyên.
Theo ông Phạm Văn Trường (người trông coi đình Xâm Thị), tương truyền thì Xâm Dương là nơi đóng quân thủy của vua Trần Nhân Tông, làng Xâm Khố là nơi có kho muối, kho lương của Ngài.
Có lẽ vì vậy, làng này có tên là Xâm Khố bởi Khố trong âm Hán Việt có nghĩa là kho. Đình Xâm Thị thuộc làng Xâm Thị là nơi Ngài đến cầu đảo trước khi xuất binh chống giặc. Đền Xâm Thị là nơi Ngài và quần thần ghé thuyền lên đình Xâm Thị để cầu đảo.
Ông Trường chia sẻ: Lễ hội Đình - Đền Xâm Thị tuy kéo dài 10 ngày, từ mùng 1 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhưng được tập trung vào 4 ngày chính, đó là: ngày mùng 1 rước kiệu từ Đình ra Đền. Ngày mùng 5 tiến hành lễ cấp nước và rước nước trên sông Hồng, ngày mùng 7 ngày tế chính; ngày mùng 10 rước kiệu về Đình. Còn các ngày khác trong lễ hội là ngày để bà con có thời gian lễ Đình, lễ Đền để cầu phúc, tài, lộc cho cá nhân.
Lễ hội Đình-Đền Xâm Thị được phục dựng lần đầu năm 1987, đến năm 1992 trở lại đây mới được hoàn thiện theo lối xưa.
Đây là một lễ hội đặc trưng của vùng sông nước với tục thờ Mẫu Thoải. Nhưng nét đặc sắc ở đây là sự phối hội, phối lễ giữa Đình thờ thành hoàng với Đền thờ Mẫu Thoải. Đây là một nét riêng của vùng đất này mà không đâu có. Lễ hội được phục dựng theo lối cổ trang nghiêm, sống động, hoành tráng và là dịp thỏa nguyện tâm linh của dân chúng quanh vùng.
Theo các nhà nghiên cứu về văn hóa và tâm linh thì Lễ hội Đình - Đền Xâm Thị là một lễ hội đặc sắc mang nét đặc trưng của riêng vùng miền.
Đây là một nghi thức lễ hội được phục dựng theo lối cổ từ xa xưa, ít nơi nào còn giữ được. Một lễ hội mang mầu sắc tâm linh vừa để tạ ơn Mẫu, tạ ơn thành hoàng làng vừa để cầu mưa thuận gió hòa, vừa cầu phúc lộc cho bà con dân làng và khách thập phương. Lễ hội đặc sắc này là một niềm tự hào, vinh dự của những người con Xâm Thị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.