Hỗ trợ lao động bị nợ lương: Loay hoay và bế tắc

Thứ năm, ngày 31/01/2013 08:01 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ LĐTBXH vừa có công văn hỏa tốc gửi các Sở LĐTBXH rà soát số lao động (LĐ) bị nợ lương do doanh nghiệp khó khăn, phá sản, chủ LĐ bỏ trốn để thực hiện hỗ trợ lương, thưởng tết.
Bình luận 0

Thế nhưng, 10 ngày sau ngày “hỏa tốc” ấy, mọi nỗ lực vẫn chỉ dừng lại trên giấy...

Khó khả thi

Anh Nguyễn Quang Duẫn ở phường Đồng Tiến, TP. Hoà Bình, là công nhân tại Nhà máy Xi măng Hoà Bình (Tổng Công ty Sông Đà) cho biết, công ty đang nợ lương của hơn 100 cán bộ công nhân viên, chưa thấy có tín hiệu gì sẽ trả lương cho LĐ trước tết... “Gia đình khó khăn, cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông vào số tiền lương ít ỏi của vợ chồng tôi. Giờ thì lương không có, mà tết đã cận kề. Rồi đây, chắc phải treo nồi thôi” – anh Duẫn chán nản nói.

img
Công nhân khu công nghiệp Tân Tạo TP.HCM trong giờ tan ca (ảnh minh họa).

Thông tin từ Sở LĐTBXH TP.Hà Nội, hiện nay thành phố đã có hơn 12.000 doanh nghiệp (DN) ngừng sản xuất và khoảng 3.000 doanh nghiệp khác đang trong tình trạng “ngắc ngoải”, chờ chết. Tình trạng nợ lương, không thưởng tết cho LĐ cũng khá phổ biến ở nhóm DN này. Ông Phạm Văn Thanh – Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐTBXH Hà Nội) cho biết: “Dù Bộ LĐTBXH yêu cầu điều tra, rà soát nhưng cũng phải đầu tháng 2 này mới có số liệu. Sau đó chúng tôi mới trình UBND thành phố để thành phố trích ngân sách trả lương”. Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, nếu có hỗ trợ thì ngân sách chỉ có thể trả lương cho LĐ, chứ thưởng tết thì không khả thi.

Dừng lại ở việc chỉ đạo

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến tháng 12.2012 cả nước đã có hơn 50.000 DN giải thể và hàng nghìn công ty làm ăn thua lỗ, ngừng hoạt động hoặc đang ngấp nghé bên vực phá sản, kéo theo hàng trăm ngàn LĐ bị nợ lương, thậm chí bị “quỵt” lương.

Năm 2009, trước tình hình tương tự, Chính phủ đã có chỉ đạo các tỉnh trích ngân sách trả lương cho LĐ có chủ sử dụng LĐ bỏ trốn; LĐ thất nghiệp được hỗ trợ vay vốn tạo việc làm. Cuối năm 2012, Chính phủ cũng ban hành chính sách tương tự. Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Để đảm bảo đời sống cho người LĐ trong dịp Tết Nguyên đán, ngày 22.1, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH đã có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các địa phương tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho người LĐ tại các DN có chủ bỏ trốn và bị nợ”.

Hơn 10.000 lao động đang bị nợ lương

Tổng hợp của Bộ LĐTBXH từ báo cáo của 27 tỉnh, thành phố cho thấy có 103 DN hiện đang nợ lương của người LĐ, trong đó có 8 DN 100% vốn nhà nước, 16 DN cổ phần có vốn góp nhà nước; 77 DN ngoài quốc doanh và 2 DN FDI. Cho đến cuối tháng 12.2012 tổng số LĐ bị nợ lương là 10.191 người, tập trung phần lớn ở khối DN dân doanh 6.773 người và 2.681 người ở khối DN cổ phần có vốn góp nhà nước. Tổng số tiền nợ lương là hơn 71 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại nhiều tỉnh thành, việc triển khai thực hiện hỗ trợ lương cho LĐ còn gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như tỉnh Hoà Bình, nơi có tới 20 DN nợ lương và hơn 1.000 DN khác nợ đọng BHXH cũng đang kêu “bí” vì không có tiền trả lương cho gần 1.000 LĐ trong diện bị nợ lương, thất nghiệp. Ông Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc Sở LĐTBXH Hoà Bình nêu khó khăn: “Với một tỉnh nghèo như Hoà Bình, khi tổng thu ngân sách chỉ đáp ứng được 23% khoản chi, số còn lại đều phải trông chờ vào trung ương thì việc ứng ngân sách để hỗ trợ LĐ bị nợ lương là chuyện gần như không thể. Hiện nay cố gắng lắm, tỉnh cũng chỉ dành được hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo đón tết (dự kiến hỗ trợ 300.000 đồng/hộ, tỉnh có tới hơn 42.000 hộ nghèo)”.

Theo ông Huân, việc tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho các LĐ không phải là “cho không” bởi sau đó, UBND các tỉnh sẽ xử lý tài sản của DN để trả lại tiền cho ngân sách nhà nước. Trường hợp tài sản xử lý không đủ thì báo cáo với Bộ Tài chính để tập hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trong việc giải quyết vấn đề nợ lương. Tuy nhiên, do không dành dự toán ngân sách cho khoản tiền gấp gáp vào cuối năm này, cộng việc với cập rập trong thống kê, rà soát, rất nhiều LĐ sẽ chịu cảnh tiền hết, việc không trong tết này.

“Bên cạnh vấn đề nợ lương, Bộ LĐTBXH cũng đề xuất cơ chế trong việc tạm khoanh nợ BHXH. Tình trạng nợ đọng BHXH diễn ra nhiều năm, trung bình khoảng 3.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đối với những DN khó khăn, đang nợ lương của LĐ thì BHXH có thể khoanh nợ để DN trả lương trước cho LĐ”.
Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH)

“Cục Lao động tiền lương cùng các địa phương đã bàn nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ cho nhóm LĐ bị nợ lương. Theo đó, có thể có tính đến việc đề nghị dành nguồn kinh phí quốc gia hỗ trợ việc làm người LĐ hoặc có thể kiến nghị tạo nguồn vay cho các DN, để họ trả lương cho LĐ trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, tất cả chính sách vẫn đang trong quá trình thảo luận”.

Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐTBXH)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem