Góp ý cải cách giáo dục: Khập khiễng... kiềng 2 chân

Thứ ba, ngày 09/10/2012 10:06 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong tháng 10.2012, nhiều bộ, ngành và chuyên gia giáo dục bắt đầu vào cuộc góp ý cho Bộ GDĐT về cải cách toàn diện giáo dục quốc gia.
Bình luận 0

Những gì các chuyên gia chỉ ra cho thấy còn rất nhiều việc phải làm để tìm hướng phát triển đúng cho giáo dục nước nhà.

Sách giáo khoa… chẳng giống ai

Theo GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn - Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia: “Sách, giáo viên, trường lớp là 3 vấn đề được mọi quốc gia, mọi thể chế và mọi thời đại coi trọng. Song ở nước ta cả 3 yếu tố nền tảng kể trên đều có vấn đề nghiêm trọng”.

img
Một lớp học thêm tại làng Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang).

GS Hãn phân tích: Chương trình giáo dục chính thức nhất quán từ phổ thông đến đại học chưa được bàn bạc thống nhất phê duyệt ở cấp quốc gia về những nội dung chương trình cần phải giảng dạy ở tất cả các cấp học, thì đã vội vàng biên soạn sách giáo khoa.

Hậu quả là ở bậc phổ thông, học sinh bị bội thực về sách, bậc đại học thì “đói” sách, học chay triền miên. Chương trình giáo dục ở phổ thông quá nặng và xa rời với chuẩn quốc tế. “Phải bỏ đi khoảng 30 – 50% khối lượng kiến thức, có môn như toán phải bỏ tới 60% khối lượng và viết lại thì mới phù hợp với lứa tuổi phổ thông” – ông Hãn nói.

Dẫn chứng về việc sách giáo khoa đang trong tình trạng quá “lôm côm”, GS-NGND Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng, chỉ riêng chương trình sách giáo khoa sinh học bậc phổ thông đã ôm đồm quá nhiều vấn đề, nhưng vấn đề nào cũng… nông.

Chẳng hạn, học sinh phải học quá nhiều chuyên ngành, từ động vật không xương, động vật có xương, thực vật bậc thấp, thực vật bậc cao tới giải phẫu sinh lý người… Rộng tới mức, hầu hết những môn học ở khoa Sinh, Trường Đại học Sư phạm đều có trong chương trình học phổ thông. Thế nhưng, trái với khối lượng kiến thức lớn, số lượng giờ dạy lại ít ỏi mỗi tuần khiến tình trạng học sinh nản vì vừa khó hiểu, vừa khó nhớ.

Cơ cấu… 2 chân kiềng

Một trong những bất hợp lý khác của nền giáo dục quốc gia được nhiều chuyên gia giáo dục “trăn trở” là cơ cấu hệ thống giáo dục hiện hành. Theo GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn: “Cơ cấu hệ thống giáo dục của ta bao gồm phổ thông, đại học và dạy nghề. Đây vốn dĩ là thế chân kiềng hài hòa, cân đối, nhưng từ năm 1993 trở lại đây, nhánh dạy nghề gần như bị xóa bỏ. Học sinh vào học lớp 1 phổ thông và đầu ra là thi ĐH khiến cho thế chân kiềng này chỉ còn… 2 chân, chênh vênh không bền vững”.

Ông Hãn làm một bài toán nhỏ: “Số lượng các trường ĐH, CĐ hiện nay là khoảng 500, dự kiến đến năm 2020, chúng ta sẽ có khoảng 576 trường với số lượng sinh viên là 4,5 triệu em. So với năm 1987, số trường ĐH, CĐ tăng gấp 5 lần, số sinh viên tăng 13 lần, nhưng số giảng viên tăng có 3 lần. Tới đây, số sinh viên dự kiến còn tăng gấp đôi thì tình hình sẽ ra sao?”.

“Hệ thống giáo dục chưa đồng bộ, sách giáo khoa lôm côm, cơ cấu đào tạo ngành nghề bất ổn... là những lý do khiến cho công cuộc cải cách toàn diện giáo dục quốc gia loay hoay trong bế tắc”.

Đồng tình với quan điểm này, GS-TSKH Nguyễn Minh Đường - nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học và dạy nghề (Bộ GDĐT) cho rằng, sự khập khiễng này khiến giáo dục Việt Nam không thực hiện được những nhiệm vụ cơ bản nhất: Không phân luồng được học sinh sau THCS và THPT; không thực hiện được liên thông giữa các trình độ đào tạo và các ngành nghề; không chuẩn hóa được hệ thống đào tạo...

GS Đường kiến nghị, nên sáp nhập bậc tiểu học và THCS thành Trung học cơ bản (THCB) và quy định đây là cấp phổ cập bắt buộc của ta. Sau THCB được phân thành 3 luồng: THPT phân hóa, THPT – nghề và giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, ở THPT phân hóa, học sinh tốt nghiệp được cấp bằng THPT và có thể học tiếp lên đại học. THPT – nghề vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề theo 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ...

“Nên sáp nhập trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp thành trung cấp và tương tự đối với hệ CĐ và ĐH. Có như vậy cơ cấu đào tạo ngành nghề của nước ta mới dần lấy lại thế cân đối 3 chân kiềng vững chãi” – GS Đường nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem