Giáo sư Larry Berman: "Tôi nhớ rất rõ cuộc trò chuyện cuối cùng với vị tướng Phạm Xuân Ẩn"

Khánh Yến Thứ tư, ngày 15/12/2021 06:20 AM (GMT+7)
"Ở trên giường, ông Phạm Xuân Ẩn rất ốm yếu, hơi thở khó nhọc. Tôi vô cùng buồn khi chứng kiến những gì trước mắt và hoàn toàn không biết mình phải nói gì" - Giáo sư Larry Berman chia sẻ với PV Dân Việt.
Bình luận 0

Mới đây, giáo sư người Mỹ Larry Berman đưa ra thông báo về việc ông sẽ hợp tác với đạo diễn Charlie Nguyễn và hãng BHD trong dự án điện ảnh về chiến sĩ tình báo Phạm Xuân Ẩn. Nội dung phim được chuyển thể từ cuốn sách "X6 - Điệp viên hoàn hảo" do Berman chắp bút. Đây sẽ là bộ phim điện ảnh đầu tiên về huyền thoại tình báo Việt Nam được sản xuất kể từ khi ông qua đời năm 2006.

Giáo sư Larry Berman: "Tôi nhớ rất rõ cuộc trò chuyện cuối cùng với vị tướng Phạm Xuân Ẩn" - Ảnh 1.

Tác giả Larry Berman (phải) bên nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: Facebook Larry Berman

PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với giáo sư người Mỹ Larry Berman về thông tin này:

Thưa ông Larry Berman, cảm xúc của ông như thế nào khi câu chuyện cuộc đời của vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn sẽ được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh?

- Tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Có thể coi đây là một giấc mơ được trở thành sự thật. Tôi cũng đặc biệt phấn khích khi đạo diễn Charlie Nguyễn, người được giới phê bình công nhận, sẽ đạo diễn bộ phim này. Charlie và tôi chia sẻ tầm nhìn về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, cũng bởi vậy tôi tin anh ấy sẽ tìm được cách hiệu quả nhất để tái hiện câu chuyện trên màn ảnh.

Cái nhìn chung về cuộc đời vị tướng Phạm Xuân Ẩn ở đây, cụ thể là điều gì, thưa ông?

- Đó là cách nhìn nhận về nhiều sự kiện khác nhau trong cuộc đời đáng chú ý của vị tướng Phạm Xuân Ẩn. Ông Phạm Xuân Ẩn sống ở Mỹ trong khi làm nhiệm vụ tình báo, làm việc cho nhiều hãng thông tấn của Mỹ và có những tình bạn bền vững trong suốt cuộc đời. Ông Ẩn luôn mơ ước hai nước Việt Nam và Mỹ có thể làm bạn. Ngày hôm nay, chúng ta đang được sống trong giấc mơ ấy.

Có thể nói, vị tướng Phạm Xuân Ẩn là một người hiếm có. Lòng trung thành của ông luôn dành cho đất nước Việt Nam cũng như các sứ mệnh của mình, còn cuộc đời của ông đã nói lên phần còn lại của câu chuyện.

Điều gì khiến ông cảm phục nhất ở vị tướng Phạm Xuân Ẩn sau khi tiếp xúc và hoàn thành cuốn "X6 – Điệp viên hoàn hảo"?

- Đó chính là lòng nhân văn của ông ấy.

Có một điều đáng tiếc là dường như ông Phạm Xuân Ẩn chưa kịp đọc bản thảo cuốn "X6 – Điệp viên hoàn hảo" trước khi tạ thế?

- Ông đã qua đời trước khi đọc bất cứ dòng chữ nào trong cuốn sách. Ông ấy cho rằng, không nên đọc tác phẩm trước khi nó hoàn thành, bởi điều đó có thể làm ảnh hưởng tới câu từ của tôi. Ông ấy tôn trọng vai trò của tôi với tư cách là một nhà sử học.

Giáo sư Larry Berman: "Tôi nhớ rất rõ cuộc trò chuyện cuối cùng với vị tướng Phạm Xuân Ẩn" - Ảnh 2.

Cuốn sách "X6 - Điệp viên hoàn hảo" do Larry Berman chắp bút. Ảnh: TP)

Ông từng kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Phạm Xuân Ẩn trên báo chí, nhưng chưa kể về cuộc gặp gỡ cuối cùng. Đó là khi nào?

- Tôi đã viết về cuộc gặp gỡ cuối cùng trong phần Lời nói đầu của bản dịch tiếng Việt mới của cuốn "X6 – Điệp viên hoàn hảo". Ở đó, bạn sẽ có thể có cái nhìn bao quát hơn những gì tôi viết ra ở đây.

Khi cho phép tôi viết hồi ký về cuộc đời mình, vị tướng Phạm Xuân Ẩn đang ở giai đoạn cuối của cuộc đời. Các cuộc trò chuyện đầu tiên của chúng tôi bắt đầu tại quán cà phê Givral – nơi các nhà báo và chính trị gia từng tới để tìm thông tin hoặc đưa ra những tin đồn mới trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Hầu như mọi người đều gọi ông Phạm Xuân Ẩn là tướng Givral – tại đó, ông tổ chức một "bàn tròn" riêng của chính mình.

Khi ông Phạm Xuân Ẩn trở nên ốm yếu hơn, chúng tôi bắt đầu gặp nhau tại nhà riêng. Cuộc trò chuyện hằng ngày của chúng tôi kéo dài nhiều giờ mỗi ngày và diễn ra trong nhiều tháng. Ông ấy đã chia sẻ với tôi nhiều hình ảnh, tài liệu, thư từ và câu chuyện. Chúng tôi chỉ kết thúc cuộc trò chuyện khi ông Ẩn không còn sức để tiếp tục. Ông ấy cũng giới thiệu tôi với các thành viên trong mạng lưới H-63 của ông và tôi đã dành thêm thời gian để trò chuyện với họ.

Tôi nhớ rất rõ cuộc trò chuyện cuối cùng của tôi với ông Phạm Xuân Ẩn. Tôi đến nhà ông ấy và lần đầu tiên sau rất nhiều năm được gặp ông trong phòng ngủ. Phạm Xuân Hoàng Ân, con trai cả của ông Ẩn dẫn tôi lên lầu, ở trên giường, ông Ẩn vô cùng ốm yếu, hơi thở khó nhọc. Tôi vô cùng buồn khi chứng kiến những gì trước mắt và hoàn toàn không biết mình phải nói gì hay làm gì. 

Khẽ vẫy cánh tay, ông Phạm Xuân Ẩn ra hiệu cho tôi đến bên cạnh để tôi có thể nghe thấy những gì ông ấy nói: "Tôi sắp chết. Đây có lẽ sẽ là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa chúng ta. Chẳng bao lâu nữa, tôi sẽ gặp người cai quản địa ngục".

Tôi đã cố gắng trấn an ông ấy rằng, bệnh tật sẽ qua đi, nhưng bạn biết đấy, bệnh nhân luôn biết rõ hơn. Ông ấy nhờ tôi gửi lời chào tới những người bạn Mỹ của ông và một lần nữa hỏi tôi có nghe tin từ Beverly Deepe, một trong số ít những người bạn cũ đã không thể tha thứ cho ông khi thực hiện sứ mệnh của mình. 

Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông ấy vẫn không thể giải thích được tại sao khi Hoa Kỳ và Việt Nam có thể hòa giải, Deepe lại không thể tha thứ cho ông về bất cứ sự lừa dối nào mà có lẽ bà cho rằng ông ấy đã gây ra.

Các ghi chép cũng giúp tôi nhớ lại rằng, ông ấy đã yêu cầu tôi nói với bạn bè của ông ấy ở Hoa Kỳ việc ông ấy mong muốn gặp lại họ, nếu có kiếp sau, khi ông ấy trở lại cuộc đời như một con chim én. Sau đó, ông Ẩn thì thầm vào tai tôi một điều mà tôi không bao giờ quên và không bao giờ nhắc đến cho đến bây giờ: "Có một số người bạn của ông mà ông không thể thực sự tin tưởng. Hãy nhớ điều này khi ông viết cuốn sách của mình". 

Tôi bình tĩnh hỏi ông Ẩn rằng, lời cảnh báo này có ý nghĩa gì và ông ta đang ám chỉ những người nào? Sau đó, ông ấy đưa ra cho tôi hai cái tên và nói: "Có một số người sẽ không hài lòng với những gì tôi đã nói với ông, nhưng đừng vì họ mà thay đổi câu chuyện của tôi. Hãy chắc chắn rằng, ông nói ra sự thật".

Sau đó, ông Phạm Xuân Ẩn lại yêu cầu tôi gửi lời chào đến những người bạn Mỹ của ông ấy, trong đó có Germaine Loc Swanson. Câu chuyện diễn ra được vài phút, vị tướng dừng lại đột ngột và nói: "Tôi yếu quá. Chúc ông có một chuyến bay về an toàn, tạm biệt!". Đó là lần cuối cùng tôi gặp người bạn lớn của tôi - ông Phạm Xuân Ẩn.

Nhiều cuốn sách rất hay nhưng lại không thành công khi chuyển thể lên phim. Ông có gặp phải lo lắng này?

- Không, tôi không có thói quen lo lắng về những điều tôi không thể kiểm soát.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Phạm Xuân Ẩn (1927-2006) tên thật là Phạm Văn Thành. Trong chiến tranh, ông hoạt động tình báo dưới các bí danh X6, Trần Văn Trung hoặc Hai Trung. Ngày 15/1/1976, Phạm Xuân Ẩn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cuộc đời thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã trở thành chất liệu cho nhiều tác phẩm văn học và truyền hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem