HN: Gặp người phụ nữ từng “cố thủ” trên cây phản đối chặt hạ

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 19/03/2015 19:00 PM (GMT+7)
Hai người phụ nữ ở quận Long Biên (Hà Nội) mang bánh mì, nước uống trèo lên cây xoài trước cửa nhà “cố thủ” nhiều giờ liền để phản đối cơ quan chức năng chặt bỏ xây xanh...
Bình luận 0
Theo kế hoạch, trong năm 2015, Hà Nội sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên nhiều tuyến phố, khiến nhiều người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Cùng câu chuyện về cây xanh, 2 năm về trước (2013), vì muốn bảo vệ cây, không cho chặt hạ, 2 người phụ nữ ở số nhà 64 đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) đã trèo lên cây “cố thủ” nhiều giờ liền.

Trèo lên ngọn cây ngăn cản chặt bỏ

Ngày 19.3, chúng tôi đã tìm gặp 2 người phụ nữ trong câu chuyện trên. Bà Nguyễn Thị Thanh (40 tuổi, người từng trèo lên cây “cố thủ” phản đối cơ quan chức năng chặt cây) kể lại: Khoảng 8h40 sáng 8.10.2013, cơ quan chức năng phường Bồ Đề đã đưa xe cẩu, hàng rào sắt đến trước cửa nhà bà để chặt hạ cây xoài. Tuy nhiên, gia đình bà Thanh không đồng ý.

img
Hai người phụ nữ trèo lên cây “cố thủ” phản đối việc chặt hạ cây xoài trước nhà năm 2013. Ảnh: Báo Người Lao Động
“Lúc đó có khoảng 50 người gồm công an, cơ động, cảnh sát giao thông cùng đến hỗ trợ công nhân chặt bỏ cây xoài. Tuy nhiên, cả gia đình tôi đã phản đối kịch liệt. Cuối cùng không còn cách nào khác, hai chị em chúng tôi buộc phải mang bánh mì, nước uống trèo từ mái nhà lên cây “cố thủ” để phản đối”, bà Thanh nói.

Bà Thanh cho biết, lý do khiến gia đình bà phản đối việc chặt hạ là vì cây xoài được gia đình bà trồng, chăm sóc từ rất lâu, không có sâu mọt. Thêm nữa, cây xanh mang lại bóng mát cho gia đình.

“Để trồng được cây xoài cao hơn 10m, thân 40cm như bây giờ, gia đình tôi đã bỏ công chăm sóc hơn 30 năm nay. Khi đến chặt cây, cơ quan chức năng chỉ nói cây xoài này phải thay thế bằng một cây khác cho đồng bộ tuyến đường. Chúng tôi thấy lý do đó không thuyết phục, nên nhất quyết phản đối”, bà Thanh chia sẻ.

Bà Thanh cho biết thêm, bà cùng với chị gái là bà Đặng Thị Ngát (42 tuổi) vì muốn bảo vệ cây của gia đình nên mới chọn giải pháp như vậy, chứ không có ý chống đối cơ quan chức năng. Thời điểm xảy ra sự việc, người dân hiếu kỳ đã tập trung tại tuyến đường Ngô Gia Tự đông nên gây ùn tắc. Cuối cùng đến 11h30 ngày 8.10.2013, trước sức ép của gia đình, người dân xung quanh, lực lượng chức năng mới chịu rút về và từ bỏ ý định chặt cây xoài.

“Kể từ đó đến nay chúng tôi không thấy cơ quan chức năng đến đòi chặt cây nữa. Hiện tại cây xoài đang xanh tốt, có tán lá sum sê”, bà Thanh nói thêm.

img
Hiện nay cây xoài trước cửa nhà bà Thanh có độ tuổi khoảng 30 năm, có tán sum sê.
Cây xanh "chặn đứng" tai nạn chết người

Theo bà Thanh, hiện giờ cây xoài trước cửa nhà bà không cong, sâu mọt, không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vào mùa hè, tán cây tỏa bóng mát cho cả gia đình, đặc biệt mỗi khi người dân ghé quán nước ngồi đều cảm thấy dễ chịu vì có bóng mát.

“Năm 2005, xe ô tô chở rác chạy hướng từ cầu Chương Dương sang đường Ngô Gia Tự đã đâm vào nhà dân ở cạnh nhà tôi. Cũng may, thời điểm đó có cây bàng trước cửa đỡ lại chứ không người dân ngủ trong nhà đã nguy hiểm đến tính mạng. Nhà tôi cũng vậy, cũng mong muốn giữ lại cây xoài để đề phòng sự cố tai nạn bất trắc có thể xảy ra”, bà Thanh nói.

Cùng thời điểm năm 2013, gia đình bà Đặng Thị Thu (50 tuổi, ở đường Ngô Gia Tự) cũng vô cùng buồn bã khi cây bàng trồng hơn 30 tuổi bị chặt hạ.

img
Năm 2013, những cây xanh thân to trên tuyến đường Ngô Gia Tự được chặt hạ, thay thế trồng mới bằng cây phượng. Hiện những cây trên tuyến đường này có thân nhỏ, tán nhỏ, ít bóng mát.
“Cây xanh ở đường Ngô Gia Tự đều có độ tuổi vài năm đến vài chục năm. Trước thời điểm cây xanh chưa bị chặt hạ, người dân đi qua tuyến đường này cảm thấy rợp bóng mát. Nhưng hiện giờ, tuyến đường này được trồng thay thế bằng cây phượng, rất ít bóng mát. Trồng hơn 2 năm, nhưng cây vẫn chưa có tán rộng, thậm chí một số cây héo dần rồi bị chết”, bà Thu nói.

Bà Thu cho hay, gần đây bà có xem trên tivi thấy thông tin Hà Nội sẽ chặt hạ 6.700 cây xanh. Nghe tin, bà Thu đã không khỏi tiếc nuối.

“Cây xanh là "lá phổi xanh" của Thủ đô. Chặt cây, đồng nghĩa với việc ô nhiễm môi trường có thể sẽ tăng lên. Tôi không nghĩ cơ quan chức năng lại đi chặt những cây đang tràn đầy sức sống, có tán lá sum sê. Người dân chúng tôi càng nghĩ càng thấy xót xa”, bà Thu chia sẻ.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2015 sẽ thay thế 6.700 cây xanh, trong đó 4.500 cây xanh không đúng chủng loại (cây cấm trồng) trên 190 tuyến phố; 2.200 cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cây cong xấu, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cũng cần thay thế. Đặc biệt, những cây gắn bó với Hà Nội như: Dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn… thuộc diện cây cấm trồng và sẽ bị thay thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem