Bảo tồn cây cối bản địa

Hoàng Hải Vân Thứ năm, ngày 15/09/2022 18:04 PM (GMT+7)
Từ ngày về vườn làm một lão nông, tôi ngộ ra là yêu cây yêu đất và sống đời với cây với đất thì việc đầu tiên là phải tìm kiếm và gìn giữ những giống cây quý của cha ông
Bình luận 0

Đã 10 năm nay tôi giữ gìn những cây bản địa, từ cây mít, cây bắp, cây đậu nành, cây mướp hương đến cây hẹ ta thơm ngon lá bé tí. Có những thứ trồng một lần ăn mãi mãi như gừng ta, hẹ ta, những thứ khác thu hoạch lấy hạt trồng tiếp mà năng suất không hề thấp như có kẻ hù doạ. Ngay cả con gà nhà tôi cũng chỉ ăn bắp bản địa trong vườn, thử cho bắp biến đổi gen chúng từ chối không ăn.

Cây cối cũng giống như con người, đều sinh ra, lớn lên và duy trì nòi giống trên mảnh đất thiên nhiên dành cho chúng. Ngay cả trong một quốc gia, cây măng cụt chỉ có thể trồng được ở Nam bộ. Cây nhãn lồng cơm dày ngọt thanh nếu mang vào trồng ở miền Nam thì không còn là nhãn lồng nữa. Còn cây vải thiều (lệ chi), đọc sách ta thấy Hán Vũ đế từng sai người mang 100 cây về trồng nhưng không một cây nào sống, từ đó trong những vật cống nạp, vua chúa Trung Hoa buộc nước ta phải cống lệ chi. 

Sử sách còn ghi lại Dương Quý Phi rất thích lệ chi, nên Đường Minh Hoàng thường phải phải sai người hoả tốc sang An Nam nước ta mang về dâng lên nàng. Cây lệ chi chỉ có thể tồn tại ở một số tỉnh phía Bắc nước ta và vài khu vực nhỏ ở nam Trung Quốc, các vùng lãnh thổ mênh mông còn lại của Hoa Hạ đều không trồng được.

Nhìn những khu vườn sang trọng hiện nay, chỗ nào cũng thấy những cây cau vua hay cau cảnh nhập khẩu, trong khi cau ta thì vắng bóng. Ít ai để ý nhiều loại cau cảnh họ đùng đình, có độc, có thể gây hại cho trẻ nhỏ. Trong khi cau ta không những đẹp và vô hại mà còn là cây thuốc quý, vô cùng hữu dụng với con người.

Hoa cau là thứ hoa kỳ diệu, mùi hương của nó không một thứ hoa gì sánh nổi. Hương cau từ trên cao tỏa xuống, nhẹ nhàng như có như không, tưởng thoáng chốc mà miên man dìu dặt, nghe quyến rũ trần tục mà thanh thoát thần tiên. 

Không chỉ vậy, xét về dược lý thì hoa cau bổ tỳ, cân bằng tiêu hóa, trị ho, tức ngực, chữa hen suyễn. Hoa cau còn trong bẹ (chưa nở bung ra ngoài) hầm với chân giò là món ăn tuyệt hảo cho sức khoẻ, không những ngăn ngừa được rất nhiều bệnh tật, phòng trị được bệnh dạ dày và trĩ, mà còn cải thiện khả năng sinh lý, khắc phục thiểu năng tình dục cho cả nam lẫn nữ, và là một món ăn ngon.

Bảo tồn cây cối bản địa - Ảnh 2.

Những tổ chim trong vườn nhà tác giả. Ảnh: HHV.

Quả cau không chỉ dùng để ăn trầu, giờ người ăn trầu đã ít đi, nhưng có thể xuất khẩu sang Đài Loan và Trung Quốc với giá không hề rẻ. Hạt cau hỗ trợ tiêu hóa, chữa đau bụng, bài trừ giun sán, chữa đau răng, chữa bệnh chốc đầu cho trẻ nhỏ. Vỏ quả cau chữa chướng bụng, phù thũng, thông đại tiểu tiện. Rêu cau (mốc bám vào cây cau) trộn với bồ hóng cầm máu vết thương. Mo cau gói cơm làm tăng hương vị và tốt cho tiêu hóa. Rễ cây cau chữa liệt dương, tăng sinh lực đàn ông.

Tại sao không thay những cây cau cảnh nhập ngoại đang trồng tràn lan vô duyên trơ trẽn khắp nơi bằng cau ta thân thương trăm bề xinh đẹp và hữu ích? Những khách sạn lớn công trình hoành tráng trồng cau vua để "lấy uy" thì không nói, hà cớ gì những nhà thấp lè tè hay những vườn nhỏ ở nông thôn cũng học đòi trồng cau vua?

Tương Bần là món ăn nổi tiếng người Việt không ai là không biết. Ngoài những bí quyết lên men và phụ gia, nguyên liệu chính của nó nhất định phải là đậu nành (đậu tương) bản địa truyền thống, hạt nhỏ chỉ lớn hơn hạt đậu xanh một chút, làm bằng đậu nành lai hoặc biến đổi gen thì không còn là tương Bần nữa. Đậu nành bản địa truyền thống, ngoài dùng để làm tương còn dùng để chế biến rất nhiều món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt, từ sữa đậu nành đến đậu phụ và vô số các món chay món mặn với hương vị không thứ đậu nành lai hoặc biến đổi gen nào sánh được. 

Đáng tiếc là giống đậu nành bản địa đang ngày càng bị thu hẹp. Trên thị trường chỉ còn bán các loại đậu nành lai hạt lớn và phổ biến là đậu nành biến đổi gen nhập khẩu. Những món chay phần lớn được làm từ đậu nành biến đổi gen, ăn vào không hề tốt cho sức khoẻ, nhiều nhà khoa học cũng đã lên tiếng.

Bắp (ngô) bản địa thơm ngon ăn vào rất tốt cho sức khoẻ cũng đang mất dần. Hiện 80% bắp được trồng trong cả nước là bắp lai và bắp biến đổi gen. Bắp biến đổi gen chỉ có thể mua giống của Monsanto và các hãng cây trồng biến đổi gen, bọn họ đang cột chặt người nông dân vào giống của họ. Còn bắp lai thì người nông dân cũng buộc phải mua hạt giống của các công ty giống cây trồng. Loại bắp này thực chất đã bị "thiến" để cột chặt người nông dân vào các công ty giống cây trồng, thu hoạch xong không thể lấy hạt làm giống cho mùa tới được.

Mít nghệ là một trong những giống mít truyền thống từ ngàn đời nay trên đất Việt, múi mít tươm mật rất ngọt rất thơm không có thứ mít Thái nào sánh được. Dân ta trồng mít bao giờ cũng nghĩ đến con cháu, không chỉ có trái cho mình và cho con cháu ăn mà còn có gỗ quý cho con cháu làm nhà, làm bàn ghế giường tủ. Đông y còn mài gỗ mít làm thuốc chữa bệnh. Mà nghĩ đến con cháu thì phải trồng cây từ hạt, không ai trồng cây chiết hay cây ghép.

Ngày nay mít nghệ dần dần vắng bóng trên các khu vườn lớn, thay vào đó là mít Thái. Vì sao mít Thái rất dở mà nhiều người trồng, còn mít nghệ ngon lại ít ai trồng ? Đơn giản là mít Thái dở không có mật nên sấy khô được, còn mít nghệ tươm mật nên không thể sấy khô, các công ty sấy mít chỉ mua mít Thái không mua mít nghệ. 

Người trồng mít bây giờ phần lớn trồng bằng cây ghép, tuổi thọ chỉ được dăm năm từ khi có trái, không thể lấy được gỗ. Con cháu họ muốn ăn mít thì phải tự trồng và chẳng bao giờ có được gỗ. 

Thương mại đương nhiên rất tốt, không có thương mại thì đất nước không phát triển, nhưng nó cũng có yếu tố vô minh thiển cận phải biết tránh. Sự thiển cận của thương mại khiến cho con người trở thành ích kỷ, ích kỷ ngay cả đối với con cháu mình. (Mà chẳng có ai trồng mít Thái mà trở thành giàu có, vì thị trường bấp bênh, nhiều khi bán tháo cũng không có người mua).

Mít không chỉ là trái để "ăn chơi", nó còn là một cây lương thực. Vua Minh Mệnh là vị hoàng đế có công bảo tồn cây mít cho dân tộc, ông từng ra chiếu sai các địa phương khuyến khích dân trồng mít, đặc biệt là buộc chính quyền phải trồng mít dọc hai bên đường cái quan, cách 5 thước trồng 1 cây (theo Quốc sử di biên và Minh Mệnh chính yếu). Là ông muốn dân có mít ăn phòng khi mất mùa và có gỗ làm nhà để tránh nạn phá rừng, đồng thời giúp những người tha hương trên đường có thứ để ăn đỡ đói. Đáng tiếc là ngày nay trên các "đường cái quan" chẳng có một cây mít nào.

Đất nước ta có gần 80% dân số là nông dân, nông nghiệp vẫn mãi là ngành kinh tế cơ bản và mũi nhọn. Xuất khẩu nông sản cũng sẽ chỉ tăng được giá trị khi có những sản phẩm bản địa độc đáo, quý hiếm. Nên trong quá trình thực hiện chính sách Tam Nông, giữ gìn nguồn gen quý của các giống cây trồng bản địa có lẽ nên bắt đầu từ cả dưới lên: Nhận thức của từng người trồng trọt, lẫn trên xuống: Chính sách bảo vệ và phát triển nguồn gene quý hiệu quả thiết thực và nghiêm nhặt của Nhà nước


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem