Hà Nội cấm thi đầu cấp: Phụ huynh lao đao vì… “giấy thông hành”

Tùng Anh Thứ năm, ngày 19/05/2016 07:45 AM (GMT+7)
Muốn tuyển vào các trường top, ngoài kiến thức, học sinh cần có giải thưởng từ cấp quận, thành phố các cuộc thi Toán, Tin, Nhạc, Hoạ… khiến phụ huynh “méo mặt”.
Bình luận 0

Con gái học lớp 3 mới có kết quả thi Vi-Olympic Toán, chị Trần Thị Loan (Cầu Giấy - Hà Nội) mừng như… nhặt được vàng. Chưa bao giờ chị mong thành tích này của con đến như vậy.

Chị Loan cho biết năm trước con trai chị xét tuyển vào trường THCS Cầu Giấy, cháu học lực giỏi nhưng chẳng có thành tích, bằng khen gì cả nên không trúng tuyển.

"Sau đó phải cho con học trường dân lập gần nhà, tôi cứ ân hận mãi” - chị Loan chia sẻ.

Vậy là đến đứa thứ 2, ngoài việc đầu tư cho con học để làm đẹp học bạ, chị Loan còn hướng cho con tham gia rất nhiều cuộc thi cấp quận, thành phố, kể cả các cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao.

“Trước thi thì để giao lưu học hỏi, vui chơi là chính thôi, nhưng bây giờ tham gia là để có giải nên không chỉ các con mà phụ huynh cũng bị áp lực” – chị Loan thở dài.

img

 Cuộc chạy đua đầu cấp đang ngày càng căng thẳng ở các trường “top”. (Ảnh minh họa: IT)

Mặt trái của những “tiêu chí phụ” không chỉ là áp lực đối với phụ huynh mà cũng khiến nhiều trường “top” phải rối trí.

Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) là 600 chỉ tiêu, nhưng đến thời điểm này, trường đã bán ra hơn 2.000 hồ sơ. Chính vì vậy, trường này dự kiến sẽ chọn thí sinh học lực đạt loại giỏi và cộng điểm cho các giải thưởng, bằng khen trong các cuộc thi Toán, Tin, tiếng Anh cấp thành phố và thêm ưu tiên cho học sinh đạt giải trong các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể thao, con gia đình chính sách…

Tuy đã đề ra hàng loạt tiêu chí phụ nhưng lãnh đạo trường này vẫn rất lo lắng. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường cho biết, năm trước trường nhận 4.000 hồ sơ, trong đó đã có 1.000 hồ sơ đạt điểm 10 tuyệt đối ở tất cả các bài kiểm tra trong 5 năm.

“Tôi đã không thể tin được điều này, điểm 10 tiểu học bây giờ học sinh có được quá dễ dàng. Mục đích xét tuyển là để tránh căng thẳng trong việc luyện thi vào các lớp 6. Nhưng trên thực tế, học sinh phải tham gia thi online, hết cuộc này tới cuộc khác để lấy giải còn căng thẳng hơn nhiều” – PSG Cương nói.

Lãnh đạo của trường Marie Curie (Nam Từ Liêm) cũng cho biết năm nay trường sẽ căn cứ theo kết quả học tập, sau đó đến các em có giải cao cấp thành phố, thi tiếng Anh... Với 300 chỉ tiêu, trường này năm nào cũng nhận được số lượng hồ sơ gấp 4 - 5  lần số cần tuyển.

“Các “tiêu chí phụ” trở thành áp lực cho cả phụ huynh và nhà trường. Những em được học lực giỏi mà bị trượt vì không có giải nọ, giải kia thì thật đáng tiếc” – vị này nói.

Nói về lo ngại việc “biến tướng” trong việc phụ huynh phải chạy đua để có tiêu chí phụ, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng: “Việc tham gia các sân chơi hoàn toàn là tự nguyện. Nếu phụ huynh tự nguyện cho con em tham gia là điều rất tốt. Khi tham gia nếu muốn có giải thì phải lao động, không lao động thì không thể có thành tích. Điều này tự phụ huynh đã gây lên áp lực cho mình”.

Ông Đại cũng cho biết, phương án xét tuyển sau một thời gian vẫn phát huy tác dụng thì vẫn nên duy trì. Sở sẽ xét duyệt các tiêu chí mà các trường đưa ra, tiêu chí nào cũng phải lấy kết quả học tập từ năm lớp 1 đến lớp 5 làm tiền đề, sau đó mới được xét đến các vấn đề khác.

“Muốn biết chất lượng học sinh thế nào thì phải qua 1 thời gian nhất định. Phương án nào cũng có mặt hay mặt dở, cần phải có thời gian để xem xét, đánh giá. Tuy nhiên, báo cáo của các trường hết học kỳ I vừa qua thì chất lượng lứa đầu khá tốt“ – ông Đại nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem