Truyện dự thi: Gót đỏ chân son

Trần Chiến Thứ sáu, ngày 27/11/2020 06:27 AM (GMT+7)
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập" của tác giả Trần Chiến (Hà Nội).
Bình luận 0

"Cái con trăm chân này ngu lâu hơn con trâu, nãy giờ chả bò đi đâu được".

Sơn cười khì một mình, thú vị với câu mắng "văn chương". Trời mưa dai sau đợt nắng vật vã, nó ngồi trông ra cửa sổ nhà tình thương, lòng mênh mang sầu. Chiếu tá lả đằng sau chốc lại rồ lên Anh ra đi rồi em có buồn không/chiều vắng anh em đừng ư ử… Chân cẳng thế này, tạnh ráo cũng chả đi đâu được mà vẫn sốt ruột. Nhạt mồm tệ, phố xá ngoài kia thiếu mình còn ra quái gì. May nắp bể nước có con cuốn chiếu lạc bước hành quân, cả tiếng đồng hồ đến góc vuông lại rẽ trái. Chỉ biết những vuông vức thì đời khá thế nào được, Sơn nghĩ thế và thấy mình từng trải.

Mươi năm trước, nhà còn lợp rạ, ngày mưa Sơn hay hếch mũi nhìn đàn cuốn chiếu leo ra leo vào trên mái, chi chít, chăm chỉ, chả để làm gì. Giờ nhìn ra ngoài nhớ độc cảnh quê. Nhưng mình không quyết chí cách mạng, rời bỏ chốn ấy thì còn ôm nỗi bi thương tổ bố. Nghĩ đến đây bèn quay lại công việc đem lại niềm vui trong những ngày đớn đau sầu tủi, ren rén đếm tiền. Dù biết vẫn từng nấy, năm triệu ba trăm sáu mốt đồng, nhưng mỗi lần lại ra vui buồn khác nhau. Cái này khí khó hiểu, giống thị thành may rủi bất chợt tốt xấu khó phân. Chả như ở làng, cô Mỡ ba sáu tuổi chưa chồng tự dưng bụng lùm lùm tự dưng chả ai chơi với. "Rồi gầm mặt suốt đời", mẹ nó bảo, chả biết là thương hay ghét.

Sơn là thằng giời gầm nhưng lại nằm lòng nhiều câu của mẹ. Đang pành pành trên máy cày thuê, bố nó theo giang hồ lên rừng đào vàng, về nhà trong hòm gỗ. Lên năm, Sơn phấn khởi thấy mẹ cuộn cạp quần mớ tiền phúng, nghe than "Thôi thế là từ nay tôi phải cắn răng lại rồi", giờ vẫn chả hiểu ra sao. Nhưng câu này thì nó "thủng" ngay, lúc đã kịt bụi thị thành: "Vắng cha nhưng con đừng để ai nghĩ mình không có quê. Vẫn là dòng trưởng họ Bùi đấy. Làm được gì tốt đẹp thì góp xây nhà thờ Tổ. Nên ông nọ bà kia về làng phải biết mình như tàu chuối rách thôi, bên trên còn khối đa đề…". Buồn cười quá, cứ như mình đã lên đời, có tòa ngoài phố rồi. Sang đoạn "Lấy vợ quê, ta tắm ao ta anh ạ", nó "vầng vầng" cắt ngay kẻo mẹ ca "nốt" phần có con. Dù thế nào, Sơn cố cày ải, để đỡ mẹ lo mười bốn lượt giỗ trong năm, không bị ông bà, hai cô ba chú đằng nội và mười hai con các cô chú ấy trách.

Nghĩ mình bé mà đã có trách nhiệm kể thinh thích. Nhưng thị thành đôi khi lo hộ nó "cá kiếm" rất là bất chợt. Hồi mới lếch thếch ra đây, Sơn bị thằng rủ đi bỏ rơi luôn. "Giờ mày tự lo, cỏ chỗ nào chả lên được", dù hôm trước nó vẽ "nhặt rơi nhặt vãi cũng đủ tháng tháng đi cháo lòng". May gặp chú Hệ, đánh hàng ngoài ga xong dắt về bãi sông. Xóm "liều", khu trọ "đen", điểm tối về trật tự trị an…, gì gì vẫn có người chìa tay. Bữa tối đủ no, manh chiếu thâm sì, sáng ra ông chủ, cũng tứ chiếng nhưng cắm dùi mười năm rồi, giao thau bể nước chục khối. Sơn đã đi dán quảng cáo "thông tắc bể phốt", bỏ tờ rơi "Nhà xã hội – giấc mơ của gia đình chưa có điều kiện", làm mươi "nghề" thì gặp "nghiệp". Bám trụ mấy quán cà phê, sáng ra đánh chục đôi giầy rồi kiếm cái chèn bụng, trưa lổm xổm bôi quẹt chỗ dân văn phòng đi ăn, nó đủ no, có chỗ ngủ cả tắm giặt vệ sinh. Cô khách, chắc thủ quỹ hay kế toán còn tỵ "Thằng này chả bao giờ lo khai thuế" dù Sơn có thói nhìn chân không nhìn mặt và tay cáu xi. Bán lót quế, đót giầy, dán mõm há… là đoạn dôi ra, tiền gửi bà chủ bao giờ về quê xin lại. Bị trừ "phí ngân hàng" và cũng biết bà ấy lãi to khi đem những tiền nhỏ ấy gửi làm vốn buôn, chơi họ, nhưng mình cần cơ mà, ai cho không đứa mình không đẻ. Chả có dự trữ mồm một tuần thì mơ tiền đồ thế nào, trữ đủ tháng bữa mơ càng thịnh soạn.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Báo NTNN xuất bản số đầu tiên (7/5/2019) và 10 năm Ngày ra mắt Báo Điện tử Dân Việt, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp Hội Nhà văn Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết truyện ngắn "Làng Việt thời hội nhập", với sự đồng hành của Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải (THACO) - Nhà tài trợ kim cương. Từ ngày phát động cuộc thi (26/4/2019) đến nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 500 truyện dự thi của các tác giả ở khắp cả nước và ở nước ngoài, trong đó có nhiều nhà văn nổi tiếng cũng gửi tác phẩm tham dự. Cuộc thi sẽ kết thúc nhận bài vào ngày 28/2/2021, dự kiến trao giải vào ngày 7/5/2021 - nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Báo NTNN xuất bản số đầu tiên. Các giải thưởng của cuộc thi: 1 giải nhất trị giá 50 triệu đồng; 2 giải nhì - 20 triệu đồng/giải; 3 giải ba - 10 triệu đồng/giải, 10 giải khuyến khích - 3 triệu đồng/giải, cùng nhiều tặng thưởng khác.

Tai nạn đầu tiên mang lại mối lợi không ngờ. Đang ôm đồ nghề sang quán bún đậu mẹt buổi trưa, Sơn thấy mắt tối sầm. Tỉnh dậy, xung quanh trắng toát, nồng nặc mùi thuốc, những gương mặt đau đớn, người trông nom mệt mỏi. "Làn của mày đây ai thèm lấy mà lo", một bà bảo. Bà khác "Ăn cháo rồi đi tắm. Họ định truyền đạm nhưng người cháu hôi quá". "Bác sĩ bảo mày chỉ cảm nắng, bệnh nhà nghèo dễ chữa các bác góp cho đây rồi" – bà thứ mười một. Ngay buổi chiều, Sơn đã quay lại "cơ quan" tiếp tục "phục vụ", tối ghé bệnh viện lấy lọ bê một được cấp, hoa quả bánh sữa mọi người cho. "Sống xa nhà làm cái sổ tiết kiệm kẻo lần sau…", lời nói "đùa" của bác sĩ và mấy câu lẩn thẩn của các bà, kiểu "Sữa Ensure Mỹ có sáu trăm nghìn bồi dưỡng vào cháu ạ" rụng ngay. Lần đầu tiên Sơn vung vinh, vào quán phở gọi bát chín thật nhiều bánh, mua điện thoại di động. Và tết "thăm nhà" sau bốn tháng đi, nó đưa mẹ ba triệu, bảo mừng tuổi ông bà với ai thì tùy. "Vớ vẩn, đánh giầy còn mừng rỡ gì", mẹ cầm tiệt.

Còn ít dành lại, Sơn cho em gái và chơi điện tử. Thằng Toàn chằng chằng "đẽo" Sơn như chưa hề có bận nó nhất định không chịu cưa đôi que kem. "Nhà mày chủ tịch xã thiếu gì tiền", Sơn chề môi. "Bố tao kiết lõ khâu túi lại". "Thế đi giống tao". Toàn đần mặt: "Tao cũng muốn nhưng chị Hanh vào Nam làm ăn bảo sợ về nhà". Sơn nghiêm giọng: "Chị Hanh công nhân, về cứ bị hỏi bao giờ cho ăn kẹo với thăm ai phải sắm quà. Bì thế nào với tao. Tự do nhất hạng! Không thích chào ai chả bị nhắc, tiêu gì chả cần xin phép. Có lúc đói lả nhưng hay hơn về làng nhiều. Tao thích ngất vài quả nữa nhưng phải tránh ngày lễ dân nhậu say nhiều, viện đông chả ai để ý mình. Mà thôi, hèn như mày đi thế nào, tao kể phí chuyện". Làm Toàn tủi thân, công nhận mình bám đít ông bà già thật, cũng chả biết đường mà ngất. Nhưng lại thác ra "Tao còn trong bụng mẹ đã bị dí sau này chống gậy đâu sướng như mày". Bần thần rồi tiếp "Với bố tao bảo chịu khó học mươi năm nữa truyền cho chức chủ tịch xã". Ôi giời, cái gì cũng tiếc thì thay đổi thế nào.

* * *

Giờ là "khách sạn" Xa mẹ, chỗ lưu trú sau khi nằm viện. Tai nạn thật mới bỏ mẹ. Khách vẫy bên kia đường, Sơn lao sang thì đụng xe máy, thằng lái phóng ngược chiều gửi lại câu chửi. Người bu đến thương đứa bé nhiều nhưng mải chửi quân mất dậy kia hơn, thành thử nó phải cố nhịn đau để được thương. Những ông bà tốt bụng cho tiền, chú taxi chở miễn phí… chả ai biết túi nó còn hơn bốn trăm ka(1). Rủi ro lại vào dịp lễ Lao động, dân nông nhàn vui mừng ăn nhậu rồi chạy vào viện nghỉ tiếp đông đúc. Phòng cấp cứu tanh mùi máu khô, hương kháng sinh nồng nàn, bô chậu loảng xoảng suốt đêm. Nằm ngoài rìa, chỏng chơ, nó được hỏi đến nhiều, ai nghe "tường thuật" xong đều nhất trí thằng kia kẻ cướp. Câu thương xót chen câu phẫn nộ rồi đồng lòng lên án thành phố. "Chỗ nào cũng chen chúc, tắc tị, thắp nén hương không tĩnh tâm được". "Xảy nhà ra mới biết dân Hà Nội tệ, mặt mũi lạnh lẽo nói sõng sượt chả như dững quê". "Đúng thế, câu cảm ơn còn tiếc chữ "ạ" nghe ngứa cả tai. "Nhà cháu ở giầu bộn mà tiền chợ bữa nào cũng kiểm, chả rơi vãi chinh nào". "Chả có tình gì chỉ còn tiền, bãi đái cũng thu ba nghìn đi xong tôi để vòi nước chảy cho bõ ghét".

Mỗi người một câu, đa phần đàn bà nên ai nói nấy nghe. Nhưng như được định hướng, đều sắp giơ tay để đề nghị lên Liên Hợp Quốc ra nghị quyết tổng xỉ vả bọn thị thành. Thì góc phòng lào phào giọng âm hồn thất tán: "Tôi cũng người quê, nghe các bà chê người phố từ nãy thấy cũng phải, nhưng biết một mà chưa biết hai…". Dừng tý cho "chợ" đỡ ồn, lại: "Hà Nội là chỗ ba vạ, làm gì ra có cây đa mái đình với ông Thành hoàng như ở nhà. Chú bác vắng láng giềng không còn sợ nỗi gì, nên ai cũng nhổ bọt đái ỉa bậy được. Về quê á, đố giở thói ấy ra. Cái thằng kẻ cướp ấy có khi chào từ đầu làng đến cuối xóm, còn được tiếng khen vì đóng quỹ khuyến học, góp giỗ họ bộn chưa biết chừng". Cái mồm lưa thưa răng ngưng lại lấy hơi rồi tiếp: "Các bà chê người ta thế sao không ở quê còn kéo cả ra đây mà đây là chỗ cần yên tĩnh cứ quen thói nói to nói nhiều như cái chợ ở nhà. Kiếm ăn đâu phải thương đấy, chứ mất tiền mua mâm thì đâm cho thủng là bạc". Lý lẽ chắc quá, các bà phản bác ú ớ nhưng dai nhách, khiến cơn đau của Sơn chạy chỗ lung tung. Miệng hừ hừ mà cái đầu, buốt thon thót theo cơn giật, vẫn biết "nghị quyết" có cơ không ra được.

Chú Hệ đến muộn, không thể bỏ cuốc xe ôm ngoài ga. Tầu đêm nhả ra loại khách hãi lũ tài trọc đầu xăm trổ, nhìn chú thấy tin cậy. Chú nằm bên Sơn trong nhà trọ, ngáy như tầu hỏa, thở ra nặng mùi nhưng về muộn hay dúi bánh giò nóng cho nó. "Ăn khẽ thôi không mai thằng Tính chửi tao". Tính người làng chú, hay vay tiền rồi "quên" lại rất láo. Thấy bảo phải "thêm nếm" mới được khám sớm, mặt chú tái dại. Gửi xe dù chục lần mỗi ngày, cửa viện đều "chém" đủ năm nghìn. Thằng nằm ghép giường mười sáu tuổi, đi phụ hồ, tập uống rượu rơi xuống tầng giờ cứ nôn khan. Các anh thợ bạn người khóc thương, người than không có bảo hiểm mà chủ nhà vắng chả xin ứng tiền được.

Hành lang lại xôm, vẳng vào tiếng hát Em ới em ơi/anh yêu em nhiều/đường về nhà em/xa lắm xa lắm/chó cắn dữ lắm/bố dữ hơn chó/Anh đi xa tới/em còn tiền không... Điều dưỡng viên quát "Bảo mãi chỗ này là chỗ chơi bài phỏng tôi để người nhà các ông kíp sau giải quyết nhá".

Rồi chú Hệ đóng hai triệu tạm ứng, Sơn được đưa đi chiếu chụp, lúc lên bàn bó bột mới hay chân gãy mẹ nó rồi. Bên hậu phẫu yên ắng hơn vì hạn chế người trông nom, bệnh nhân đã được thuốc thang. Đỡ đau, Sơn lại lo. Cô điều dưỡng bảo vào mặt nhăn nhó của chú Hệ "Dịp này đông, toàn người nghèo nhà xa, viện chữa miễn phí mãi thế nào được", giọng đơ đơ như phát thanh viên ngoài ga. "Nhưng mai anh cứ sang cơ quan chức năng xin trợ cấp xem à ngày kìa họ mới đi làm…".

* * *

Lay lắt, đau đớn, trông vào miếng ăn hớp uống người dưng, Sơn suy kiệt, tái ngắt, nghĩ mình chỉ còn thoi thóp. Mẹ đang làm gì, sáng ra thắp hương có biết đường xin các cụ độ cho con. Con còn hơn bốn triệu gửi chủ nhà, chết thì ông ấy có giả mẹ mà con chết thì hơn làm thằng què báo cô. Quê mình lắm người ra đi, chả biết có ai khổ bằng nhà ta… Nhưng mình là phận cỏ, bão về đa đề bật gốc còn cỏ chỉ chúi xuống, chết thế nào được. Kệ!

Gót đỏ chân son - Ảnh 2.

Minh họa: Hoàng Du

Làng Bùm nằm bên sông Bùm, ngoài cây lúa chỉ còn đỗ lạc ngô khoai, không giầu có nhưng thiếu đói thì chẳng. Lại nổi tiếng vì tục kỳ lạ, đi ăn xin. Ông cụ ấy vác rá thủng, đến đây đói chết gục, được tôn lên làm Thành hoàng. Đình chả bao giờ được ban sắc phong vì vua chúa các triềuđều coi thế là hạ tiện. Hết mùa gặt, nhà nào cũng "cử" người khỏe mạnh giả cách tàn tật đi khắp thiên hạ, nên câu "Bùm ta nửa thật nửa chơi, chân lành hóa gẫy nơi nơi tung hoành". Nghe nói thời hợp tác, xã còn cấp giấy giới thiệu cho dân "đi di trú, mong các địa phương tạo điều kiện", thực chất là "lạy ông đi qua bà đi lại". Mấy chục năm nay bị cấm hẳn. "Tục" hết nhưng "thói" giang hồ còn trong máu hay sao, dân Bùm cứ phải ngọ nguậy, thành niên là xuất khẩu lao động, ra khu công nghiệp, phận kém hơn đi ở, lên rừng chém gỗ. Tết lễ người có đoàn thể dân tự do kéo về hân hoan vô tả. Tình quê sâu đậm hóa thành công đức. Nhà trẻ, đường ngõ, đình miếu được sửa sang, họ lớn chi nhỏ đua nhau dựng lại nơi thờ Tổ. Mặt Bùm rờ rỡ, sáng trưng lên.

Qua mấy ngày lại lặng tờ, rặt người già con trẻ, có bà chết thối inh hàng xóm mới biết. Nỗi lo cơm áo không còn, nhưng mặt người sao lắm thui thủi. Lạnh thế, nên lũ mới lớn đều thấy buồn. Lên đường không đổi đời cũng vui hơn, mà chết thế đếch nào!

Hết tết Lao động, lúc Sơn đã ra hành lang, chú Hệ đi lại chốn "chức năng" rồi báo trường hợp của nó rất phức tạp. Bị xe đâm ở quận này nhưng trọ quận kia, cả hai đều bảo đồng nghiệp "bên ấy" mới là nơi giải quyết. Lại báo về quê nhưng tỉnh đâu có quản lý người đi xa làm ăn. "Bèo dạt mây trôi" nhờ đợ đến hôm có đoàn trắng toát sột soạt tới, ông đeo kính lấp loáng cho gửi nó đến nhà tình thương Xa mẹ. Thời buổi chính sách xã hội của nhà nước eo hẹp, may lại dậy phong trào từ thiện. Bệnh viện nào cũng có vài "mái ấm", "nhà tình thương" làm vệ tinh, hứng những cùng đường. Sơn mười lăm, đã quá tuổi được Xa mẹ cứu, nhưng "xét thấy" người nó một tay xách nặng mà mặt già bằng thằng xa vợ, được đặc cách nhận.

Có chốn yên thân lại tiếc. Đợt thành phố "làm sạch địa bàn" trả lang thang cơ nhỡ về quê trước lễ, giá mình không tìm cách trốn để ở lại. Phỉ phui cái mồm, cứ chê "các ông ấy bắt cóc bỏ đĩa" rồi giờ phải ôm cái chân bột và bao nhiêu mối lo.

Nhà tình thương Xa mẹ trong ngõ, xập xệ nhưng hơn chán "khách sạn Bờ la hiên", quạt trần chạy ngày đêm. "Khách" tinh loại hay ngọ nguậy, Sơn được giường riêng do đá đội chân to. Chỗ này một anh mấy năm trước còn vô gia cư nay đã đại gia lập ra, để "bảo tàng quá khứ". Đội trật tự bến xe toàn thứ dữ vào cuộc đỡ đầu bữa sáng, rồi Hội Phụ nữ chợ Tiền cho bữa trưa. Tối thì sơ Phương đến, có hai người đẩy xe thức ăn mở ra còn bốc hơi. Thịnh soạn hay không, sơ mang lại sự ân cần, đầm ấm khiến đám trẻ bụi ngoan hẳn.

"Ăn từ tốn kẻo nghẹn". "Cu Tiến không rửa tay phỏng áo Đức chua lắm nhá". Câu trách khẽ khàng mà đứa nào cũng vội nghe lời. Phương bưng phần riêng vào góc "Nào Ga vơ rốt(2) của chị". Thằng què rất nhạy với mùi mồ hôi lưu cữu nấp trong kẽ ngón, nghĩ chân sơ thơm chả cần lót quế. Câu Tôi xa Hà Nội năm tôi mười lắm khi vừa biết yêu rơi xuống. Chị ấy mềm ấm, không xương xẩucáu gắt như mẹ. Bao giờ tháo bột, em được ở lại đẩy xe thức ăn cho chị nhỉ, hàng ngày đi theo nếp áo chùng, khăn che nửa mặt kín đáo…

Ban đêm, giấc mơ tuổi mới lớn bạo dạn hơn. Sơn đưa Phương về thăm làng, sơ vẫn mặc bộ dài chùm mầu xanh, nhưng lộ gót đỏ giầy nó tặng, đánh xi kỹ bóng hơn mới. Sơn chỉ những quéo nhãn sung bưởi, sơ cứ ngạc nhiên "Ơ thế à". Thằng Toàn chạy theo lí nhí "Mày ra Hà Nội thế này làm tao ghen". Từ khám thờ đình làng, ông cụ râu dài mặt hốc hác đầy bụi bước xuống, tay vung gậy đuổi chó tay thò vào bị vốc mớ tiền lẻ tung lên. "Ta là Thành hoàng, có chút này mừng các con", như thể mình và sơ "có gì". Những tờ năm trăm, một nghìn, hai nghìn đồng rơi chùm giầy đỏ.

* * *

Xa mẹ, sau bữa sáng ấm bụng thật rộn ràng. Chiếu tá lả gầy lên, đứa thạo truyền nghề đứa "cà dốt" xong sát phạt loạn xạ. Thằng bé nhất mười tuổi vớ đâu cuốn ngôn tình, nhá vài câu đã ư ử "Cuộc sống không giống cuộc đời". "Im cái mồm tao đang quắn còn triết học!", đám bạc quăng ra câu quát. Sơn không tham gia bên nào, trầm ngâm như ông già. Chú Hệ về rồi, toàn chuyện buồn. Thằng đồng hương tuyển người đi lao động bùng. Chú đã nộp nó năm chục triệu, sang hẳn trời Âu làm cửu vạn chui. Cảnh sát Ba Lan sẽ thu tiền "nhắm mắt" nhưng đến đợt dọn dẹp đám không có giấy phép lao động vẫn có thể bị hót, trục xuất là mất trắng. Chưa thể lên đường cứu nhà, giờ chú vào rừng đốn gỗ trộm cho đồng hương khác. "Nhỡ ra còn về được nếu không bị kiểm lâm với biên phòng bắn", chú nói khi cho nó năm trăm ka. Sơn được thừa kế đống của: Mũ xe máy, chăn màn, quần áo thùng thình. Cả chiếc ca vát sặc sỡ, thứ "nam ca sĩ" tròng vào cổ khi lên ti vi, chắc chú dành chụp ảnh hộ chiếu.

Chủ nhà trọ cũng đưa lại tiền gửi. Tròm trèm năm triệu, khiến "Ga vơ rốt" đần mặt tính quên béng Phương. Nhờ cái chân, nó được ở lại nhà tình thương đến ngày tháo bột. Những đứa nhẹ hơn hay thuần đói sẽ sớm ra. Vốn ấy không phải ít, nhưng là với lúc yên hàn. Hai mươi ngày nữa nó phải bắt đầu lại, dặt dẹo, tập tễnh, biết đâu may bằng thằng đồng nghiệp cụt đến gối được khách gọi nhiều chăng. Trước mắt hẵng giấu bà bô lắm điều, lúc dứt áo ra đi nó chẳng đã ưỡn ngực "con sức dài vai rộng sá gì" mà.

Đang "tính", dù biết chẳng đến đâu, thì điện thoại réo. Thằng Toàn rách việc ca cẩm quê nhà buồn thối không có tiền chơi điện tử, mẹ tinh nhồi ăn bố vẫn đem chức chủ tịch xã ra nhử học. "Tao trốn ra Hà Nội mày bảo có "đứng" được không?".

"Mày không có bố thì hãy hỏi tao nhé". Sơn tức mình tắt điện thoại. Ngoài kia đã hết mưa, con cuốn chiếu bò đi đằng nào.

(1) Mỗi ka là một nghìn đồng

(2) Nhân vật trẻ đường phố trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của nhà văn Pháp V.Hugo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem