Hoa đẹp của ruộng đồng

Thứ ba, ngày 15/10/2013 07:05 AM (GMT+7)
62 nông dân được tôn vinh, trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”, chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua, sản xuất giỏi ở nông thôn...
Bình luận 0
img

Sáng nay (15.10), tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội diễn ra chương trình giao lưu nghệ thuật “Tự hào nông dân Việt Nam” và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam lần đầu tiên tổ chức.

62 nông dân được tôn vinh chính là những bông hoa đẹp trong vườn hoa thi đua, sản xuất giỏi ở nông thôn...

Tự hào là nông dân

Sau một hành trình dài di chuyển, gần trưa ngày 14.10 ông Lê Văn Chưởng - nông dân xuất sắc 2013 của tỉnh Trà Vinh đã có mặt tại thủ đô Hà Nội. Từ 2 giờ sáng, ông Chưởng đã bắt xe đò lên TP.Hồ Chí Minh để kịp chuyến bay 8 giờ 30 ra Hà Nội.

“Tôi đã đi thủ đô Hà Nội dự nhiều hội nghị khen thưởng ND sản xuất kinh doanh giỏi, ND điển hình tiên tiến của Hội NDVN, ngành nông nghiệp. Nhưng tâm trạng của chuyến đi này rất khác. Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức được sự kiện tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân xuất sắc”. Đến với buổi lễ tôn vinh này, tôi tự hào cất tiếng “Tôi là nông dân”... - ông Chưởng chia sẻ.

Đến từ huyện vùng cao biên giới Phục Hòa (Cao Bằng), chị Phùng Thị Tâm - người dân tộc Nùng tâm sự: “Tôi rất cảm động và tự hào khi được cấp ủy, chính quyền, Hội ND các cấp tỉnh Cao Bằng ghi nhận thành tích, công sức trong lao động, sản xuất và đặc biệt được tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2013”. Tôi mong năm sau và các năm sau nữa, sẽ có thêm nhiều nông dân giỏi, sáng tạo được ghi nhận, tôn vinh”.

Là nông dân gắn bó nhiều năm với các phong trào thi đua của Hội NDVN, đi dự nhiều hội nghị khen thưởng, nhưng anh Hà Văn Cương (đến từ huyện Mai Châu, Hòa Bình) lý giải: “Doanh nhân hay nhiều tầng lớp, nghề nghiệp khác đều đã có các hình thức vinh danh. “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” là hình thức tôn vinh, là danh hiệu lần đầu tiên dành cho nông dân. Tôi rất tự hào được trao tặng danh hiệu này”.

Cùng chung suy nghĩ với nhiều ND xuất sắc về thủ đô, ông Lê Văn Chưởng (Trà Vinh) bày tỏ: “Cùng với các sự kiện, hình thức khen thưởng khác, chương trình bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc” sẽ góp phần khắc dấu đậm nét, sinh động về hình ảnh người nông dân trong công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới…”.

Kết nối nông dân

Lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” đối với nhiều người còn là dịp để gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức, cách làm tốt, thậm chí là cả những rủi ro, thất bại.

Dù tìm ra mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, nhưng “Vua tôm” đất Bạc Liêu-ông Võ Hồng Ngoãn đã không ngại ngùng chia sẻ việc năm nay gia đình bị mất mùa tôm: “Tôm nuôi vụ này bị bệnh hoại tử gan tụy. Đây là một loại bệnh “nan y”, rất khó chữa ở tôm nuôi”.

Vụ tôm thất bát, nhưng ông Sáu Ngoãn vẫn vui mỗi khi có cuộc điện thoại của bà con nuôi tôm gọi về nhờ ông tư vấn. Ông cũng bày tỏ sự chia sẻ rủi ro đối với “đồng nghiệp” là ông Võ Đại Nghĩa-một “Vua tôm” khác ở đất Quảng Bình vừa chịu mất mát lớn trong cơn bão số 10 và không thể ra dự lễ tôn vinh vì phải ở nhà chống bão số 11.

"Quanh năm suốt tháng tôi làm bạn với những cánh đồng lúa giống, có nhọc nhằn, vất vả, có thành công nhưng đến với buổi lễ tôn vinh này, tôi tự hào cất tiếng “Tôi là nông dân”...”.
Ông Lê Văn Chưởng

Trong hành trình về với lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013” mà ông Nguyễn Văn Long kể với chúng tôi có nhiều điều thú vị. Lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), ông Long ngồi vào chỗ của mình với cảm giác “cô đơn một mình”.

“Nhưng khi máy bay cất cánh, tôi nghe bên trái, bên phải mình có người nói mình là nông dân, ra Hà Nội nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2013”. Hỏi ra mới biết đó là mấy anh ở Trà Vinh, Tiền Giang… Thế là câu chuyện của nhà nông trở nên rôm rả”.

Tại khách sạn, ông Long lại được sắp xếp ở cùng phòng với ông Trần Bảy-nông dân tỉnh Bình Thuận. Thế là câu chuyện về nhà nông giữa hai ông lại được dịp chia sẻ đầy phấn chấn, bởi ông Long chế ra máy quét lá, máy xịt thuốc cao áp, máy bón phân cho cao su, còn ông Bảy trồng hàng trăm mẫu cao su và đang có nhu cầu tìm hiểu và áp dụng các loại máy móc…

Về tới khách sạn là ông Đinh Văn Tích (Quảng Ninh) tìm gặp các ông Trần Minh Mẫn ở TP.Cần Thơ và ông Trương Quang An ở Long An. “Tôi phải gặp hai bác này để duy trì mối quan hệ lâu dài và nhờ tư vấn thêm về kỹ thuật. Ông Mẫn thì bán mít hạt lép cho tôi, còn giống thanh long ruột đỏ lấy giống từ ông An. Báo NTNN, ấn phẩm Trang Trại Việt đã giúp tôi kết nối được với 2 bác nông dân miền Tây để phát triển trang trại của gia đình…” - ông Tích vui vẻ cho biết.

Qua thông tin trên Báo NTNN và các ấn phẩm của báo, nhiều nông dân xuất sắc về dự lễ tôn vinh và trao tặng danh hiệu lần này cũng đã tìm gặp nhau cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, bài học rút ra trong sản xuất, kinh doanh, trong lao động sáng tạo… Chị Đỗ Thị Thúy (Thái Nguyên) chia sẻ: “Không chỉ những nông dân xuất sắc học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tham khảo cách làm của nhau mà qua buổi lễ tôn vinh này sẽ có thêm nhiều ND khác biết tới, quan tâm tới các mô hình sản xuất, giải pháp sáng tạo…”.

Phải về thu hoạch thôi...

Về dự lễ trao danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2013” vui thì có vui, nhưng anh Lý Phù Sinh - dân tộc Mông đến từ Lào Cai cứ thấp thỏm. Hỏi lý do, anh cho biết, lúa, thảo quả ở nhà chín hết rồi, chưa có người thu hoạch. Tham dự xong buổi lễ là anh về Lào Cai ngay, chứ không đi thăm quan Hạ Long nữa.

Vui vì bị “quây”

Đoàn xe chở đoàn nông dân xuất sắc vừa dừng lại trước thềm Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã thấy một nhóm phóng viên báo chí đứng chờ sẵn. Vừa xuống xe, nhiều ND đã bị cánh phóng viên “quây” lại để phỏng vấn. Các bác nông dân xuất sắc chưa kịp chuẩn bị gì đã bị hỏi liên tục. “Hóa ra trả lời phỏng vấn các nhà báo cũng vất phết, nhưng mà vui”- anh Trương Công Lai, nông dân xuất sắc tỉnh Nghệ An thổ lộ.

Hoãn lễ ăn hỏi của con

Được trao tặng danh hiệu “Nông dân xuất sắc 2013”, chị Đoàn Thị Huệ (xã Tân Trào, Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) rất vui, nhưng ngặt một nỗi ngày 15.10 cũng là ngày ăn hỏi của con trai chị. Được bên nhà gái đồng ý, chị đã lùi lễ ăn hỏi sang 18.10. Chia vui với mẹ, con trai đích thân “hộ tống” chị Huệ về thủ đô.

Đông Hoàng - Lan Dương

Phương Đông (Phương Đông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem