Huổi Khon là bản đặc biệt khó khăn của gần 100 hộ đồng bào Mông, cư ngụ trên triền núi cao chênh vênh đầy gió lạnh và mây phủ.
|
Phụ nữ bản Huổi Khon sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. |
Trưởng bản Huổi Khon - anh Sùng A Kỷ nhớ lại: Trước đây, dân bản chỉ biết dựa vào nguồn nước suối dưới chân núi này. Mùa mưa, nước đục ngầu, đầy rêu rác nhưng vẫn phải sử dụng. Vì thế con trẻ nhiều giun sán, bụng to nhưng chân, tay bé khẳng khiu. Khổ nhất là hơn 200 chị em phụ nữ, khi được cán bộ y tế khám bệnh chăm sóc sức khoẻ thì hầu như ai cũng bị mắc bệnh phụ khoa.
Thương dân, Nhà nước cho xây dựng hệ thống nước tự chảy, dẫn nguồn từ trên đỉnh Pu Khon về. Nước trong lắm, mát lạnh. Dân bản rất vui. Cán bộ y tế còn phối hợp với Hội Phụ nữ hướng dẫn chị em cách sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
Bên bể nước ở trung tâm bản, anh Sùng A Thành đang tắm gội cho đứa con trai chừng 3 tuổi tâm sự: Mấy năm trước muốn có can nước sạch thì phải đi lên núi cao lấy nước, vất vả mà mất nhiều thời gian lắm, nên chỉ dùng để uống thôi. Còn chuyện rửa rau, tắm giặt thì cứ xuống suối.
Phụ nữ Mông vốn đã ít tắm, gặp mùa mưa nước suối đục lại càng ngại tắm hơn nên sức khoẻ không tốt đâu. Từ ngày có cái bể nước sạch này, trong bản ít người ốm đau, trẻ con cũng mau lớn hơn. Mỗi lần đi nương về, qua cái vòi nước này, mình lại vào tắm ào một cái cho mát mẻ. Vợ mình, con mình cũng quen tắm nước ở bể rồi, không ra suối nữa.
Già bản Giàng A Trả gật gù: Cán bộ bảo phải dùng nước hợp vệ sinh từ bể Nhà nước cho, phải giữ gìn nguồn nước, đường ống dẫn nước. Dân bản nghe lời cán bộ, không phá rừng để có nước quanh năm; rào kín quanh mó nước, không thả rông trâu, bò để giữ vệ sinh đầu nguồn.
Cứ 10 ngày một lần, đám trai bản lại đi kiểm tra đường ống dẫn, bể lọc, nếu có gì hư hỏng là sửa chữa, khắc phục ngay. Tôi bảo với các con cháu rằng: Nhà nước lo cho dân bản, tốn hàng trăm triệu đồng thì dân bản phải cố giữ gìn, chăm sóc để có nước sạch dùng cho mình thêm khoẻ, thêm vui.
Minh Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.