Hiệu quả kép từ đầu tư cho môi trường

Thứ bảy, ngày 06/08/2011 07:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Giã từ” 35 tuyến sông, kênh, rạch nhiễm mặn, hàng chục ha ao nuôi thủy sản từng là “cầu tiêu” của hàng ngàn hộ dân, bộ mặt nông thôn của xã Tân Nhật (huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) giờ đây đã khác…
Bình luận 0

Tân Nhật có 2 lợi thế: Được thành phố chọn triển khai đề án “Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị” và là xã điểm “Xây dựng nông thôn mới”. Sau gần 3 năm thực hiện 2 chương trình lớn này, thu nhập trung bình của người dân Tân Nhật đạt 16 triệu đồng/người/năm, lối sống lạc hậu đối với môi trường của một bộ phận cư dân đã thay đổi.

img
Anh Tống Mai Hoa (ấp 3) đã xóa cầu tiêu trên ao nuôi cá.

Xóa cầu tiêu trên mặt nước

Theo ông Trần Trung Đỉnh - Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã, sau khi khảo sát tác nhân gây ô nhiễm môi trường, chính quyền và các đoàn thể quần chúng 5 ấp thành lập ban vận động nhân dân. Công việc trước tiên là phải tháo dỡ cầu tiêu trên ao cá, sông, kênh, rạch và xây chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm hợp vệ sinh. Cùng với xoá cầu tiêu trên mặt nước, xã đã lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ người dân xây nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại.

Ông Nguyễn Tấn Tuyến- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Quản lý dự án nông thôn mới Tân Nhật cho biết, năm 2008, thành phố đã đầu tư cho xã gần 1,9 tỷ đồng để xóa cầu tiêu trên ao cá, kênh rạch; Ngân hàng CSXH cho vay hơn 1 tỷ đồng từ chương trình nước sạch- vệ sinh - môi trường nông thôn. Nguồn vốn này đã giúp 405 hộ xây nhà tiêu tự hoại kết hợp nhà tắm hợp chuẩn và 4 hộ nuôi heo xây hầm biogas.

Thay đổi thói quen cố hữu

Trước năm 2009, Tân Nhật còn 17,87% hộ nghèo với thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm (tiêu chí của TP.Hồ Chí Minh), 300 hộ sống trong những căn nhà tạm bợ ven sông-rạch; gần một nửa số hộ chưa có nhà tắm, nhà tiêu, dụng cụ đựng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 80% hộ chăn nuôi thải nước bẩn ra môi trường. Sau hơn 2 năm triển khai hai đề án thí điểm của thành phố, môi trường ở Tân Nhật đã có sự thay đổi đáng kể.

Hộ anh Nguyễn Văn Thành ngụ ở ấp 2 chỉ có 1.700m2 đất canh tác. Để nuôi hai con và chi phí sinh hoạt thường nhật, vợ chồng anh phải đi kiếm việc làm mướn. Cuối năm 2010, gia đình anh được hỗ trợ 3,8 triệu đồng làm nhà tiêu và nhà tắm hợp chuẩn.

Đến nay, 100% hộ dân ở Tân Nhật được dùng nước sạch; chấm dứt tình trạng xây cầu tiêu trên mặt nước; 300 căn nhà tạm ven kênh-rạch được giải tỏa 94% chất thải sinh hoạt được thu gom...

Anh Thành thật thà: “Từ khi có nhà vệ sinh và nhà tắm này vợ chồng con cái sinh hoạt thoải mái. Đâu phải vì nghèo mà không biết làm sạch nhà”.

Nằm sát bờ kênh Xáng, cách đây không lâu, cũng như hàng chục hộ trong cụm dân cư, các thành viên trong gia đình chị Võ Thị Xứng đều xây cầu tiêu ven kênh và coi như một thói quen cố hữu. Năm 2009, ngoài 3,8 triệu đồng được vay, vợ chồng chị bỏ thêm 8 triệu đồng để xây hệ thống nhà tiêu - nhà tắm.

Ông Nguyễn Văn Lượm- Bí thư Chi bộ ấp 3 thông tin, ấp của ông vào loại nghèo nhất xã Tân Nhật, nhưng sau 2 năm phát động nhân dân ấp bỏ thói quen đi cầu trên kênh, rạch, ấp đã đã khai tử trên 300 cầu tiêu trên kênh-rạch để thay bằng nhà tiêu tự hoại”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem