Gỏi bánh tráng mỳ, gợi nhớ Tết quê

Thứ sáu, ngày 31/01/2014 14:09 PM (GMT+7)
Mâm cỗ ngày tết với nhiều món ngon. Thường thì nem, giò, bánh chưng hay bánh tét cùng nhiều món khác. Nhưng với mâm cỗ dâng cúng tổ tiên của nhiều gia đình ở xã Phổ Cường luôn có đĩa gỏi bánh tráng mỳ.
Bình luận 0
Nguyên liệu để chế biến món gỏi gồm bánh được tráng bằng khoai mỳ cùng với thịt heo mỡ, ruốc khô, hẹ, tiêu bột, đường, mỳ chính, muối, rau thơm. Bánh được nướng trên than hồng rồi thấm sơ qua nước sôi để nguội. Sau đó dùng thịt heo đã luộc chín, thái mỏng xoa đều lên bề mặt. Tiếp đến, dùng dao thật sắc thái bánh thành từng sợi nhỏ.

Ruốc được rang sơ qua chảo bằng đất nung rồi để cho thật nguội, trộn chung với sợi bánh thái nhỏ, nêm thêm gia vị: đường, mỳ chính và muối cho vừa ăn. Rắc thêm ít tiêu xoay nhỏ cùng với hẹ tươi thái ngắn rồi trộn đều. Thế là đã có được món gỏi bánh tráng mỳ với màu vàng của những sợi bánh thái nhỏ, màu nâu đỏ của ruốc biển, màu xanh của hẹ và rau thơm trông thật bắt mắt.

img
Những loại thực phẩm chủ yếu để chế biến món gỏi bánh tráng mỳ

img
Đĩa gỏi bánh tráng mỳ

Miếng gỏi dai và béo với sợi bánh thấm mỡ quyện với hương vị ngọt từ đường, mì chính, hòa cùng hương thơm của ruốc, cay dịu của tiêu cứ đọng mãi nơi đầu lưỡi. Món gỏi với hương vị đồng nội xen lẫn hương vị biển cả khiến cho thực khách chợt bâng khuâng.

Thuở cơ cực, khoai mỳ luôn “gắn bó” với người dân quê, dùng để chế biến nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình và cả trên những mâm cỗ dâng cúng tổ tiên, nhất là vào dịp tết. Và món gỏi bánh tráng mỳ được truyền qua bao đời, gợi nhớ về một thời khốn khó, gắn với những tháng ngày cơ cực của người dân quê.

Món gỏi còn là một trong những hương vị “níu chân” những người con tha hương trở về quê hương Phổ Cường (Đức Phổ, Quảng Ngãi) để cùng sum vầy với người thân trong dịp Tết.
Đức Cường (Đức Cường)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem