Hứa hẹn làm giàu với cây “tỷ đô”

Duy Hậu Thứ hai, ngày 09/02/2015 08:59 AM (GMT+7)
 Tại hội thảo khoa học về chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên (diễn ra vào cuối tuần qua ở Lâm Đồng) có rất nhiều  ý kiến ủng hộ, xem cây mắc ca như là một giải pháp tối ưu đưa nền kinh tế Tây Nguyên phát triển   lên tầm cao mới. 
Bình luận 0

Nhiều hứa hẹn

Với nhiều giá trị về dinh dưỡng và kinh tế, cây mắc ca được gọi với nhiều cái tên mĩ miều khác như “cây tỷ đô”, “nữ hoàng” của các loại quả khô…Trên thế giới, loại cây này được trồng nhiều ở Mỹ, Úc và Nam Phi với diện tích hiện tại khoảng 80.000ha, chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Tại Việt Nam, sau hơn 20 năm trồng thử nghiệm, mắc ca được đánh giá là phù hợp với Tây Bắc và Tây Nguyên. Riêng Tây Nguyên, diện tích có thể trồng mắc ca lên đến 1 triệu ha. Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam, Chủ tịch HĐQT Lienviet Postbank, kỳ vọng ở Việt Nam sản lượng mắc ca có thể đạt đến 20 tấn/ha. Với 200.000ha được trồng trong tương lai, Việt Nam sẽ đứng đầu thị trường mắc ca trên thế giới.

img
Ông Minh khẳng định sẽ mua bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân vay vốn trồng cây mắc ca. Trong trường hợp rủi ro, nông dân cũng sẽ không mất gì. Còn về đầu ra, ông hứa hẹn sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu sản phẩm mắc ca tại Lâm Đồng. Còn ông Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Lienviet Postbank, thông tin trong 5 năm tới sẽ bố trí khoảng 22.000 tỷ đồng để phát triển 250.000ha cây mắc ca.

 

Tại Việt Nam, hiện diện tích mắc ca có khoảng hơn 1.500ha, được trồng chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên. Đánh giá ban đầu, loại cây này ít sâu bệnh, sinh trưởng phát triển tốt, đặc biệt là có thể trồng xen trong diện tích các loại cây công nghiệp khác mà không gây ảnh hưởng gì, ngược lại còn có tác dụng che bóng, chắn gió. Ông Hưởng cho biết, với 250.000ha dự kiến sẽ trồng trong những năm tới thì đã có đến 67% diện tích được trồng xen.

Trao đổi với NTNN bên lề hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Long- Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (Đăk Nông) nơi đã phát triển hơn 300ha mắc ca, cũng khẳng định giá trị to lớn của loại cây này. Ông Long cho rằng, cây mắc ca rất phù hợp với tập quán canh tác của người đồng bào dân tộc thiểu số. “Cây mắc ca trước mắt là cây xóa đói giảm nghèo, nhưng về lâu dài nó sẽ là cây làm giàu”- ông Long khẳng định.

Cần “bình tĩnh”

Quan điểm

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng
  Tôi nghĩ mỗi người dân chỉ trồng 50 cây thôi sẽ đảm bảo  xóa đói giảm nghèo toàn bộ Tây Nguyên”. 
Giáo sư Hoàng Hòe - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu trồng trọt (Bộ NNPTNT), khẳng định tiềm năng, lợi thế to lớn của mắc ca tại Tây Nguyên. Nhưng ông Hòe cho rằng: “Cần phải rất bình tĩnh để có một quy hoạch đúng mức…Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta sẽ không phát triển ồ ạt mà phải phát triển vững chắc”. Ông nhấn mạnh một số vấn đề cần lưu ý khi phát triển cây mắc ca đó là: Coi trọng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả, bởi đối thủ cạnh tranh của Việt Nam rất nhiều. Đặc biệt là Trung Quốc, nơi có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân rất mạnh. Trong 5 năm qua, chỉ riêng tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã phát triển được hơn 34.000ha. Giáo sư Hòe cũng đặc biệt lưu ý phải hết sức chú trọng đến nguồn giống, cần phải xây dựng một đội ngũ khoa học Việt Nam để nghiên cứu sâu về phát triển cây mắc ca.

 

Trao đổi riêng với NTNN, tiến sĩ Lê Ngọc Báu- Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, cho rằng việc phát triển cây mắc ca cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng không ít. Ông Báu nhận định, nếu trồng xen, mỗi ha nông dân thu lãi từ 70-90 triệu/ha còn trồng thuần thì đạt khoảng 150-200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, ông Báu lo lắng đây là loại cây hoàn toàn mới nên kinh nghiệm sản xuất và chế biến chưa có, rủi ro cũng rất cao bởi sau 5 năm mới biết được hiệu quả của nó. Hơn nữa, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là các đối thủ lớn; rồi chất lượng sản phẩm cũng là vấn đề cần tính toán kỹ; và các vấn đề khác cần tính đến như việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, các dịch vụ hỗ trợ đi kèm… Ông Báu khẳng định: “Còn rất nhiều vấn đề liên quan mà chúng ta chưa giải quyết triệt để. Tây Nguyên có thể trồng được mắc ca nhưng nên nhớ không phải bất cứ nơi nào cũng trồng được. Không thể chỉ dựa vào một vài hộ nông dân ở một số nơi rồi suy diễn. Tôi thấy việc nghiên cứu về loại cây này còn mang tính chắp vá, chưa có hệ thống”- ông Báu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem