Giám đốc NASA đến Việt Nam xóa tan tin "tận thế"

Thứ ba, ngày 11/12/2012 11:53 AM (GMT+7)
Dân Việt - Trước mối quan tâm của người Việt về tin đồn ngày tận thế (21.12), Giám đốc NASA - ông Bolden cho biết, ông không tin có ngày này và “chúng ta hãy làm việc thông minh hơn vì ngày mai”.
Bình luận 0

Ông Charles F. Bolden - Giám đốc Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Tại buổi giao lưu với học sinh trường PTTH Hà Nội- Amsterdam sáng 11.12, ông Bolden xuất hiện với phong cách dí dỏm và hài hước khiến bài phát biểu của ông về khoa học và vũ trụ trở nên mềm mại và gần gũi với nhiều người.

Ông đã giới thiệu cho các học sinh về những vệ tinh đang tồn tại hiện nay và cơ chế hoạt động của các vệ tinh nhỏ quan sát trái đất. Ông cũng giới thiệu về những công nghệ chinh phục vũ trụ hiện đại nhất và NASA đang có như là tàu vũ trụ CST-100 của Boeing, tàu con thoi của NASA…

img
Ông Bolden đến thăm và nói chuyện với giáo viên, học sinh trường PTTH Hà Nội- Amsterdam. Ảnh Đ.T

Ông nói về những khát vọng của con người chinh phục vũ trụ và từ chính những kinh nghiệm của 4 lần bay vào không gian của bản thân ông. Xen kẽ bài phát biểu, ông Bolden thường đặt những câu hỏi để “thử tài” các em học sinh trường Amsterdam và sự thông minh, am hiểu khoa học của các em đã khiến ông Bolden ngạc nhiên thích thú.

Ông nói, không có điều gì là dễ dàng, tất cả đều do học hành, nghiên cứu mà nên. Chính vì thế, lời khuyên của người đứng đầu NASA đối với lớp trẻ Việt Nam, hãy đầu tư vào việc học, và nghiên cứu để làm thay đổi thế giới bằng chính kiến thức của mình. Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng, công nghệ vũ trụ của Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai gần.

Tại buổi nói chuyện, ông Bolden cũng chia sẻ về công việc mà ông và các cộng sự của NASA đang tiến hành là tìm hiểu về sao Hỏa để xác định có phải sự sống còn tồn tại trên hành tinh hay trong vũ trụ không, hay sự sống có tồn tại trong hệ mặt trời hay không.

img
Lối nói chuyện dí dỏm của ông Bolden đã khiến những câu chuyện về khoa học trở nên gần gũi. Ảnh Đ.T

Trước một số câu hỏi về khát vọng bay vào vũ trụ của các em học sinh, ông Bolden chia sẻ rằng, công việc của một nhà du hành vũ trụ vô cùng khó khăn, bởi họ phải học tất cả mọi điều từ khoa học đến cuộc sống đời thường mới có thể thích nghi được với môi trường trong vũ trụ.

Ông dí dỏm khi “khoe” với các em học sinh những bức hình chụp cảnh ông và các đồng nghiệp trong các lần bay vào không gian khiến các em rất thích thú. Là người da màu đầu tiên làm Tổng giám đốc NASA, ông Bolden cũng chia sẻ câu chuyện của bản thân ông khi phải chịu sự kỳ thị, phân biệt đối xử suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

img
Khi truyền niềm đam mê khoa học cho các em học sinh Việt Nam. Ảnh Đ.T

Chính bởi sự phân biệt đó, mặc dù luôn mơ ước trở thành phi hành gia, lại học rất giỏi nhưng ông Bolden đã không dám nộp hồ sơ dự tuyển vào NASA. Chỉ đến khi một người thầy của đã khuyên ông rằng, đừng tự tước đi cơ hội khi chưa nỗ lực hết sức.

Từ câu chuyện của mình, Charles F. Bolden cho rằng, trong thế giới mở, mọi người ở mọi nơi trên trái đất đều có thể hợp tác với nhau, miễn là có đủ kiến thức, đam mê và sự tự tin. Kết thúc buổi giao lưu, khi một nam học sinh tha thiết hỏi ông rằng, “cháu phải làm gì, để có cuộc sống tốt hơn”?, ông nói: “Cháu hãy làm những gì, tốt nhất mà cháu có thể làm, và cháu cho rằng đó là tốt nhất. Thế giới luôn đón chào và trọng dụng những người có kiến thức và niềm đam mê”.

Kết thúc buổi giao lưu, trước câu hỏi của một nhà báo rằng, ông có tin ngày 21.12 tới đây sẽ là ngày tận thế?, ông Bolden hài hước nói rằng: “Tôi đang ở đây, ở Việt Nam để nói về giấc mơ chinh phục vũ trụ và kế hoạch đưa con người lên sao Hỏa. Nếu tin có ngày tận thế, tôi đã không làm như vậy”.

Theo kế hoạch, chiều nay, đoàn NASA sẽ làm việc với Thủ tướng Chính phủ để bàn về kế hoạch hợp tác phát triển khoa học công nghệ vũ trụ giữa NASA và Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem