Hà Nội: Địa phương chậm ra văn bản, nhiều hộ dân chịu thiệt

Vũ Thị Hải - Trần Phượng Thứ hai, ngày 18/12/2017 10:31 AM (GMT+7)
Hơn 233 nghìn m2 đất của hàng trăm hộ nông dân thuộc 9 xã, thị trấn của huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội) đã được thu hồi để thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 từ cuối năm 2006, nhưng đến nay, người dân mới phát hiện mình chưa được nhận đủ chính sách hỗ trợ theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Không hỗ trợ vì tỉnh chưa quy định? 

Trong đơn gửi Dân Việt, đại diện một số hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 32 trình bày: Thực hiện đúng chính sách nên người dân đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng để dự án thi công đúng tiến độ.

Gần đây, bà con mới phát hiện, một số hộ dân khác cũng có đất bị thu hồi cũng để phục vụ dự án trên, tại cùng thời điểm đã được nhà nước giao đất dịch vụ bằng 10% diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Do đó, người dân đã làm đơn đề nghị cấp có thẩm quyền hỗ trợ bổ sung nhưng chưa được giải quyết.  

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Huân, bà Nguyễn Thị Lan và hàng chục các hộ dân khác thuộc cụm dân cư số 3 và 4 thôn Thượng Lộc, Trung Nam Lộc thuộc xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội khẳng định việc giải quyết chính sách đền bù hỗ trợ đất dịch vụ 10% khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phục vụ dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 32 đối với các hộ dân ở đây chưa được thực hiện.

“Khi tiến hành thu hồi đất, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng của địa phương vận dụng chưa đúng, chưa đủ chính sách áp dụng cho người dân có đất bị thu hồi dẫn đến thiệt thòi cho chúng tôi” - bà Lan nói.

“Khi phát hiện có chính sách này, người dân đã kiến nghị rất nhiều lần lên các cơ quan có thẩm quyền nhưng chúng tôi vẫn chưa được giao trả phần lợi ích trên, rất thiệt thòi”- Ông Huân trình bày.

img

Quốc lộ 32 đoạn qua huyện Phúc Thọ đã được mở rộng từ năm 2006. 

Trong thông báo trả lời đơn đề nghị của các hộ dân, cũng như tại buổi làm việc với PV Dân Việt về những đề nghị của người dân, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho rằng, việc gia đình ông Luyến (thôn Thượng Lộc, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, TP.Hà Nội) và các hộ dân đề nghị được hưởng đất dịch vụ 10% là không có cơ sở.

Theo đó, tại thời điểm thu hồi đất 21.11.2006, Quyết định 1098/2007/QĐ-UB của UBND tỉnh Hà Tây (cũ) quy định việc giao đất có thu tiền sử dụng đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp hoặc đất ở cho hộ gia đình cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây chưa được ban hành.

Tuy nhiên, Nghị đinh số 17/2006/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2004, trong đó có quy định việc hỗ trợ giao đất kinh doanh dịch vụ cho nông dân có đất bị thu hồi đã được Chính phủ ban hành trước thời điểm các hộ dân bị thu hồi đất (ngày 27.1.2006, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày).  

Thế nhưng, hơn một năm sau, ngày 28.6.2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) mới ban hành quyết định 1098 nói trên, khiến hàng trăm hộ dân nơi đây bị thiệt thòi, không được thụ hưởng chính sách của Nhà nước.

1 thửa đất, 2 lần thu hồi?

Bên cạnh đó, gia đình ông Vũ Đức Luyến trình bày: Năm 2006, gia đình ông Vũ Đức Lưu (bố đẻ ông Luyến) có 115m2 đất nông nghiệp thuộc thửa số 58 tờ bản đồ số 8 đã bị thu hồi hết để làm đường Quốc lộ 32. Khi thu hồi đất, Phòng TNMT huyện Thọ Lộc đã chỉnh lý Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất của gia đình ông Lưu, với xác nhận đã thu hồi hết.

Tuy nhiên, năm 2014, khi UBND huyện Phúc Thọ thực hiện dự án đấu giá quyền sử dụng đất khu Cửa Đình, xã Thọ Lộc thì lại một lần nữa ra quyết định thu hồi 64m2 đất cũng tại thửa trên. Trong khi đó, theo ông Luyến thì 64m2 đất này thuộc thửa số 4, tờ bản đồ số 4, vẫn đang được ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình.

img

Các hộ dân cho rằng bị thiệt thòi trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng quốc lộ 32. Ảnh TP. 

Ông Luyến cho rằng, một thửa đất đã bị thu hồi hết, nay lại có văn bản thu hồi là trái quy định, có sự mập mờ. Diện tích 64m2 đất của gia đình thực tế không nằm trong diện tích đất được UBND tỉnh cho phép thu hồi, gia đình ông Luyến đã không nhận các khoản bồi thường hỗ trợ mà làm đơn khiếu nại quyết định trên. Tuy nhiên, khiếu nại của gia đình ông Luyến đã không được chấp nhận và gia đình ông đã bị cưỡng chế thu hồi đất.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện UBND huyện Phúc Thọ lý giải: Do năm 1996, xã Thọ Lộc làm lại bản đồ trích đo nên diện tích 64m2 đất này  “nhảy” từ thửa 04 tờ bản đồ số 4 sang thửa 58 tờ bản đồ số 8 như hiện nay. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp tờ bản đồ lập năm 1996 thì cơ quan này chỉ đưa ra được một sơ đồ vẽ tay, không được đóng dấu của cơ quan chức năng.

Để xác định diện tích đất của gia đình ông Luyến có nằm trong chỉ giới thu hồi đất của Dự án đấu giá quyền sử dụng đất hay không, chúng tôi đã đề nghị UBND huyện cung cấp trích đo tỷ lệ 1/500 khu đất được thu hồi. Tuy nhiên, cơ quan này cũng chưa cung cấp được tài liệu nói trên.

Nghị định số 17/2006/NĐ - CP, ngày 27.1.2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2004, trong đó, Điều 4 của Nghị định này đã sửa đổi điều 29 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP qui định: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không được Nhà nước bồi thường bằng đất nông nghiệp tương ứng thì được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định sau đây:

1. Được giao đất có thu tiền sử dụng đất tại vị trí có thể làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp; mức đất được giao do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng quỹ đất và mức đất bị thu hồi của từng hộ gia đình, cá nhân để quy định; giá đất được giao bằng giá đất nông nghiệp tương ứng cộng với chi phí đầu tư hạ tầng trên đất nhưng không cao hơn giá đất tại thời điểm thu hồi đất đã được UBNS cấp tỉnh quy định và công bố;

2. Trường hợp đặc biệt không có đất để bố trí như quy định tại khoản 1điều này thì những thành viên trong hộ gia đình còn trong độ tuổi lao động được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; mức hỗ trợ cụ thể do ñy ban nhân dân cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tế ở địa phương; việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp được thực hiện chủ yếu bằng hình thức học nghề tại các cơ sở dạy nghề”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem