“Giữ lửa” cho làng nghề đúc đồng Phước Kiều

Đoàn Hồng – Trần Hậu Thứ tư, ngày 04/10/2017 13:40 PM (GMT+7)
Tồn tại và phát triển đã hơn 400 năm nay, làng nghề đúc đồng Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng đã không ngừng phát triển và khẳng định danh tiếng  trên cả nước.
Bình luận 0

Sự tồn tại và phát triển của làng nghề đúc đồng Phước Kiều như hôm nay ngoài sự đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ nghệ nhân xưa, như các ông Cửu Thuyên (Dương Ngọc Thuyên), Xã Mãi (Trần Tạo), Xã Diêm (Trần Diêm), Cửu Thìn (Trần Văn Niên) và đặc biệt là các nghệ nhân Dương Nhi, Dương Ngọc Tiển, Dương Ngọc Sang, Dương Ngọc Thắng… hiện vẫn giữ nghề, đưa sản phẩm của làng nghề ra thị trường cả nước và thế giới.

img

Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng, gần 63 tuổi đời, nhưng đã hơn 43 tuổi nghề và hiện ông vẫn đang miệt mài “giữ lửa” cho nghề đúc Phước Kiều. Ảnh: Đ.H

Người nỗ lực “giữ lửa” cho làng nghề Phước Kiều phải kể đến nghệ nhân Dương Ngọc Thắng, với 63 tuổi đời nhưng đã hơn 43 tuổi nghề. Từ cơ sở của ông, nhiều sản phẩm đã đến với mọi miền đất nước, góp phần làm sống lại một thương hiệu đúc đồng Phước Kiều đã tưởng chừng như mai một.

“Tôi sinh ra trong một gia đình 3 đời sống bằng nghề đúc đồng tại làng Phước Kiều. Tôi được tín  nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX đúc đồng Phước Kiều một thời gian. Đến năm 2000, để mở hướng đi riêng cho mình cũng như xây dựng thương hiệu cho làng nghề, tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều. Qua gần 17 năm xây dựng, công ty ngày càng phát triển và đã đúc ra nhiều sản phẩm có giá trị tạo tiếng vang cho làng nghề…” - nghệ nhân Dương Ngọc Thắng chia sẻ.

Nghệ nhân Dương Ngọc Thắng là một trong số ít nghệ nhân của làng đúc Phước Kiều không những sống được với nghề mà còn nâng những tinh hoa nghề lên một tầm cao mới, trở thành cánh chim đầu đàn trong việc khôi phục, bảo tồn, phát triển thương hiệu đúc đồng Phước Kiều. Từ ngày thành lập công ty đến nay, ông đã truyền dạy nghề cho trên 100 thợ trẻ. Công ty hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ người/tháng.

Theo ông Thắng, hiện ngoài những sản phẩm truyền thống đã trở thành thương hiệu làng nghề như: Cồng chiêng, lư đồng, nồi niêu, xoong chảo…, công ty còn sản xuất các mặt hàng nội, ngoại thất mỹ nghệ khác như: Đèn lồng, khay đồng, gạt tàn thuốc hình búp sen, tượng phật, rồng, lân… Những năm gần đây đơn vị đã nhận được nhiều đơn đặt hàng khắp nơi, từ các khu du lịch, resort trong và ngoài tỉnh. Trong năm 2017 này, công ty đã đúc súng thần công; trống đồng cao 1,7m, nặng 3 tấn; đúc chuông đồng 2,4 tấn…

 Ghi nhận những tâm huyết và đóng góp to lớn của nghệ nhân Dương Ngọc Thắng với làng nghề Phước Kiều, công ty và bản thân ông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; Sở Công thương và UBND thị xã Điện Bàn, UBND tỉnh Quảng Nam...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem