Giao thoa nghệ thuật đa sắc màu

Thứ ba, ngày 23/10/2012 14:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - 68 nghệ sĩ đang tụ hội sáng tác dưới mái nhà sàn tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, Hòa Bình. Mỗi tác phẩm ở đây đã có sự giao thoa, kết nối nghệ thuật đương đại với văn hóa địa phương đầy màu sắc và ấn tượng.
Bình luận 0

Sự kiện nghệ thuật quốc tế Đất Mường 2 và Asia Art Link 4 với tên gọi “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” đang diễn ra từ ngày 17 đến ngày 25.10 ở Hòa Bình. Đây là lần thứ 3 sự kiện nghệ thuật này của nhóm nghệ sĩ Asia Art Link được tổ chức và quy tụ 68 nghệ sĩ đến từ 15 nước và vùng lãnh thổ.

img
Họa sĩ Trần Châu với tác phẩm trang phục người Mường.

Giữa lưng chừng đồi với những ngôi nhà sàn lẩn khuất trong tán cây của núi rừng Hòa Bình, các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế đã cùng nhau lao động nghệ thuật trong khuôn viên Bảo tàng Không gian văn hóa Mường. Tại đây, các nghệ sĩ được sáng tạo trong không gian đậm “chất Mường”, được ăn những món ăn của người dân bản địa, đó sẽ là những trải nghiệm quý giá và khó quên.

Trong sự nhộn nhịp và sôi động của trại sáng tác, họa sĩ Geogre Burchett (Australia) chia sẻ, đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam. “Trước khi đến đây, tôi chưa có bất cứ ý tưởng nào, nhưng bây giờ tôi thấy cảnh quan môi trường quá tuyệt vời, đặc biệt là guồng nước bằng gỗ của người Mường, đã khiến tôi cứ đứng nhìn ngắm mãi không chán. Chính vì thế tôi đã nảy sinh ý tưởng và quyết định chọn thiên nhiên, môi trường, con người ở đây làm chủ đề trong tác phẩm của mình”.

Sự giao thoa nghệ thuật của các nghệ sĩ đến từ các nước đang được diễn ra đa sắc màu và dường như đã xóa bỏ được khoảng cách địa lý và những nền văn hóa xa xôi. Chính không gian và những người dân ở đây đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ một cách trực tiếp. Họa sĩ Trần Châu đến từ TP. HCM, người đã hơn 50 năm theo đuổi hội họa cho hay: “Lần đầu tiên lên đây, thấy trang phục của người phụ nữ Mường rất đẹp, kín đáo nhưng lại quyến rũ và dễ thương, từ đó tôi nảy ra ý tưởng vẽ trang phục của họ. Trong tác phẩm của tôi, tôi vẽ 2 người đàn bà, một già một trẻ, dù ở tuổi nào thì trang phục phụ nữ Mường vẫn luôn đẹp”.

Theo Ban tổ chức, sau khi kết thúc workshop “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn”, các tác phẩm sẽ được giới thiệu song song tại phòng trưng bày của Bảo tàng Mường và triển lãm cùng tên tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội từ 26.10. 2012.

Ngoài sự kết nối và giao thoa nghệ thuật, Chương trình “Nghệ thuật dưới mái nhà sàn” còn mang tính cộng đồng và hòa nhập. Như nhà điêu khắc Indonesia Dady Setiyadi với tác phẩm những khuôn mặt trẻ thơ mà mỗi khuôn mặt là một sự biểu cảm và cách nhìn khác nhau. Hay như nhà điêu khắc người Tây Ban Nha Miguel Angel Gil đang sáng tạo tác phẩm bằng gốm miêu tả quá trình tiến hóa từ phôi cho tới khi hình thành một quả trứng. Ông cho biết, cảm hứng sáng tạo này được hình thành từ sự tiếp xúc với văn hóa phương Đông trong những chuyến đi.

Sự kiện nghệ thuật này cũng là nơi mỗi nghệ sĩ thể hiện những nét văn hóa đặc trưng của đất nước mình như họa sĩ Hardiana (Indonesia) với bức tranh vẽ một thủ lĩnh trẻ tuổi của ngôi làng ở quê hương cô; họa sĩ Lee Chea Hong (Malaysia) đã hoàn thành bức tranh vẽ một ngọn núi hùng vĩ tại Malaysia.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem