Hết thời “quân xanh - quân đỏ” trong bầu cử Quốc hội

Lương Kết (thực hiện) Thứ hai, ngày 07/03/2016 06:30 AM (GMT+7)
"Ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, nhiều khi số lượng, cơ cấu dự kiến ban đầu sau khi bầu thì trúng, nhưng không thiếu những yếu tố bất ngờ ngoài dự kiến" - ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nói như vậy khi trao đổi với NTNN/Dân Việt.
Bình luận 0

Là người tham dự Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, ông thấy có những vấn đề gì còn phải bàn?

-Trong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất do Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, có mấy vấn đề được đặt ra. Đó là số ĐBQH người dân tộc, ĐBQH người ngoài Đảng, rồi ĐBQH trẻ tuổi (dưới 40 tuổi).

Các vị trong Đoàn Chủ tịch đã có ý kiến cho rằng với tình hình hiện nay khi quyền làm chủ của nhân dân được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đặt ra thành một trong những nhiệm vụ trung tâm, cần phải xem xét lại con số dự kiến về cơ cấu ĐBQH. Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có những đề nghị để điều chỉnh lại những con số trong Nghị quyết 1135/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến, số lượng, cơ cấu thành phần ĐBQH khóa XIV.

img

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh (trái) tiếp xúc cử tri Quảng Ninh.  Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo Nghị quyết 1135/2016, cơ cấu ĐBQH trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) dự kiến khoảng 50 ĐB, trong khi số ĐB trẻ ở khóa XIII được bầu lên tới 61 ĐB, việc dự kiến như vậy dường như có sự thụt lùi thưa ông?

- Nói về ĐB trẻ tuổi, tôi có suy nghĩ thế này, lứa cán bộ chúng tôi trước khi về già ai cũng đều là cán bộ trẻ cả. Chính cán bộ trẻ trong giai đoạn dân số "vàng" của đất nước hiện nay có vai trò cực kỳ quan trọng, cần phải xem xét, đánh giá cho đúng. Vì thế cần phải xem xét lại số lượng dự kiến dành cho ĐBQH trẻ tuổi. Theo tôi số ĐBQH trẻ tuổi của khóa XIV tới ít nhất phải bằng số lượng của khóa XIII.

Tuy nhiên tôi nghĩ thế này, khoảng 50 ĐB trẻ tuổi chỉ là con số dự kiến, còn khi ra bầu việc quyết định chính là nhân dân. Khi nhân dân thấy cần phải có lực lượng trẻ để họ gánh vác phần trách nhiệm với thế hệ trung niên và cao niên thì dân sẽ quyết định lựa chọn. Ở kỳ bầu cử ĐBQH khóa XIII, số lượng, cơ cấu dự kiến ban đầu sau khi bầu thì đúng như tính toán, nhưng cũng không thiếu những yếu tố bất ngờ ngoài dự kiến.

img

Trong các kỳ bầu cử Quốc hội gần đây như khóa XI, XII và XIII, có không ít trường hợp tự ứng cử ĐBQH đã trúng, không ít trường hợp do các cơ quan, tổ chức giới thiệu ra ứng cử lại trượt. Qua đó có thể thấy quan niệm "lót đường", "quân xanh - quân đỏ" càng ngày càng mờ nhạt đi do trình độ dân trí và quyền làm chủ của dân được phát huy.

Ông Nguyễn Túc

Việc Nghị quyết đưa ra số dự kiến về cơ cấu như vậy, nhiều người trẻ tuổi có mong muốn ra ứng cử họ sẽ e ngại, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ các bạn trẻ cứ yên tâm, vì trách nhiệm đối với đất nước, đối với dân tộc, nếu thấy có đủ tiêu chuẩn, đủ năng lực để đảm đương được công việc thì nên ra tự ứng cử. Trong các kỳ bầu cử Quốc hội gần đây như khóa XI, XII và XIII, có không ít trường hợp tự ứng cử ĐBQH đã trúng, không ít trường hợp do các cơ quan, tổ chức giới thiệu ra ứng cử lại trượt.

Qua đó có thể thấy quan niệm "lót đường", "quân xanh - quân đỏ" càng ngày càng mờ nhạt đi do trình độ dân trí và quyền làm chủ của dân được phát huy. Tôi nghĩ nhiều bạn trẻ, nếu có đức, có tài, thấy trách nhiệm của mình trước đất nước, nhân dân, ra tự ứng sẽ được người dân xem xét, lựa chọn.

Về cơ cấu ĐB là người ngoài Đảng, con số dự kiến đưa ra là 25 -50 người, tối đa cũng đạt được 10% tổng số ĐBQH (500 người), ông thấy như vậy có ít?

-Nhà báo lão thành Thái Duy (trước công tác ở Báo Đại Đoàn Kết) có hỏi tôi, anh có nhớ thời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười không. Thời này, Tổng Bí thư Đỗ Mười và nhiều vị nguyên lãnh đạo đều thấy cần phải tăng số lượng ĐBQH người ngoài Đảng. Vì sao, vì chính những ĐBQH ngoài Đảng ở các kỳ Quốc hội vừa qua, họ có những phát biểu, những chất vấn đã gây ấn tượng sâu sắc trong các cử tri. Họ dám nói thẳng, nói một cách trung thực những điều nhân dân suy nghĩ, những điều nhân dân phê phán, trong khi đó không phải đồng chí nào trong  Đảng cũng dám nói ra những điều mà nhân dân bức xúc.

Tôi cho rằng con số dự kiến số ĐBQH người ngoài Đảng như vậy là  ít. Nước ta có hơn 90 triệu dân, có khoảng 4,5 triệu đảng viên, nhưng trong số này cũng một nửa là nghỉ hưu. Với tinh thần của cương lĩnh thời kỳ đổi mới, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, tôi đồng tình với nhiều ý kiến khi cho rằng Mặt trận Tổ quốc cố gắng làm sao có khoảng 100 ĐB người ngoài Đảng trong Quốc hội. Như vậy sinh hoạt của Quốc hội sẽ sôi động hơn, năng động hơn, phong phú hơn. Khoảng 100 ĐB người ngoài Đảng/500 ĐBQH, chúng ta vẫn đảm bảo được sự lãnh đạo của Đảng, lại phát huy được quyền làm chủ nhân dân.

Trong điều kiện hiện nay khi chúng ta đặt kinh tế tư nhân là một bộ phận của nền kinh tế đất nước, những người ngoài Đảng họ làm kinh tế tư nhân cũng cần phải có tiếng nói của họ mạnh hơn trong Quốc hội.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem