Giúp nông dân tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông sản an toàn

Thu Hà Thứ sáu, ngày 14/02/2020 05:00 AM (GMT+7)
Để sản xuất nông nghiệp bền vững, Hội ND TP.Hà Nội đã phối hợp Sở NNPTNT tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân và các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp xây dựng các vùng sản xuất an toàn nhằm gia tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Hiện, TP.Hà Nội đã xây dựng và duy trì 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với hơn 6.000ha rau an toàn; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư; 25 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp.

img

Lãnh đạo Hội ND TP.Hà Nội thăm chuỗi thịt lợn sinh học từ A - Z của HTX Hoàng Long ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai.  Ảnh: Thu Hà

Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân tham gia xây dựng chuỗi. Toàn thành phố hiện có 178 HTX, cơ sở được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Trong đó, nhiều HTX, tổ hợp tác thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp. Ông Lê Trọng Khuê - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết: Với vai trò và trách nhiệm của tổ chức Hội ND, những năm qua, các cấp Hội ND thành phố đã vận động, hướng dẫn bà con nông dân phát triển mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi, bao gồm các công đoạn: Liên kết sản xuất; dạy nghề, truyền nghề; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới...

Tiêu biểu như: Mô hình chuỗi chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại các huyện: Ứng Hòa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Đông Anh, Ba Vì; mô hình chuỗi trồng rau theo quy trình VietGAP tại các huyện: Sóc Sơn, Đan Phượng, Chương Mỹ, Gia Lâm; mô hình chuỗi quả an toàn tại các huyện: Đan Phượng, Mê Linh, Chương Mỹ, Thanh Oai; mô hình chuỗi chế biến nông sản xuất khẩu tại các huyện: Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Sơn Tây, Sóc Sơn.

Để tạo điều kiện xây dựng, phát triển các mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản an toàn, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố và các phòng, ngành chức năng tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn và hỗ trợ hội viên, nông dân.

Cụ thể: Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 14.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho 1.418.880 lượt hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức 1.777 lớp dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ cho 60.130 lượt hội viên, nông dân. Các quận, huyện, thị chủ động phối hợp với doanh nghiệp uy tín thế chấp mua 23.736 tấn phân bón trả chậm các loại giúp hơn 97.250 hộ nông dân chăm bón cây trồng kịp thời vụ.

Thời gian tới, Hội ND TP.Hà Nội tiếp tục tuyên truyền vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế hợp tác, tập trung vận động, hướng dẫn bà con nông dân tham gia xây dựng nhiều mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình liên kết tiêu thụ nông sản để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem