Giấy chứng nhận thanh xuân của những cô gái mở đường

Hà Phạm Thứ sáu, ngày 15/07/2016 06:00 AM (GMT+7)
Dạo đi học, tôi cũng nghĩ bài thơ ấy là hay. Nhưng không hiểu sao, giờ đọc lại thấy chua xót quá.
Bình luận 0

Bà  Đinh Thị Thoa cầm một tập giấy chứng nhận đi đến cuộc gặp mặt nữ cựu Thanh niên xung phong (TNXP) hoàn cảnh khó khăn các huyện Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định (Thanh Hóa) với đoàn Thiện nguyện câu lạc bộ Nhà báo nữ Việt Nam và Hội Cựu TNXP Việt Nam vừa tổ chức ngày 12.7. Tập giấy chứng nhận ấy chẳng để làm gì cả, chỉ để bà kể: “Đơn vị tôi (Đoàn 559) trước là Đơn vị Anh hùng.  Ngày ấy vào chiến trường, tôi hát hay lắm…”. Mắt sáng lấp lánh, tôi biết, nếu có thời gian, bà nhất định sẽ hát cho tôi nghe bài  “Cô gái mở đường”.

 Sinh năm 1944, bà Đinh Thị Thoa vào lực lượng TNXP từ năm 1965, làm đường Trường Sơn, rồi làm đường bên Lào, bao nhiêu năm tháng nắng mưa đã trải. Những tấm giấy chứng nhận mờ nhòa nét mực ấy thân thiết với bà, không phải để làm căn cứ cho những chế độ chính sách đối với TNXP mà bà được hưởng, cũng chẳng là bao, bà là một cựu nữ TNXP độc thân, nghèo.  Bà đã cố kiếm một đứa con, nhưng chiến tranh để lại di chứng trên đứa con của bà, hơn 70 tuổi, bà vẫn nuôi con, không mong đợi gì sắp có cháu.

img

Bà Đinh Thị Thoa- nữ cựu TNXP đoàn 559.

Những tấm giấy chứng nhận dường như là những ký ức tuổi thanh xuân đi cùng bà Thoa theo năm tháng. Chúng an ủi bà, tôi nghĩ, như “nước trời xoa dịu vết thương đau…” vậy thôi. Câu thơ ấy trong một bài thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bài “Khoảng trời và hố bom”, viết về lực lượng TNXP. Nhà thơ kể về một cô gái mở đường đã đánh lạc hướng máy bay địch, cầm đuốc chạy ra xa để hứng lấy luồng bom đạn, nhờ vậy mà đoàn xe của bộ đội được an toàn lăn bánh vào tuyến trong. Hố bom, nơi quả bom rơi xuống giết cô gái mở đường, nữ thi sĩ đi qua và nhìn thấy “Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ", chị đã viết rằng: “Đất nước mình nhân hậu/ có nước trời xoa dịu vết thương đau”.

Dạo đi học, tôi cũng nghĩ bài thơ ấy là hay. Nhưng không hiểu sao, giờ đọc lại thấy chua xót quá: “có nước trời xoa dịu vết thương đau”, chỉ có thế thôi. Chỉ có nước trời, nước mưa đọng lại, mà không có những chính sách đền ơn đáp nghĩa xứng đáng, đất nước làm sao nhận mình là nhân hậu được? Đấy không chỉ là thơ!

Có môt thực tế là trong nhiều năm, chính sách với TNXP đất nước mình làm chưa được làm tốt.  Ngày 15.7 này sẽ là ngày kỷ niệm 66 năm thành lập lực lượng TNXP Việt Nam (15.7.1950), 5 vạn đội viên TNXP từ khi thành lập đến kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là thời kỳ 1965-1975, TNXP (tập trung) phát triển tới 15 vạn đội viên, tham gia đảm nhiệm 18 loại công việc khác nhau, tập trung ở ba lĩnh vực: giao thông vận tải, lâm nghiệp và quốc phòng.  Một lực lượng không được coi là chính quy, nên dù trực diện với cái chết và muôn ngàn gian khổ, vẫn không có được những chính sách chế độ cần thiết mà trông chờ vào bảo hiểm xã hội.

 Năm 2010, theo số liệu của Tổng hội TNXP, mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành chế độ, chính sách ưu đãi người có công song vẫn còn trên 50% cựu TNXP trong kháng chiến chưa được hưởng chế độ chính sách. Nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế, không được trợ cấp mai táng phí khi qua đời. Còn nhiều trường hợp thương tâm nhiễm chất độc, di hại cho đến đời con, đời cháu mà vẫn chưa được giải quyết chế độ trợ cấp. Những năm 1965 -1975 là thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Chiến tranh càng ác liệt, lực lượng TNXP càng phát triển lớn mạnh, từ vài ngàn (năm 1965) đến cuối năm 1968 đã lên đến hơn 10 vạn và vào tháng 4-1975 là 15 vạn.

 Chỉ với cuốc xẻng , 16.700 km đường dã chiến; 6.800 km đường trục dọc Bắc - Nam; 5.000 km đường trục ngang; 5.000 km đường vòng, đường tránh; 1.500 km đường đá; 200 km đường nhựa; 200 km đường sông; 3.500 km đường bộ đi từ Đông sang Tây; 900 km đường kín. Trong đó, đường trục chính dọc, ngang (tính từ Thanh Hoá) có: đường bộ 1A; đường sắt, đường goòng; đường 15A, 15B, 15C (thường gọi là đường Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn); đường 15 C từ Tân Kỳ đến Hà Tĩnh vào đến Chơn Thành, cắt ngang các đường 10, 20 phục vụ đắc lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Những con số ấy thấm đầy máu, mồ hôi, nước mắt…

Những năm gần đây, xác định lực lượng TNXP trong kháng chiến là người có công với nước, chính sách với TNXP được làm tốt hơn. Nhưng không dễ dàng gì, sau những năm tháng quá dài. Những hồ sơ thất lạc và mất mát, những người để lại tuổi xuân của mình trên những con đường dọc dài đất nước giờ cũng già yếu vì đã sang tuổi 70, 80.

Những nữ TNXP tôi đã gặp, giờ vẫn nhớ về ngày xưa, những khoảng trời, những hố bom trên mọi cung đường ác liệt. Đường 20 Quyết Thắng, Ngã ba Đồng Lộc, phà Sông Gianh, Truông Bồn, Hàm Rồng, Bầu Bàng, cua chữ A, phà Xuân Sơn … kể bao giờ mới hết những cái tên huyền thoại ấy?

 Làm sao để xoa dịu nỗi đau những người đã cống hiến tuổi xuân cho đất nước, khi những hố bom đã lấp hết từ lâu, vẫn chẳng có gì nhiều hơn nước trời?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem