Đến nuôi ong cũng phải đóng tiền xây dựng quê hương
Đó là thực trạng của hàng chục hộ nuôi ong công nghiệp tại xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Người nuôi ong bức xúc khi bị chính quyền xã này ép thu phí nuôi ong 10.000 đồng/tổ, tương đương từ 3-6 triệu đồng/hộ nuôi một cách rất vô lý, nhưng không biết kêu ai.
Người nuôi ong du mục đến xã Hòa Hải đặt tổ nuôi ong phải ký hợp đồng 10 triệu đồng.
Ông L.V.N (xin giấu tên), có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắc Lắc, hiện đang tạm trú nuôi ong tại địa bàn xã Hà Linh cho biết: "Cách đây gần 2 tháng, tôi mang đàn ong của mình từ Tây Nguyên ra địa bàn xã Hà Linh, hợp đồng thuê đất vườn trồng keo tràm của một người dân địa phương để đặt nuôi. Sau đó ít ngày, tôi lên xã đăng ký tạm trú thì được công an xã Hà Linh hướng dẫn phải kê khai tổng số tổ ong của tôi đang nuôi và chuẩn bị tiền để đóng phí "xây dựng quê hương" cho xã, rồi mới được đăng ký tạm trú".
Theo ông N. lúc đầu ông Phan Đình Tâm-Trưởng Công an xã Hà Linh nói với người nuôi ong là thu mỗi tổ 15.000 đồng. Ai nuôi nhiều thì đóng nhiều, nuôi ít thì đóng ít và đó là quy định chung của xã. Sau khi chúng tôi thắc mắc thì xã lại hạ xuống mức phí 10.000 đồng/tổ.
Chị N. T. L bức xúc: “Chúng tôi nuôi ong là lao động hợp pháp. Nó không gây hại đến con người và cây trồng. Giống ong công nghiệp này nằm trong danh mục được Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn cho phép nuôi. Việc xã bắt chúng tôi đóng phí như vậy là quá cao và hết sức phi lý”.
Giấy mời của UBND xã Hòa Hải yêu cầu các hộ nuôi ong lên làm việc
Theo số liệu của UBND xã Hà Linh trên địa bàn xã có 14 người dân từ nơi khác đến tạm trú để nuôi ong. Trong đó, một số hộ nuôi nhiều lên đến 600 tổ, tương đương số tiền phải nộp là 6 triệu đồng. Hiện nay, 10/14 hộ đã nộp tiền "đóng góp xây dựng quê hương” cho xã, 4 hộ còn lại vẫn chưa chịu nộp. Các hộ nuôi ong tại xã Hà Linh đều cho biết, trong cuộc họp tổ chức vào ngày 8.5, ông Nguyễn Đình Manh-Phó Chủ tịch UBND xã này tuyên bố, nếu ai nộp tiền sẽ được đăng ký tạm trú ở lại làm ăn, nếu không nộp sau 5 ngày phải chuyển khỏi địa bàn.
Muốn đăng ký tạm trú phải ký hợp đồng
Không chỉ ở xã Hà Linh mà ở xã Hòa Hải huyện Hương Khê người nuôi ong còn phải đóng khoản phí cao hơn nhiều dưới dạng hợp đồng kinh tế.
Chị N. T. N quê ở tỉnh Thanh Hóa cho hay: “Tôi đưa đàn ong vào địa bàn xã Hòa Hải nuôi gửi đã 2 tháng nay. Lúc đến chúng tôi đã báo cáo với xóm và công an xóm. Từ hôm đó đến nay xã đã 3 lần gửi giấy mời và nhiều lần gọi điện yêu cầu tôi lên để đăng ký tạm trú. Tuy nhiên khi lên làm việc với công an xã họ yêu cầu phải làm hợp đồng kinh tế với xã rồi mới được đăng ký tạm trú. Khi tôi yêu cầu được đăng ký tạm trú trước thì vị công an nói vòng vo và quyết không làm tạm trú cho tôi và hẹn khi khác lên làm việc”.
Người nuôi ong bức xúc trước khoản thu vô lý của chính quyền địa phương đưa ra
Còn chị L. cho biết: “Vừa rồi công an xã lại gửi giấy mời yêu cầu chúng tôi lên để làm việc về vấn đề nuôi ong. Khi tôi lên xin làm thủ tục để đăng ký tạm trú thì công an xã Hòa Hải yêu cầu nộp phạt vi phạm hành chính vì đến ở tại địa phương không đăng ký tạm trú kịp thời. Tôi đồng ý nộp phạt và xin được đăng ký tạm trú thì công an viện hết lý do này đến lý do khác rồi yêu cầu ký hợp đồng và đóng tiền rồi làm tạm trú luôn. Đây là đàn ong của anh em, do ở vườn cũ người ta đã bán bớt keo tràm nên không đủ để đặt ong đành phải chuyển một nửa đàn để gửi sang vườn khác. Vậy mà họ vẫn yêu cầu phải làm hợp đồng thành hai hộ. Vì chư ký hợp đồng với xã nên đã hai tháng rồi tôi vẫn chưa được làm tạm trú”.
“Trong lúc đó tại các cuộc làm việc với những hộ nuôi ong công an xã Hòa Hải yêu cầu các hộ làm hợp đồng rồi mới làm tạm trú cho. Tại buổi làm việc với hộ nuôi ong ngày 9.6, vừa qua vị trưởng công an xã này đọc bản hợp đồng đã ký năm trước để thuyết phục người nuôi ong thực hiện”- Chị L. cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đình Quang-Chủ tịch UBND xã Hòa Hải cho biết: “Không có việc xã ép các hộ nuôi ong phải đóng tiền với mức giá 10 triệu đồng/hộ. Khoản này do người nuôi ong tự nguyện đóng góp”.
Theo trình bày của các hộ nuôi ong tại xã Hòa Hải, họ đã nhiều năm vào đây nuôi gửi ong. Những năm đầu xã làm hợp đồng kinh tế với các hộ nuôi ong với giá 5 triệu đồng/hộ. Đến năm 2015, 2016 mức đóng tăng lên 10 triệu đồng/hộ. Năm nay họ nâng mức đóng lên 15 triệu đồng /hộ. Vì thấy mức phí đóng quá cao các hộ dân này đang xin xã cho giảm bớt. Gần đây xã thông báo chỉ phải đóng mỗi hộ 10 triệu đồng để được nuôi ong tại địa phương.
Chủ tịch UBND huyện Hương Khê:
Ép người nuôi ong đóng phí như thế là không đúng!
Trao đổi với PV về vấn đề trên ông Lê Ngọc Huấn- Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho hay: “Tôi cũng vừa nắm được thông tin này và đang cho anh em kiểm tra. Nếu có sự việc ép dân nuôi ong đóng tiền như vậy thì không đúng rồi”. Ông Huấn cho biết thêm: “Người ta đến địa phương làm ăn, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa tận dụng được và phát huy các điều kiện thiên nhiên (các loài hoa) của vùng thì chính quyền phải tạo điều kiện cho họ chứ xã làm vậy là không được. Sau khi kiểm tra chúng tôi sẽ đưa ra hướng xử lý”.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.