Giấy phép hết hạn, Viglacera Hạ Long vẫn tận thu cát trái phép

Hoàng Trình Thứ bảy, ngày 09/11/2019 11:01 AM (GMT+7)
Theo phản ánh của người dân, dù đã hết hạn giấy phép tận thu cát gần một năm, nhưng Công ty CP Viglacera Hạ Long (Viglacera Hạ Long) vẫn cho doanh nghiệp khác khai thác, sàng tuyển và kinh doanh cát trái phép tại xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh.
Bình luận 0

Clip - Toàn cảnh khu vực tận thu cát tại thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ nhìn từ trên cao.

Cụ thể, tại khu vực dự án kho bãi chứa nguyên liệu của nhà máy ngói Hoành Bồ (Công ty CP Viglacera Hạ Long) xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ có tình trạng lợi dụng để khai thác, kinh doanh cát trái phép. Ông Nguyễn Văn H. (người dân xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) cho biết: “Dù hết hạn khai thác nhưng mỏ cát này vẫn ngày đêm sàng tuyển và bán cát ra ngoài. Cát sử dụng cho việc phối trộn của nhà máy gạch rất ít. Người dân quanh đây ai mà không biết việc mua bán cát tại đây công khai như thế nào”.

img

Nhiều khu vực bị khoét sâu tạo thành hàm ếch.

Để làm rõ phản ánh của người dân, PV Dân Việt đã đăng ký làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoành Bồ. Ông Trần Ngọc Thế, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoành Bồ cho biết, khu vực người dân phản ánh nằm trong dự án bãi chứa nguyên liệu nhà máy gạch Tuynel Hoành Bồ, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ.

Tháng 5/2018, Viglacera Hạ Long có văn bản xin được tận thu cát trong quá trình thực hiện dự án bãi chứa. Sau đó UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản chấp thuận và yêu cầu phải lập phương án thu hồi, vận chuyển và được UBND huyện Hoành Bồ có văn bản xác nhận, thông qua phương án. Thời gian tận thu cát đến hết 31/12/2018. Phạm vi tận thu cát nằm trong tọa độ thể hiện trong bản vẽ thi công dự án bãi chứa đã được phê duyệt tại Quyết định số 675/QĐ-CT ngày 21/10/2017.

img

Nhiều khu vực nằm cách xa ranh giới điểm tận thu cát cũng bị đào bới để lấy cát.

“Việc tận thu cát Viglacera Hạ Long không tự làm mà thuê công ty TNHH TM Hoàng Dũng khai thác và vận chuyển cát vào các nhà máy. Sau khi kết thúc thời hạn tận thu cát tại đây chúng tôi đã kiểm tra và đơn vị này cũng có văn bản đề nghị dùng chính mặt bằng tận thu cát để sàng tuyển. Vì lượng cát tận thu được nhiều nên đến năm 2021 công ty mới kết thúc việc sàng tuyển”, ông Thế nói.

Ông Thế cũng cho biết, phương án thi công tận thu mà đơn vị lập là thi công tuần tự từng lớp từ trên xuống bằng máy đào xúc. Trước hết bóc hết lớp đất đá thải và đào từng lớp cát vận chuyển về bãi tập kết, không đào bừa bãi, đào kiểu hàm ếch. Theo cam kết sau khi kết thúc quá trình thu hồi công ty phải đắp đất, xây kè bê tông tại chân vách taluy.

img

Lượng cát dùng để phối trộn trong sản phẩm ngói tỷ lệ rất nhỏ.

Còn ông Nguyễn Văn Tuất, Phó Phòng tài nguyên Viglacera Hạ Long cho biết, cát sau khi sàng tuyển sẽ được vận chuyển về các nhà máy gạch Hoành Bồ, Tiêu Dao và Viglacera Hạ Long II. Do ở các nhà máy gạch của công ty không có kho bãi nên không thể chứa cát mà phải sàng tuyển theo nhu cầu thực tế, do đó cần nhiều thời gian như vậy.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua cát để sản xuất bê tông tươi, PV Dân Việt đã đến trực tiếp khu vực sàng tuyển cát mà người dân phản ánh. Khi thấy PV, một người đàn ông tên H. giới thiệu là người được thuê phụ trách thực hiện sàng tuyển cát tại đây. Ông H. cho biết được công ty Hoàng Dũng thuê sàng cát với công 20.000 đồng/m3, không biết việc mua bán như thế nào.

Sau khi PV chê cát còn ít quá vì muốn mua cát số lượng lớn, ông H. tiết lộ: “Cát sau sàng tuyển chia làm 2 loại, loại nhỏ cung cấp cho nhà máy gạch, còn loại to bê tông thì bán ra ngoài là do bên phía công ty thực hiện. Lượng cát nhỏ ít chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng cát thành phẩm. Trên mặt bằng ở đây, cả cát sàng rồi và cát chưa sàng chỉ còn khoảng gần 4.000m3, nhưng thực tế có thể cung cấp khoảng 100.000m3 vì nếu có nhu cầu chỉ cần đào sâu xuống bên dưới thì tha hồ mà lấy”.

Ồng H. còn thông tin thêm, đào tối đa có thể sâu gấp 4 lần chiều dài trục máy đào (độ sâu khoảng 15m), cát càng ở dưới sâu càng đẹp, ít lẫn đất như ở phía trên. Mỗi ngày hệ thống sàng tuyển có thể làm tối đa được 400m3 cát, nếu cần lượng lớn thì lắp thêm dây chuyền.

img

Bản vẽ mặt bằng phương án thu hồi cát trong quá trình thi công dự án bãi chứa nguyên liệu Nhà máy gạch Tuynel Hoành Bồ.

Khi PV gặng hỏi, ông H. mới cho biết, nếu cần mua cát thì liên hệ với anh Hoàn là lãnh đạo công ty Hoàng Dũng theo số điện thoại 0985.502.5XX. Gọi theo số điện thoại ông H. cung cấp, người tên Hoàn cho biết, có thể cung cấp cát nhưng giá thì đề nghị gặp mặt trực tiếp để trao đổi vì mỏ cát của nhiều người chung nhau.

Tại điểm tận thu cát ở thôn Bằng Xăm, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, PV Dân Việt thấy khu vực đào tận thu cát vượt xa so với mốc giới trên bản vẽ mặt bằng phương án tận thu mà Viglacera Hạ Long cung cấp. Sử dụng máy định vị GPS, nhập các điểm tọa độ trên bản vẽ, PV thấy vị trí khai thác phía giáp đồi vào sâu đến 40 - 50m so với tọa độ mà máy GPS xác định.

img

Ranh giới khai thác thực tế vượt rất nhiều so với tọa độ bãi chứa đất trên bản đồ.

Tại hiện trường, dây chuyền sàng, rửa cát rất thô sơ, xung quanh có nhiều đống cát lớn, lượng cát nguyên khai chưa sàng tuyển còn lại không nhiều. Nhiều vị trí nằm ngoài ranh giới cũng bị đào khoét vẫn còn nguyên dấu vết. Chân đồi cát bị đào sâu nhiều đoạn theo kiểu hàm ếch. Một số vị trí đã bị đào sâu xuống 1 - 2m. Không có vị trí chân vách taluy nào được xây kè bê tông như cam kết. Khảo sát thực tế tại các nhà máy gạch mà ông Nguyễn Văn Tuất thông tin, các nhà máy này đều có bãi chứa nguyên liệu rất rộng và còn trống nhiều.

img

Một số vị trí đã bị đào sâu xuống 1 - 2m so với mặt bằng chung.

Theo chỉ đạo của UBND Tỉnh Quảng Ninh tại văn bản số 3110/UBND-CN, ngày 11/5/2018, UBND huyện Hoành Bồ chịu trách nhiệm chính và toàn diện trong kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện phương án, tuân thủ theo đúng quy định pháp luật; Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Không để tình trạng lợi dụng thi công dự án để hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Đồng thời, có văn bản xác nhận phương án, kết quả, khối lượng khoáng sản thu hồi được sau khi kết thúc phương án. Sau ngày 31/12/2018, nếu các bên liên quan chưa hoàn thành, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh chấm dứt việc thu hồi khoáng sản và thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan.

Trong quá trình thực hiện, trường hợp các đơn vị để xảy ra tình trạng lợi dụng nhằm khai thác khoáng sản trái phép, hoặc có ý kiến về các hành vi vi phạm. Tồn tại hạn chế được các cơ quan chức năng điều tra, phát hiện, UBND tỉnh sẽ xem xét chấm dứt chủ trương nêu trên và các tổ chức cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm theo quy định.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem