Hàn Quốc thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI theo dõi người mắc Covid-19
Hàn Quốc thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt AI theo dõi người mắc Covid-19
Huỳnh Dũng
Thứ ba, ngày 14/12/2021 15:37 PM (GMT+7)
Chương trình thử nghiệm ở Bucheon, Hàn Quốc sẽ sử dụng các thuật toán AI và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giảm khối lượng công việc cho các thiết bị, đội ngũ theo dõi truy vết Covid-19.
Theo đó, Hàn Quốc sẽ sớm triển khai một dự án thử nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ nhận dạng khuôn mặt và hàng chục nghìn camera AI để truy vết người mắc Covid-19. Dự án thí điểm này đã được Chính phủ cấp ngân sách 1,36 triệu USD và thành phố Bucheon tự chi thêm 500.000 USD cho dự án, và nó sẽ được triển khai từ tháng 1/2022 ở thành phố Bucheon, nằm ở ngoại ô thủ đô Seoul- nơi có mật độ dân cư cao nhất nước, một quan chức thành phố nói với hãng tin Reuters.
Ở đây, Hệ thống sử dụng thuật toán AI và công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phân tích cảnh quay được thu thập bởi hơn 10.820 camera an ninh và theo dõi chuyển động của người bị nhiễm Covid-19, bất kỳ ai mà họ tiếp xúc gần, và xem liệu họ có đeo khẩu trang hay không, theo một kế hoạch chiến lược dài 110 trang từ thành phố đã đệ trình lên Bộ Khoa học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc.
Một quan chức Bucheon cho biết, hệ thống sẽ giảm bớt sự căng thẳng cũng như gánh nặng cho các đội ngũ truy vết Covid-19 làm việc quá sức trong một thành phố có dân số hơn 800.000 người, đồng thời giúp sử dụng các đội truy vết một cách hiệu quả và chính xác hơn ở các phân đoạn nhiệm vụ khác.
Thực ra, trước đây Hàn Quốc đã có một hệ thống theo dõi liên lạc công nghệ cao, tích cực thu thập hồ sơ thẻ tín dụng, dữ liệu vị trí điện thoại di động và cảnh quay CCTV, cùng các thông tin cá nhân khác. Tuy nhiên, nó vẫn dựa vào một số lượng lớn các nhà điều tra dịch tễ học, những người thường phải làm việc theo ca 24 giờ, điên cuồng truy tìm và liên hệ với các trường hợp mắc Covid-19 và những người tiếp xúc có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Chính vì vậy, Thị trưởng Bucheon Jang Deog-cheon khẳng định hệ thống dùng AI sẽ hỗ trợ truy vết nhanh hơn: "Đôi khi phải mất hàng giờ để phân tích một đoạn cảnh quay CCTV. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ nhận dạng trực quan AI sẽ cho phép phân tích cảnh quay đó ngay lập tức trong thời gian ngắn", ông nói trên Twitter. Hệ thống này cũng giúp giải quyết việc các nhóm truy vết phải phụ thuộc chủ yếu vào khai báo của bệnh nhân, trong bối cảnh nhiều người không sẵn lòng tiết lộ hoạt động và lộ trình đi lại của chính họ.
Về hiệu quả tiềm năng, hệ thống này tại Bucheon có thể đồng thời truy vết 10 người trong vòng 5-10 phút, giảm đáng kể thời gian so với mức trên dưới một giờ mỗi người theo cách truy vết thủ công.
Bộ Khoa học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho biết, hiện tại họ không có kế hoạch mở rộng dự án ra cấp quốc gia. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lo ngại về quyền riêng tư với hệ thống sử dụng thuật toán trí tuệ nhân tạo. Công nghệ này sẽ theo dõi những người đã tiếp xúc với những người bị nhiễm vi rút bao gồm cả theo dõi những người có hay không đeo khẩu trang. Thế nên, sau khi dự án này được công bố thì nó xảy ra hai luồng phản ứng trái chiều khác nhau. Một bên ủng hộ phương án theo dõi và truy vết này, nhưng một số nhà lập pháp bày tỏ lo ngại Chính phủ có thể dùng dữ liệu cá nhân của người dân ngoài mục đích ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Park Dae-chul, một nhà lập pháp của Đảng Quyền lực Nhân dân đối lập nói với hãng Reuters rằng: "Việc giám sát và kiểm soát công chúng qua CCTV khi không có sự đồng ý của công chúng là hoàn toàn sai lầm".
Tuy nhiên, giới chức Bucheon bác bỏ lo ngại về riêng tư, khẳng định hệ thống sẽ tự động làm mờ khuôn mặt những người không trong diện truy vết. Hệ thống chỉ theo dõi những bệnh nhân được xác nhận dựa trên Đạo luật Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh lây nhiễm quốc gia. Chuyên viên truy vết sẽ tuân thủ các điều luật và không có nguy cơ lộ dữ liệu hay xâm phạm quyền riêng tư.
Theo quy định, bệnh nhân phải đồng ý trước khi hệ thống nhận diện khuôn mặt được sử dụng. Tuy nhiên, hệ thống mới vẫn có thể truy dấu vết họ dựa trên dáng cơ thể và trang phục. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) khẳng định, công nghệ này hợp pháp miễn là nó tuân thủ những quy định về kiểm soát dịch bệnh.
Hệ thống mới ở Bucheon không phải là mới. Bài báo của hãng tin Reuters cho biết công nghệ nhận dạng khuôn mặt tương tự để theo dõi bệnh nhân COVID-19 gần đây đã được triển khai hoặc thử nghiệm ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Tại Thái Lan, Bệnh viện Siriraj Piyamaharajkarun đã lắp đặt hệ thống nhận dạng khuôn mặt không tiếp xúc. Hệ thống bao phủ các quầy đăng ký bệnh nhân của bệnh viện và các điểm tiếp xúc khác để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đăng ký nhanh hơn và chính xác hơn, đồng thời giảm tiếp xúc trực tiếp với người mắc COVID-19.
Không những thế, các Chính phủ trên khắp thế giới cũng đã chuyển sang sử dụng các công nghệ mới và mở rộng quyền lực pháp lý hơn để cố gắng ngăn chặn làn sóng nhiễm bệnh Covid-19 đang ngày càng phức tạp.
Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Ba Lan và Nhật Bản cũng như một số bang của Mỹ nằm trong số các chính phủ, quốc gia, chính quyền đã triển khai hoặc ít nhất là thử nghiệm các hệ thống nhận dạng khuôn mặt AI để theo dõi bệnh nhân Covid-19, theo một báo cáo của Trường Đại học Luật Columbia ở New York đưa tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.