|
Ảnh minh họa |
Ông có thể khái quát thực trạng sử dụng nước sạch của người dân nông thôn Hà Nội hiện nay?
- Qua khảo sát và điều tra của chúng tôi mới đây cho thấy, tỷ lệ người dân nông thôn của Hà Nội được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh rất thấp. Hiện có khoảng trên 60% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có hơn 30% được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện đa số người dân khu vực nông thôn sử dụng nước giếng khoan, giếng đào, chưa đảm bảo được chất lượng sinh hoạt, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và vệ sinh môi trường.
Vì sao tỷ lệ sử dụng nước sạch lại thấp như vậy với địa phương có điều kiện như Thủ đô Hà Nội?
- Là thủ đô của cả nước nhưng từ khi mở rộng, Hà Nội có tới 18 huyện và một thị xã, 401 xã với trên 60% (khoảng hơn 4 triệu người) dân số sống ở khu vực nông thôn. Phần lớn khu vực này thuộc tỉnh Hà Tây cũ, nơi có tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch thấp; việc đầu tư cho nước sạch khu vực này cũng thấp, từ năm 2006-2010 chỉ đạt 613 tỷ đồng, lại không đồng bộ, manh mún, dẫn tới tình trạng một số công trình đầu tư chưa hoàn chỉnh, có công trình đầu tư được trạm cấp nước lại không đầu tư đường ống, có công trình đầu tư xong hệ thống đường ống nhưng lại không đấu nối được…; có những công trình đầu tư 5-6 năm, thậm chí hơn 10 năm nay vẫn chưa khắc phục được.
Ông Đào Duy Tâm cho biết: Mục tiêu của TP. Hà Nội là đến năm 2015 có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 60% dân số nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Hiện nay Nhà nước rất khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực nước sạch, vì sao Hà Nội lại có ít doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực này, vướng mắc do đâu?
- Thực tế trên địa bàn Hà Nội đã có rất nhiều các mô hình HTX hoặc doanh nghiệp tự bỏ tiền ra đầu tư nước sạch. Tuy nhiên, việc xã hội hóa đã dẫn tới những bất cập là quy mô nhỏ, công nghệ chưa đáp ứng được. Có những chỗ, giao cho HTX đứng lên khai thác, vận hành, nhưng sau 3-5 năm công trình xuống cấp lại không có khả năng cải tạo… Mặt khác, trước đây từ bộ, thành phố, huyện, xã… đều đầu tư làm nước sạch nhưng lại không nằm trong quy hoạch tổng thể, dẫn tới manh mún, kém hiệu quả.
Có một thực tế là trước đây, một số doanh nghiệp khi tham gia đầu tư chưa có quy hoạch, nên hiện tại vướng mắc về vấn đề giải phóng mặt bằng, chỉ giới đường đỏ…, đã khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính.
Vậy để đạt được mục tiêu đến năm 2015 có 60% dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, thành phố đã có những giải pháp gì?
- Giải pháp trước mắt là các xã vùng ven đô thị, thị trấn, thị tứ... sẽ đấu nối với hệ thống nước của đô thị. Còn vùng sâu, vùng xa, dân chưa tiếp cận được và chưa có điều kiện xây dựng trạm cấp nước tập trung, thành phố sẽ hỗ trợ 40.000 bể lọc nước cho người dân, trong đó, ưu tiên hộ gia đình chính sách, hộ nghèo. thành phố cũng đang tập trung đầu tư cho 6 công trình trạm cấp nước tập trung liên xã tại các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh, để đảm bảo phục vụ cho hơn 300.000 người được dùng nước sạch.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã được Bộ NNPTNT đầu tư cho công trình nước sạch của 30 xã từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Cùng với đó, một số công trình nước sạch trước đây đã đầu tư chưa hoàn thành, chúng tôi sẽ tiếp tục bàn giao cho các doanh nghiệp và hỗ trợ 60% kinh phí để doanh nghiệp hoàn thiện.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.