Hồn của làng

Đỗ Bích Thúy Thứ sáu, ngày 31/01/2020 06:05 AM (GMT+7)
Trong gia đình, tôi là đứa con duy nhất, út ít, được sinh ra ở đây, ngôi làng này.
Bình luận 0

Làng tựa lưng vào núi, hướng ra sông, những con suối nhỏ róc rách từ trong chân núi, xuyên qua những cánh đồng thoai thoải bậc thang, và đổ ra sông Lô...

Làng đã có hàng trăm năm tuổi. Những người đầu tiên đến khai khẩn, lập làng có lẽ phải cách đây vài thế kỷ. Từ rất ít người, sau này đã hình thành những dòng họ lớn. Họ Nguyễn, họ Hoàng, họ Trần… Mỗi dòng họ lại được chia một quả, hoặc một dãy vài ba quả núi. Chỗ là rừng cọ, chỗ là rừng vầu, chỗ toàn sồi, dẻ, lim, lát. Và mỗi dòng họ lại có một khu rừng mả - là nơi dành cho những người đàn ông, và con dâu được nằm khi qua đời. Những khu rừng mả luôn xanh mướt, lá ken dày, rậm rịt, vì không bao giờ có người bước chân vào dù là để lấy một cành củi khô. Rừng mả là nơi bất khả xâm phạm, người ta chỉ gõ cửa rừng mả khi trong dòng họ có một người ra đi.

Một ngôi làng tĩnh lặng, trù phú, và đầy những huyền thoại, đến một ngày, đón cùng lúc hàng trăm hộ gia đình người Kinh, lốc nhốc từ Thái Bình, Nam Định kéo lên. Làng được mở rộng ra, nối dài thêm, dọc theo quốc lộ và dọc theo sông Lô. Một, hai, rồi ba thế hệ sinh sống ở đây, nương theo đất đai, sông suối, thời tiết mà sinh nhai. Tôi thuộc thế hệ thứ hai, cũng phải hàng trăm nhân khẩu, sinh ra khi hơi thở của những người đi khai hoang đã kịp hoà vào hơi thở của làng.

img

 Những đứa trẻ chơi đùa trên cánh đồng hoa tam giác mạch.  (ảnh: V.T.V)

Người Tày có mối quan hệ rất mật thiết giữa hàng xóm láng giềng, dòng họ. Những khu vườn chỉ cách nhau cái hàng rào cây sắn, trẻ con vạch rào chui tắt sang chơi chứ chẳng mấy khi đi cổng chính. Ngan ngỗng gà vịt thả rông, chốc chốc lại lũ lượt kéo nhau vào vườn, vào ao nhà hàng xóm. Cuộc sống cứ vấn vít, quấn quện vào nhau tưởng như chẳng có quy luật nào, nhưng lại cực kỳ chặt chẽ. Những đám cưới kéo dài hàng tháng, những đám tang kéo dài cả tuần, một nhà có đám cả làng nhộn nhịp, ấm áp vô cùng... 

Lâu lâu bạn lại hỏi: Tết này có về làng uống rượu với tôi không? Lại yên lặng một hồi lâu mới nói: Tôi muốn về lắm. Tôi nhớ làng…

Và người Kinh bị/được cuốn vào trong cái nhịp sống vừa bình lặng vừa rộn ràng ấy. Người Tày cũng thay đổi một vài nếp sống theo lối của người Kinh. Tôi nhớ những cái tết tháng Bảy. Người Tày làng tôi ăn tết rằm tháng Bảy to lắm. Trẻ con được may quần áo mới, người lớn không đi làm, trâu bò cũng được nghỉ. Nhà nhà mổ lợn mổ gà, làm bánh, đồ xôi, nấu rượu. Từ sáng sớm đến tối khuya, nhà nào cũng có khách, cũng ê hề mâm bát, cũng ào ào chúc tụng. Mùi rượu phảng phất khắp làng. Nhìn đâu cũng những gương mặt đỏ hồng, cười những nụ cười hiền lành, lơ mơ, thi thoảng có một ông say quá lại lao cả người vào bụi mâm xôi mà ngủ, thò hai chân ra ngoài. 

Trẻ con người Tày không đi học vào tết rằm tháng Bảy, ít nhất cũng 3 ngày. Mặc kệ việc nhà trường có cho nghỉ hay không. Những ngày ấy bọn trẻ con người Kinh đi học mà buồn ơi là buồn. Lớp học vắng hoe hoắt. Trong khi ngoài đường kia bọn bạn cùng lớp đang xúng xính quần áo mới, đứa cầm còng gà đứa cầm đuôi lợn, vừa đi vừa gặm. Những cối bánh giầy thì thà thì thụp, mùi xôi nếp thơm lừng...

img

 Sông Lô chiều cuối năm.  (ảnh tư liệu)

Còn Tết Nguyên đán thì sao? Không khí ấy ngược lại. Những nhà người Kinh tưng bừng chúc tụng, mâm bát ê hề. Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết, người già thường lẩm bẩm câu ấy. Nên có nghèo thì tết vẫn đủ đầy. Còn trong các nếp nhà sàn thì chẳng khác gì mấy ngày thường. Họ đã ăn một cái tết quá to từ tháng Bảy âm lịch, Tết Nguyên đán chỉ cầm chừng cho có. Tôi lại thấy ánh mắt thèm thuồng và cái vẻ e dè của lũ bạn khi chúng ngồi trên bậu cửa đầu hồi, lặng lẽ nhìn theo chúng tôi lao đi như tên bắn trên những chiếc xe đạp cũ. Bọn tôi hò hét, bọn tôi đua xe, bọn tôi chạy nhảy, lao cả xuống suối để té nhau ướt sũng trong cái lạnh tái tê. Và đến lượt chúng tôi mang bánh chưng vuông đi cho nhà hàng xóm. Họ không biết gói bánh chưng vuông, và ai ai cũng ngạc nhiên về một loại bánh không hề tròn mà lại vuông chằn chặn.

Tôi phóng vèo vèo trên những đoạn đường dốc, và dừng dưới chân cầu thang nhà cái Thu. Tôi vẫy nó. Nó vẫn ngồi yên trên bậu cửa, lắc đầu. Đấy không phải là tết của nó, giống như rằm tháng Bảy không phải là tết của tôi.

Phải nhiều năm sau, bằng một cách nào đó, làng tôi vẫn chia làm hai nửa nhưng mọi thứ đã xích lại, đã hoà lẫn, như những dòng suối nhỏ đang kiên nhẫn hoà vào dòng sông lớn ngoài kia. Tôi biết nói một vài câu tiếng Tày, tôi có thể nghe và hiểu sơ sơ họ nói gì; vài người Tày lớn tuổi có thể hiểu được một ít tiếng Kinh, không lắc đầu quầy quậy mỗi khi bọn tôi lốc nhốc kéo lên nhà bạn chơi và chào bằng những tiếng hét điếc cả tai. Chúng tôi cũng có tết rằm tháng Bảy và người Tày cũng có Tết Nguyên đán. Làng tự nhiên hai lần tưng bừng trong năm.

Làng bây giờ, nhiều người già đã chuyển nhà ra rừng mả, nhiều trẻ con chào đời mà nhìn mặt chúng tôi sẽ đoán được là con đứa bạn nào khi xưa.

Nhớ làng, nhớ những cái tết năm nào nhà đầy bánh gù. Lâu lâu bạn lại hỏi: Tết này có về làng uống rượu với tôi không? Lại yên lặng một hồi lâu mới nói: Tôi muốn về lắm. Tôi nhớ làng…  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem