Vương triều Trần là một vương triều có cơ nghiệp lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh, chống ngoại xâm ở nước ta. Cũng như hầu hết các vương triều khác, sự hình thành của nhà Trần luôn gắn liền với những giai thoại mang đậm màu sắc liêu trai. Nhưng có lẽ, đây là triều đại mà truyền thuyết hình thành có nhiều tranh cãi nhất và thú vị nhất.
Kỳ 1: Ngôi huyệt phát tích nhà Trần
Từ thân thế của thầy phong thủy Việt bí ẩn
Vùng đất phát tích nhà Trần thuộc lưu vực sông Phổ Đà (tức sông Luộc) và nằm trên địa phận thôn Lưu Gia (thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay). Tương truyền lúc bấy giờ, hai dòng họ nổi tiếng nhất sinh sống ở đây là họ Lý và họ Tô. Họ Trần mãi sau này mơi đến định cư và kết giao được với họ Tô thông qua đám cưới giữa Trần Lý với người con gái họ Tô. Giai thoại dân gian kể rằng, Trần Lý có một người bạn vốn là một thầy địa lý rất giỏi, được dân chúng gọi là thầy Phùng. Vốn là một người sành sỏi trong nghề, lại thường xuyên đi khắp nơi tìm đất đặt mộ nên thầy Phùng biết ở thôn Lưu Gia này có ngôi huyệt quý.
Đền thờ các vua Trần tại Thái Bình ngày nay.
Địa thế phong thủy này được tác giả Đinh Công Vĩ ghi lại trong cuốn Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam như sau: “Tổ sơn bắt nguồn từ đoạn giao giữa ba ngọn núi chồng lên nhau, lấy Tam Đảo làm gốc rồi cùng với ba ngọn Phù Nghĩa, Thạch Bàn, Thiên Thị chụm lại. Long mạch của nó chạy theo hướng Đông Bắc -Tây Nam, thấp dần rồi chìm qua sông Thiên Đức (tức sông Đuống), đến làng Hà Liễu của châu Đằng (hiện chưa rõ địa điểm này ở đâu) mới đột khởi nổi lên một ngọn núi khác. Rồi từ đấy, long mạch lại chạy tiếp từ làng Nhật Cảo đến làng Thái Đường (xã Thái Đường, huyện Hưng Hà, Thái Bình ngày nay) và kết lại ở gò Sao. Phía trước gò ấy có 3 gò lớn là Tam thai, phía sau có 7 gò nhỏ là Thất tinh, xung quanh có đầm nước bao bọc, khi mặt trời soi tới thì mặt đầm sáng như gương phản chiếu, đối mặt với các cù lao nhỏ hình đẹp như những bông sen đang nở, đấy là một trong 27 kiểu đất hậu sinh phát đế”.
Là người thức thời lại am hiểu lý dịch, thầy Phùng biết vận nhà Trần sắp tới nên nói với Trần Lý biết chuyện này và khuyên Trần Lý nên dời mả tổ về chôn tại đây. Vào một ngày lập thu, Trần Lý dời mộ tổ từ Tức Mặc (Nam Định) về táng tại gò Sao, công việc hoàn tất đúng chính giờ Hợi (tức 22h đêm). Xong xuôi, trên mộ được san phẳng y như cũ để không lộ ra dấu vết. Những người tham gia cải táng đêm hôm đó tất cả là người họ Trần. Người ngoại tộc duy nhất có mặt đêm đó là thầy Phùng nên chỉ mình thầy biết chuyện. Tương truyền, thầy Phùng khi biết vận nhà Trần sắp tới bèn kể câu chuyện với con trai mình tên là Phùng Tá Chu để biết liệu thời thế. Quả nhiên sau này, Phùng Tá Chu đã giúp sức đưa Trần Cảnh (cháu nội Trần Lý) lên ngôi và lập nên nhà Trần từ đó.
Phùng Tá Chu vốn là một nhân vật lịch sử có thật, quê ở Phụng Thiên (nay là làng Quảng Bá, quận Tây Hồ, Hà Nội). Ông là quan Thái phó vào cuối đời Lý. Sau ông giúp nhà Trần lấy được ngôi (chuyện này được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại), và được nhà Trần trọng dụng phong làm Hưng Nhân vương và được liệt vào các đệ nhất công thần lập quốc. Được biết, cha Phùng Tá Chu là một vị cư sĩ nổi tiếng tên Phùng Tá Thang, gốc người Lý Nhân (Hà Nam ngày nay) sau dời sang làng Mỹ Xá (nay thuộc xã Phú Sơn, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Đối chiếu giữa giai thoại và cứ liệu lịch sử thì thầy Phùng nổi tiếng nói trên rất có thể tên là Phùng Tá Thang. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư chỉ chép rằng, Phùng Tá Thang được nhà Trần phong chức Tả Nhai, là phẩm cao nhất của những người theo đạo Phật lúc bấy giờ chứ không thấy đề cập tới những sự kiện được giai thoại dân gian kể lại.
Giữa thầy phong thủy Tàu và thầy phong thủy Việt, ai mới là “chân nhân”? (ảnh minh họa)
Đến câu chuyện thầy Tàu đặt đất
Bên cạnh truyền thuyết về thầy phong thủy Việt tìm được ngôi huyệt phát kết, trong dân gian còn lưu truyền một thuyết khác về thầy địa lý Tàu. Câu chuyện này được chép khá rõ trong sách Công dư tiệp ký tiền biên của cụ Vũ Phương Đề. Chuyện kể rằng, ông tổ họ Trần là Trần Kinh đến hương Tức Mặc (Nam Định ngày nay) rất thạo sông nước, sống bằng nghề chài lưới. Sau cụ lấy người con gái ở hương ấy, sinh ra Trần Hấp. Bấy giờ có một thầy địa lý Trung Quốc sang nước ta xem đất. Cứ xét theo long mạch thì thấy hướng long mạch chạy từ núi Tam Đảo đi xuống, qua Thăng Long rồi qua các xã Kệ Châu và Cao Xá (thuộc huyện Kim Động, Hưng Yên) thì thấy có nhiều đống đất hoàn tụ. Thầy Tàu bèn cười nói rằng: Đây là chỗ đóng quân và nấu cơm, huyệt phát kết chắc cũng ở gần đây. Nói rồi tiếp tục đi theo tiếp đến gần huyện Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, Thái Bình) thì không thấy vết tích đâu nữa. Ngắm nghía hồi lâu, thầy Tàu nói: “Nước sông chảy mạnh, không lẽ huyệt lại ẩn tàng dưới đáy sông”.
Nói xong bèn vượt qua sông, tìm đến chỗ phát tích tại xã Nhật Cảo và chỗ kết cục tại xã Thái Đường mới hạ la bàn để xem xét và cứ say mê quanh quẩn mãi ở đấy không đi được. Chợt có Nguyễn Cố - người xã bên đi đến đấy, thấy người lạ tay cầm la bàn cứ quanh quẩn không đi bèn hỏi nguyên do. Thấy vậy, thầy Tàu bèn than thở: “Không ngờ ở nơi bình địa mà lại có đất đế vương. Đáng chê các thầy địa lý thời nay không có nhãn lực”. Nghe vậy thì Nguyễn Cố liền năn nỉ: “Nếu quả là đất quý như vậy thì xin thầy cho tôi. Thầy muốn được tạ lễ bao nhiêu, tôi cũng xin nộp đủ”. Thầy Tàu ra giá 100 quan tiền và đòi chia nửa nước nếu Nguyễn Cố lấy được. Hai bên cùng thỏa thuận rồi đem mộ tổ táng vào huyệt tốt mà người thầy Tàu đã mách.
Thế nhưng, dù đã hứa hẹn như vậy nhưng thầy Tàu lại sợ Nguyễn Cố phản trắc nên dặn: “Táng xong tất có điềm lành. Nhưng trong hạn trăm ngày, thỉnh thoảng phải đến thăm nom. Nếu sau cơn mưa gió, sấm sét, thấy có sự lạ, thì lành ít dữ nhiều, phải táng đi chỗ khác ngay”. Sau khi táng xong mấy ngày, một đêm nọ bỗng có một tiếng sét rất to, làm kinh động nhân dân và súc vật ở vùng ấy. Sáng hôm sau đi xem thì thấy ở các xã Tây Vệ và Thái Đường có nhiều hòn đá nhô lên, gọi là đá tai mèo, mọc khắp vườn tược ao chuôm, nơi nào cũng có. Nguyễn Cố biết là được đất rồi, rất lấy làm mừng rỡ. Thế nhưng, vợ Cố lại bảo rằng: “Ngôi đất ấy dầu cho là phát phúc, nhưng nay làm thế nào lo được 100 quan tiền”. Hai vợ chồng định bụng không tạ lễ cho thầy Tàu nữa nên hẹn người này đến nhà rồi bắt trói lại. Đêm hôm đó, đem vứt thầy Tàu xuống sông cho chết.
May thay, nơi vứt thầy Tàu đó vốn là một bãi phù sa, khi thủy triều rút xuống thì trơ lại một bãi đất khô. Lúc đó, chợt có một chiếc thuyền đánh cá của họ Trần đi ngang qua đấy, nghe có tiếng người hô hoán, vội tới cứu đem lên thuyền, rồi hỏi duyên cớ. Thầy Tàu bèn đem đầu đuôi sự việc này thuật lại cho họ Trần nghe và nói thêm rằng: “Nhờ có ông mà tôi được sống lại. Tôi xin đem ngôi đất quý ấy biếu ông để tạ ơn cứu mạng của ông. Tôi biết vận nhà ông sắp tới, nếu sau này có thành công thì xin đừng quên tôi”. Sau đó, người họ Trần thực hiện kế hoạch của thầy Tàu để chiếm lại ngôi huyệt đế vương đó và thành công. Sau khi táng mả được mấy chục năm, họ Trần quả nhiên lấy được nước và mở ra một vương triều rực rỡ trong lịch sử Việt Nam.
>> Lý giải phong thuỷ đặt ngôi mộ phát vương và những dấu tích còn lại
Chỉ là giai thoại dân gian
Trao đổi thêm về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian cho biết: “Câu chuyện thầy phong thủy tìm được ngôi huyệt phát tích nhà Trần xuất hiện với tư cách như một giai thoại dân gian. Do đó, nó chỉ mang tính tham khảo chứ không phải là một cứ liệu lịch sử. Tuy nhiên, dưới góc độ văn hóa thì chúng ta có thể nhìn nhận được nhiều vấn đề văn hóa hơn là vấn đề lịch sử”.
(Còn nữa)
(Theo LĐ&ĐS)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.