Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: "Chúng tôi được đào tạo làm bác sĩ, điều dưỡng chứ không phải đấu thầu"

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 07/10/2022 13:03 PM (GMT+7)
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM Hoàng Thị Diễm Tuyết thẳng thắn đề cập đến bạo hành y tế, đấu thầu, tự chủ bệnh viện trong buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sáng 7/10.
Bình luận 0
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: "Chúng tôi được đào tạo làm bác sĩ, điều dưỡng chứ không phải đấu thầu" - Ảnh 1.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết đề xuất nên bỏ đấu thầu bệnh viện. Ảnh: B.D

Vì y đức, nhân viên y tế không thể không làm

Bác sĩ Diễm Tuyết cho rằng, điều 37 Luật khám chữa bệnh quy định nhân viên y tế có thể từ chối khi người bệnh có xúc phạm danh dự hoặc người nhà có hành vi xâm hại đến tính mạng sức khỏe người thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên, điều này rất khó và chưa đủ để ngăn chặn bạo hành với nhân viên y tế.

"Dù người ta có làm hại mình nhưng về mặt y đức nếu bệnh nhân đang trong tình trạng cấp cứu, tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa thì không thể nào không làm. Tôi có cảm nhận chưa đủ mức ngăn ngừa được bạo hành y tế đối với nhân viên y tế. Mong có nhiều biện pháp hạn chế tối đa và phòng ngừa tối đa về việc này", bác sĩ Tuyết trăn trở.

Đối với công tác đấu thầu, hiện nay, các bệnh viện đang tốn công sức về việc này quanh năm suốt tháng. Do đó, bác sĩ Tuyết kiến nghị: Nên chăng bỏ đấu thầu của các bệnh viện mà có đơn vị quản lý giá chung cho các bệnh viện toàn quốc.

"Chúng tôi được đào tạo làm bác sĩ, điều dưỡng… chứ không được đào tạo về mặt kinh tế nên vì nhiệm vụ đấu thầu, chúng tôi phải đi học. Thời gian qua có những sai sót, chúng ta mất người tài trong lĩnh vực y tế rất lãng phí. Nên chăng chúng ta nên suy nghĩ điều này để có những đột phá, tiết kiệm thời gian tập trung chuyên môn chăm sóc sức khỏe người dân", bác sĩ Tuyết chia sẻ.

Đối với công tác mua sắm thuốc, bác sĩ Tuyết cho rằng, việc xác định giá không vượt quá trong vòng 12 tháng là bất hợp lý bởi giá có xu hướng ngày càng tăng. Cùng với đó là bất cập về giá thuốc với yêu cầu bệnh viện mua vào bao nhiêu thì bán cho bệnh nhân bằng giá như vậy. Trong khi tất cả các khâu từ chia thuốc từ kho, đóng gói, lưu trữ… hoàn toàn không có chi phí, bệnh viện phải bù lỗ

Tự chủ mới chỉ dừng ở tài chính

Bác sĩ Tuyết cho rằng, cơ chế tự chủ bệnh viện hiện nay mới chỉ dừng ở tự chủ tài chính chứ chưa tự chủ ở các mặt khác. Đối với công tác tổ chức sử dụng, tuyển dụng, đặc biệt cho nghỉ việc rất khó. "Trong quá trình làm việc, có những đối tượng làm không năng suất, không có trách nhiệm nhưng bệnh viện cho nghỉ vô cùng khó khăn", bác sĩ Tuyết nói.

Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương: "Chúng tôi được đào tạo làm bác sĩ, điều dưỡng chứ không phải đấu thầu" - Ảnh 3.

Công tác đấu thầu, trang thiết bị y tế gây rất nhiều khó khăn cho bệnh viện. Ảnh: P.V

Đối với quỹ phát triển sự nghiệp là phần tiền có thể trích ra để phát triển bệnh viện nhưng việc trích quỹ rất khó khăn. Bởi đây được xem như nguồn ngân sách, muốn đầu tư phải xây dựng đề án, phê duyệt. Ví dụ đề án sửa chữa chữa bệnh viện 2 năm nay đến thời điểm này vẫn chưa được UBND TP.HCM ghi vốn của năm 2022.

Về giá dịch vụ của các bệnh viện hiện nay chưa tính đúng, đủ. "Đặc biệt đến năm 2023, Bộ Y tế bắt các bệnh viện hạng 1 phải xây dựng bệnh án điện tử nhưng tiền đâu để đầu tư cho khoản này?", bác sĩ Tuyết đặt câu hỏi. Một số bệnh viện tự chủ có quỹ nhưng cũng bị vướng. Ví dụ đề án xây dựng bệnh án điện tử của Bệnh viện Hùng Vương làm 2 năm nay, giờ được phê duyệt thì cấu hình máy đã lạc hậu, lỗi thời, phải điều chỉnh, xây dựng lại, xin quyết định trở lại. Điều này đã tạo nên vòng luẩn quẩn cho các bệnh viện.

Bà Tuyết cũng kiến nghị cần có quy định cụ thể về mức đầu tư trong xã hội hoá kết hợp công tư để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho các bệnh viện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem