GS Đặng Hùng Võ: Vợ tôi cũng chiều tôi lắm

Chủ nhật, ngày 18/09/2011 06:29 AM (GMT+7)
Giáo sư khẳng định, vợ mình phải được chiều hơn tất cả mọi người khác. Chiều chuộng là một gia vị không thể thiếu của tình yêu, không phải đơn thuần vì lo mất vợ.
Bình luận 0

Tôi át được vợ chứ!

Tính đến thời điểm này, Giáo sư và vợ - nghệ sĩ Nguyễn Hồng Ánh – quen nhau bao lâu rồi?

- Tôi và Ánh quen nhau đến nay cũng được 5 năm rồi đấy cô. Hồi đó có một hội nghị quốc tế mà tôi là một trong những người tổ chức. Qua sự giới thiệu của một vài người bạn, tôi biết và mời nhóm Cỏ lạ (nhóm nhạc của nghệ sĩ Hồng Ánh – PV) đến biểu diễn để khoe văn hóa Việt Nam với cácđại biểu nước ngoài. Sở dĩ tôi mời họ là vì nhóm Cỏ lạ chuyên chơi nhạc cụ dân tộc, lại có thể tấu được các bản nhạc hiện đại phức tạp bằng chính các nhạc cụ truyền thống này.

Sau đó thì mối quan hệ tiến triển ra sao?

- Thú thật là ban đầu chỉ là quen biết thông thường thôi, tôi còn không biết tên, biết mặt của các cô trong nhóm, kể cả Ánh. Mãi về sau này khi đã thân quen hơn, tôi có giới thiệu nhóm với vài hội nghị khác, đó cũng là nét đặc sắc của văn hóa Việt cần phải mời họ trình tấu với các bạn bè quốc tế. Ngoài ra, tôi cũng là người hiểu biết âm nhạc, cũng biết rõ mảnh đất rất hẹp nối giữa "dân tộc của ta" và "đương đại của tây".

img
 

Ánh cũng hỏi ý kiến đôi lần về ý tưởng này nọ đối với việc thể hiện bài này hay bài khác. Sự trao đổi qua lại như vậy khiến quan hệ giữa tôi và Ánh cũng gần gũi hơn, rồi sau đó chúng tôi mớicảm nhận được những gì ngoài âm nhạc.

Sau khi quen biết được bao lâu thì mối quan hệ giữa Giáo sư và nghệ sĩ Hồng Ánh chuyển thành tình yêu?

- Khái quát thì khó biết được lúc nào từ chưa phải tình yêu chuyển thành tình yêu. Ngay thế nào là tình yêu thì người ta cũng phải mướt mồ hôi mà định nghĩa vẫn chưa thành. Trong tình yêu, có cái cụ thể và có cái trừu tượng. Gọi cái gì là biểu hiện của tình yêu đều thiếu chính xác. Nếu câu hỏi là bao lâu thì quyết định cưới nhau, câu trả lời mới có thể chính xác.

Nghệ sĩ Hồng Ánh có điều gì đặc biệt khiến Giáo sư “say”?

- Tôi là người hay sống bằng ấn tượng. Nói thật là tôi được rất nhiều người quý mến, thời thượng thì người ta vẫn gọi là fan. Đi đến nơi này nơi kia, đều có nhiều người gọi, hỏi thăm, nói chuyện, xin chữ ký, chụp ảnh chung, cả các bạn từ lứa tuổi teen tới các cụ già. Hầu như những lần xe tôi bị cảnh sát giao thông thổi còi đều được các anh ấy "tha" không phạt khi nhìn thấy tôi.

Có một lần ở Đà Nẵng, một chủ doanh nghiệp (nam) nhìn thấy tôi rồi chạy lại bắt tay và nói rằng "rất hâm mộ các bài viết của tôi, trong cặp đang xách trên tay này là sưu tầm của tôi về các bài viết đó". Anh rút ra cho tôi xem để chứng minh lời nói của mình, đúng là như vậy. Rồi tôi được tặng một chai rượu ngoại giá trị rất cao làm kỷ niệm cho cuộc gặp gỡ này. Những lần đi lên vùng núi chẳng hạn, nhiều trẻ em, cụ già cũng nhận ra tôi, vui vẻ và trìu mến...

Nhưng với Ánh thì hoàn toàn khác. Khi gặp tôi, Ánh còn chẳng biết Đặng Hùng Võ là ai (cười lớn). Khi quen rồi, Ánh còn nói là "mẹ em biết về anh nhiều lắm mà em chẳng biết gì về anh cả". Chỉ riêng điều này đã khiến Ánh khác với mọi người và gây ấn tượng cho tôi.

Ngoài chuyện không phải fan của Giáo sư thì còn lý do nào khác không?

- Tất nhiên là về sau, càng thân quen hơn thì mới thấy Ánh là người phụ nữ cá tính mạnh, rành mạch và rất độc lập. Mà tôi thì chỉ có thể chơi với những người có cá tính thôi. Cá tính đó có thể tốt, có thể hơi xấu một chút nhưng phải là cá tính riêng biệt, không lẫn được với ai khác. Còn những chị “thều thào” thì … (nói đến đây Giáo sư vừa cười tủm tỉm, vừa lắc đầu)

Ngoài ra, Ánh cũng là người đam mê và có năng khiếu về âm nhạc, cả cổ điển và dân tộc. Điều này rất trùng với sở thích của tôi. Tôi chỉ thích hai loại nhạc: Cổ điển và dân tộc. Một thứ cần niêm luật rất chặt chẽ; một thứ lại rất cần sự buông thả, chẳng có niêm luật gì hết.

Cái đó cũng như tính cách con người tôi vậy: tôi rất tôn trọng tính kỷ luật cao, sự chặt chẽ về luật pháp; còn phần hồn cần phải phóng khoáng, phải phóng khoáng hết cỡ để không có bất cứ sự ràng buộc nào cả. Có lẽ Ánh cũng giống tôi ở điểm này, vậy là tìm được tiếng nói chung. Có thể, chúng tôi đã gây ra cảm giác mạnh cho nhau (cười lớn).

Nhưng người ta thường nói mọi thứ trái dấu mới hút nhau. Giữa Giáo sư và vợ có nhiều cái chung như thế thì hút nhau thế nào được?

- Về nguyên lý, cái gì phát sinh mâu thuẫn thì mới tồn tại được. Tôi và Ánh cũng có nhiều cái mâu thuẫn đấy chứ. Ví dụ như chiều cao hay nhan sắc chẳng hạn! (cười)

Giáo sư là người có cá tính, lấy một người vợ trẻ cũng cá tính rất mạnh. Vậy hai cá tính này làm sao để dung hòa?

- Hai cá tính mạnh thì khó dung hòa, đó cũng là quy luật. Nhưng trong trường hợp này, sự dung hòa lại nằm ở sự chênh lệch lớn về tuổi tác. Sự chênh lệch này tạo ra ngữ cảnh ngựa già thì không háu đá nữa. Tôi lớn tuổi hơn, từng trải hơn, biết cần làm gì để cá tính của vợ vẫn tồn tại mà mọi việc trong nhà lại yên ấm.

Thực tế thì Giáo sư có át được vợ không?

- Tôi át được chứ, tôi đủ sức làm được, làm bằng sự phóng khoáng của tình yêu chứ không phải bằng niêm luật.

Mất 1 giây để quyết định kết hôn

Khi đám cưới của Giáo sư diễn ra, nhiều người không phản đối nhưng cũng cho rằng không cần thiết phải tổ chức rình rang. Ở tuổi của Giáo sư, có thể chỉ cần hai người hiểu, hòa hợp và cứ thế về sống với nhau. Xin mạn phép hỏi, Giáo sư nghĩ sao về quan điểm này?

- Đó cũng là một trong nhiều lựa chọn mà rất nhiều người đã chọn. Nhưng tôi không chọn cách đó, vì tôi không thích, việc gì phải kém đến như vậy. Tôi rất rành mạch, cái gì cũng phải gọi đúng tên cái đó. Người ta yêu nhau là một tuyên ngôn của tinh thần, chẳng việc gì mà phải âm thầm cả. Yêu nhau là việc của hai người, cần phải đàng hoàng. Bình luận là việc của bên thứ ba, không ai ngăn cản.

Vậy quyết định kết hôn của Giáo sư xảy ra trong hoàn cảnh như thế nào?

- Mối quan hệ nào cũng có điểm sôi. Từ lúc quen đến lúc quyết định lấy nhau là ở điểm sôi đó. Chuyện tình cảm của tôi và Ánh cũng vậy. Lúc quyết định kết hôn là lúc cả hai cảm thấy đã đến lúc chúng mình cần có nhau dưới cùng một mái ấm gia đình.

Cũng có lúc cả tôi và Ánh đều có cảm giác “thôi có khi cứ yêu nhau thôi, thế là đủ”. Tính tôi thì lãng tử, gắn vào trách nhiệm gia đình cũng mệt mỏi, nhất là ở tuổi này. Mà Ánh cũng thích cuộc sống tự do. Nhưng đến lúc cái sự cần đến nhau thực sự đã chiến thắng ý thích tự do của cả hai người. Chúng tôi tổ chức đám cưới vì cảm thấy mối quan hệ này không chỉ dừng lại ở chỗ cảm nhau, yêu nhau của hai cá thể mà cần tới cái chung của một cá thể gia đình.

 Giáo sư có thể “bật mí” là giữa Giáo sư và vợ thì ai người chủ động nói đến chuyện kết hôn?

- Cả hai chúng tôi có cùng ý tưởng và ý tưởng đó gặp nhau, ý định kết hôn cũng diễn ra rất tự nhiên như nhiều ý định khác. Trong tình yêu, chẳng có lời nào cụ thể cả, nhìn vào mắt nhau thì biết rằng tình yêu đang muốn gì, gật hay lắc cũng đều là những cảm nhận không lời.

Khi quyết định cưới, Giáo sư có phải đắn đo, suy nghĩ nhiều không?

- Tôi chẳng suy nghĩ cái gì lâu đâu. Quyết định cưới có khi chỉ mất 1 giây thôi. Nói mất 1 giây để quyết định cưới nhưng điều đó không có nghĩa là tôi và Ánh vội vàng. Tất cả các ngữ cảnh, các điều kiện xảy ra giữa chúng tôi trước đấy đã tạo nên điểm sôi tại 1 giây quan trọng này.

Giáo sư có nhận được phản ứng nào từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp không, nhất là các con của Giáo sư?

-Tôi và Ánh yêu rồi lấy nhau là duyên thôi, đã là duyên thì chẳng thể nào khác đi được. Khi cưới tôi chẳng hỏi ý kiến ai cả. Tôi vẫn vậy, quyết định riêng thì không cần thảo luận với những ai ngoài cuộc. Nhưng tôi cũng rất vui là khi thông báo với mọi người trong gia đình lớn của tôi, trong đó có hai con riêng của tôi, các bậc cha chú trong nhà đều nhận được sự ủng hộ tuyệt đối.

Các bạn bè thân nhận được tin đều rất vui. Tôi có nói chuyện này với anh Mai Ái Trực (Nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), anh Trực cười rất lớn mà nói rằng "thế mới đúng quy luật". Hơn nữa, tôi giờ có bị ảnh hưởng bởi ai đâu mà phải xin phép (cười lớn).

Còn vợ Giáo sư thì sao?

- Ánh trẻ hơn nên chắc chắn cũng vất vả hơn đôi chút về chuyện này. Theo những gì tôi biết thì Ánh cũng nhận được sự đồng thuận cao của gia đình. Bạn bè cũng có bình luận, cũng có thể có can ngăn… Ánh cũng là người rất độc lập, cá tính, quyết đáp và không đẽo cày giữa đường bao giờ. Nhưng tốt nhất thì phải hỏi Ánh trực tiếp, tôi không trả lời thay được.

Không lo mất vợ

Nghệ sĩ Hồng Ánh trẻ hơn Giáo sư 30 tuổi, lại có nhan sắc. Giáo sư có phải chiều vợ nhiều không?

- Tất nhiên là có rồi. Tính tôi hay chiều bạn bè nói chung,ở cơ quan cũng vậy. Tất nhiên, vợ mình phải được chiều hơn tất cả mọi người khác chứ. Chiều chuộng là một gia vị không thể thiếu của tình yêu, không phải vì lo mất vợ mà phải chiều.

Tương tự, vợ tôi cũng chiều tôi lắm! (cười rất sảng khoái, hạnh phúc) Ánh luôn biết tôi đang làm gì, quan tâm đến tôi trong nhiều chuyện. Đó là hạnh phúc.

Có khi nào Giáo sư ghen tuông, lo lắng và kiểm soát vợ?

- Về chuyện này thì tuyệt đối không. Tính tôi đã quyết rồi là không còn phải lo lắng gì nữa. Có tình yêu thì có niềm tin, lúc đó đâu cần buộc mà vẫn sát lấy nhau. Khi không còn niềm tin tức là đã hết yêu, lúc đó kiểm soát cũng chẳng để làm gì. Tình yêu mới buộc được nhau thật chặt. Cũng đã có lần tôi nói trên báo rằng, đừng gượng giữ lấy những gì không còn là của mình. Vậy thì kiểm soát hay níu kéo đâu phải là giải pháp.

Nhưng biết đâu nếu Giáo sư chủ động can thiệp vào quy luật đó thì kết quả nó sẽ khác?

- Mình không can thiệp, không theo dõi, không kiểm soát nhưng những gì tinh tế nhất của cuộc sống thì mình đủ cảm nhận được, nhìn ánh mắt là hiểu được ngay.

Trước khi lấy Giáo sư, nghệ sĩ Hồng Ánh đã có một con trai riêng (năm nay 3 tuổi). Giáo sư có gặp nhiều khó khăn để hòa hợp với cậu bé không? Và còn gia đình nhà vợ nữa, Giáo sư có gặp cản trở nào không?

- Không, tôi chẳng gặp bất kỳ khó khăn gì trong chuyện này cả. Tình cảm thực tạo nên ngữ cảnh. Tình cảm của tôi và cu Tít (tên thân mật của cậu bé) là tình bố con thực sự. Gia đình nhà vợ cũng vậy, mọi người đều chào đón tôi với một tình cảm thực, chẳng có gì phân biệt cả.

Cuộc sống của Giáo sư sau khi kết hôn lần 3 chắc có nhiều thay đổi?

- Mọi thứ vẫn vậy, không xáo trộn nhiều. Có khác ở chỗ là tôi chuyển về nhà mới sống cùng mẹ con Ánh, mẹ vợ cũng ở cùng đây để chuẩn bị giúp Ánh khi sinh con (nhà mới của Giáo sư là một căn biệt thự nằm sâu bên trong đường Giải Phóng, hiện đang được sửa chữa, hoàn thiện bên ngoài).

Cũng có cái khác là sự tự do của mình giảm xuống, còn trách nhiệm lại tăng lên. Điều này mình đã biết trước khi cưới rồi. Còn lại thì việc của ai người đó làm. Mỗi ngày, tôi lại có người đàm luận với mình về đủ thứ chuyện, cũng khác so với trước đây.

Vợ Giáo sư mang bầu mấy tháng rồi?

- Ánh đang mang bầu tháng thứ 6, đang nghỉ ở nhà chờ sinh. Em bé là con gái. Ánh có sức khỏe tốt, con cũng khỏe nên mọi thứ đều ổn cả. Trong số tất cả các con (đã rất lớn rồi) thì tôi chỉ có một cô con gái, năm nay cũng đã ngoài 30 tuổi rồi. Thêm em bé này nữa là tôi có 2 cô con gái.

Ở tuổi 65, Giáo sư có sợ cảnh chăm con mọn không?

- Tôi chưa bao giờ sợ khó khăn. Chịu khó khăn cho thế hệ sau chính là hạnh phúc, mình phải làm. Cũng có người bảo tôi tuổi cao mà có con thế này là gánh nặng lớn, nhưng tôi thì thấy có gì mà nặng đâu. Tôi gánh nặng cũng quen rồi mà.

Mọi thành viên trong gia đình (từ anh chị em đến các con lớn) của Giáo sư đón nhận thành viên mới này thế nào?

- Tôi có tất cả 9 ông chú và bà cô, hơn tôi cỡ chừng từ 6 đến 20 tuổi, và tất cả các con tôi nữa, mọi người đều ủng hộ cuộc hôn nhân này tuyệt đối. Vì thế, cùng với tôi, gia đình lớn của tôi rất vui mừng chờ đón thành viên mới sẽ chào đời.

 Nếu có thể mô tả cuộc sống của mình trong giai đoạn này bằng một từ duy nhất, Giáo sư sẽ dùng từ nào?

- HẠNH PHÚC! Hiện giờ tôi luôn có cảm giác viên mãn,thoải mái. Sau quyết định kết hôn với Ánh, tôi cảm thấy mình hạnh phúc.

Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện thú vị này!

Theo Nam Châm
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem