Hàng triệu người khát nước

Thứ sáu, ngày 02/04/2010 08:14 AM (GMT+7)
NTNN - Mùa khô đến và những diễn biến bất thường về thời tiết khiến hàng triệu người ở nhiều nơi thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Một số nơi người dân phải mua nước sinh hoạt với giá đắt như... nước khoáng.
Bình luận 0

 img
 Thiếu nước sinh hoạt trầm trọng trên nhiều địa phương.

ĐBSCL: Thiếu nước, béo “cò” 

Nắng nóng nhiều ngày qua làm cho các nguồn nước ngọt ở các tỉnh ven biển ĐBSCL ngày càng cạn kiệt.

Tại các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre, nước sinh hoạt trong mùa khô lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt ở huyện Bình Đại chỉ có duy nhất doanh nghiệp tư nhân Trung Thành “độc quyền”cung cấp nước sinh họat với giá từ 10.000-12.000 đồng/m3.

Điều đáng nói là doanh nghiệp này lấy nước từ sông Ba Lai lên xử lý chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh nhưng không còn nguồn nước nào khác nên người dân phải cắn răng sử dụng. 

Ở các xã ven biển như: Thới Thuận, Bình Thới... người dân phải mua nước lại từ các “cò” với giá 40.000 đồng/xe máy cày chở nước (tương đương 20.000 đồng/khối).

Ông Nguyễn Văn Léo (người dân điạ phương) cho biết: “Khu vực này do không có trạm cấp nước nên hiện nay người dân phải đào giếng để lấy nước ngầm từ lòng đất. Hộ dân nào không có tiền đào giếng thì mua lại nguồn của công ty...”

Tại Tiền Giang, cái nắng chói chang những ngày qua đã làm cho mặt ruộng nứt nẻ chân chim, những vườn cây, lá từ màu xanh đã ngả sang màu vàng. Người dân cù lao Lợi Quan (huyện Tân Phú Đông) cho biết: Năm nay khô hạn thiếu nước khốc liệt nhất trong  10 năm qua.

Tây Nguyên: Đi bộ 5km lấy nước

Những ngày này, người dân tại các làng Tào Ròn, Tào Kuk (xã Dun, huyện Chư Sê, Gia Lai) đang sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Hiện mực nước tại các con suối gần làng Ia Pen, Ia Rok, Ia Sul... đều cạn kiệt, người dân phải đi bộ gần 5km về các làng Qeen Thoa, Qeen O... xin nước về dùng.

Hàng nghìn hộ dân huyện Krông Pa, đặc biệt tại thị trấn Phú Túc và các xã Đất Bằng, Ia Mlăh, Phú Cần... đang không có nước sinh hoạt, kể cả nước uống cho gia súc.

Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, UBND huyện Krông Pa (Gia Lai) đang sử dụng nguồn nước lấy từ con sông IaMlăh thông qua hệ thống khử trùng (tinh lọc chưa tốt lắm) nhằm phục vụ các hộ dân với giá khoảng 5.000-6.000 đồng/m3.

Tại Đăk Nông, từ hơn một tháng qua, hơn 200 sinh viện Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam không có nước sinh hoạt. Trường đã đào và khoan thêm 8 giếng  nhưng vẫn không đủ nước dùng khiến nhiều sinh viên phải bỏ ký túc xá để đến nhà dân ở nhờ.

Thanh Hoá: Khẩn cấp lo nước cho 65.000 dân

Xã Hồng Thủy, huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đang trong tình trạng khát nước sinh hoạt trầm trọng. Sau bão số 9, toàn bộ các công trình nước sinh hoạt tự chảy trên địa bàn xã do Chương trình 134 và Ngân hàng ADB đầu tư xây dựng vào giữa năm 2009 bị phá hủy. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã phải sử dụng nước ở sông ĐaKrông, suối Par Ay để sinh hoạt hàng ngày.           

Khoảng hơn 65.000 dân ở 5 xã ven biển gồm Đa Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc và Minh Lộc của huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) đang bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng do nước biển xâm thực sâu vào đất liền, độ mặn vượt ngưỡng cho phép.

Tại xã Ngư Lộc, nơi có hơn 17.000 nhân khẩu cư trú trên diện tích chưa đầy nửa km2, do thiếu nước ngọt nên bà con trong xã đang hạn chế tới mức tối thiểu nhu cầu về nước.

Bà Nguyễn Thị Lan (thôn Thắng Phúc) cho biết: "Nhiều tháng nay, gia đình tôi phải mua nước lọc đóng bình để uống". Bà Trần Thị Xuân (thôn Thắng Lộc) cũng cho hay: "Từ Tết Nguyên đán đến nay, ngày nào gia đình tôi cũng phải đi xin nước để về tắm giặt, còn nước uống thì phải mua nước khoáng đóng bình.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Quang Dương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho biết: Sở NN&PTNT đang gấp rút lập phương án đề xuất UBND tỉnh cho tiến hành khoan 50 giếng lấy nước phục vụ sinh hoạt khẩn cấp cho 65.000 dân thuộc 5 xã khu vực ven biển phía đông huyện Hậu Lộc. UBND tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các Sở NN&PTNT, Tài nguyên - Môi trường phải tham mưu các địa phương khoan giếng lấy nước sinh hoạt, không cho đào giếng bừa bãi.

Với 5 xã hạn nặng của huyện Hậu Lộc, cho khoan giếng ngay nhưng phải xa khu dân cư 500m trở lên, vừa khoan, phải vừa kiểm tra địa chất bảo đảm, số lượng trước mắt không quá 10 giếng khi chưa có kết luận cụ thể của ngành tài nguyên - môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem